- Nhìn thấy điện thoại là sợ, nghe chuông reo thì bỏ chạy hoặc đêm đang ngủ tưởng tượng có tiếng chuông điện thoại văng vẳng bên tai…

TIN BÀI KHÁC


Không ít người trong giới trí thức, doanh nhân do đặc thù công việc phải nghe điện thoại quá nhiều gây căng thẳng, xuất hiện những triệu chứng kể trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

Mất ngủ cả đêm vì tưởng có điện thoại

Cách đây vài ngày, Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP.HCM đã tiếp một doanh nhân có biểu hiện nghe thấy ảo thanh là tiếng chuông điện thoại.

 Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang cho biết, tỷ lệ rối loạn tâm lý tâm thần do nghe điện thoại nhiều ngày càng gia tăng. Ảnh: Thanh Huyền
Người đàn ông đó tên là Trần Văn Thành, ngoài 40 tuổi, ngụ tại TP.HCM, chủ đại lý mua bán gạo. Ông Thành than thở với bác sĩ, khoảng một tháng trở lại đây trong tai lúc nào cũng nghe tiếng chuông điện thoại reo. Nhiều khi đang nằm ông cứ tưởng có điện thoại gọi nên thấp tha thấp thỏm dẫn đến mất ngủ, suy nhược về tinh thần và thể chất.

Tôi khám cho trường hợp này phải mất cả tiếng đồng hồ bởi cứ 5 phút ông ta lại có điện thoại gọi đến. Những cuộc nói chuyện cho thấy công việc làm ăn của bệnh nhân trên rất căng thẳng, nhiều khi làm Thành cáu gắt, thậm chí văng tục.” – Bác sĩ Quang cho biết.

Dù bác sĩ Quang khuyên ông Thành nên quẳng bớt gánh lo âu, chỉ nghe điện thoại vào những giờ nhất định, chịu khó chơi thể thao, thư giãn để làm giảm stress nhưng điều này không hề đơn giản.

Theo bác sĩ Quang, mỗi cuộc điện thoại của người ta là công việc, tiền bạc. Chính vậy bảo họ ít nghe điện thoại chẳng khác nào khó như lên trời. Không khéo tắt điện thoại đi nhưng trong lòng cứ thấp thỏm, sợ có ai gọi mà không tìm được còn làm ông Thành căng thẳng sinh bệnh nặng hơn.

Vì thế những bệnh nhân như ông Thành chỉ còn giải pháp tình thế là song song với nghe điện thoại thì thuốc an thần, chống trầm cảm.

Ra đường nghe chuông điện thoại reo là hoảng


Ngoài doanh nhân, giới trí thức hay các điện thoại viên cũng là đối tượng hàng đầu của hội chứng “điên” vì điện thoại. Chị Phạm Ngọc Bích, trực đường dây nóng cho một công ty kinh doanh đồ điện máy ở quận 7 mắc chứng sợ… chuông điện thoại.

Chị Bích kể - “Em ôm đường dây nóng của công ty 24/24 h, suốt ngày nghe điện thoại khách hàng gọi tới, lúc thì khiếu kiện về chất lượng sản phẩm, lúc muốn bảo hành, khi lại hỏi thông tin chương trình khuyến mãi…

Có ngày 2h sáng người ta gọi điện phá, trêu trọc nhưng em vẫn phải nghe. Em bây giờ cứ nhìn thấy điện thoại là phát hoảng. Có lúc đi chơi, điện thoại của người ta kêu mà em giật mình thon thót
.”

Tương tự trường hợp của chị Bích, chị Hạnh làm việc trong lĩnh vực truyền thông, ngụ tại quận Phú Nhuận cũng đang mất ăn mất ngủ vì cái điện thoại.

Tối cả nhà ăn cơm dưới tầng trệt, điện thoại mình lại để ở phòng ngủ trên lầu. Đang ăn cơm mà mình bắt con gái chạy lên gác tới 3 lần bởi nghe tiếng chuông điện thoại nhưng hóa ra là nhầm. Ông xã bực quá, yêu cầu từ giờ về tới nhà là phải tắt điện thoại để yên trí sinh hoạt cùng gia đình.” – Chị Hạnh tâm sự.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, cuộc sống ngày càng phát triển kèm theo là các phương tiện máy móc hiện đại hỗ trợ cho nhu cầu giao tiếp, công việc của con người. Số lượng người sử dụng hai máy, ba máy điện thoại di động không còn hiếm. Máy để nghe điện thoại công việc, máy nghe điện thoại gia đình, thậm chí máy dành riêng cho… tình yêu.

Áp lực công việc cộng với một ngày phải nghe quá nhiều cú điện thoại dễ làm ta bị căng thẳng, nặng hơn sẽ bị trầm cảm, rối loạn tâm lý tâm thần. Khi nghe điện thoại mà thường xuyên cáu bẳn, nhịp tim sẽ nhanh, huyết áp tăng, kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Bác sĩ Quang khuyên người dân, nhất là giới trí thức, doanh nhân...(những người hay phải tiếp xúc với điện thoại) nên biết cách thư giãn. Cứ 45 phút dù bận cách mấy cũng cố rời bàn làm việc, đứng lên đi lại thư giãn, phân tán bớt sự tập trung nhằm giảm tải căng thẳng.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ triệu chứng ảo thanh do rối loạn tâm lý, tâm thần với các bệnh lý khác. Có người bị u dây thần kinh số 8 cũng xuất hiện triệu chứng vo ve trong tai.

Để kết luận một người có phải bị rối loạn tâm lý tâm thần hay không ngoài nghiệp vụ, các bác sĩ chuyên khoa còn phải căn cứ vào tuổi tác, môi trường làm việc cũng như các biểu hiện đặc trưng kèm theo của người bệnh.

(*) Tên và địa chỉ nhân vật đã được thay đổi.

Thanh Huyền