- Đoàn công tác liên ngành tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra các cơ sở nuôi cá lồng bè tại Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên) có “chuyên gia” người nước ngoài hướng dẫn kỹ thuật, phát hiện sai phạm theo quy định hiện hành.

Doanh nghiệp được cho thuê mặt nước nuôi cá lồng bè đều sai quy định hiện hành. Trong quá trình nuôi không khai báo xuất, nhập thủy sản, không ký hợp đồng, đóng bảo hiểm cho người lao động và sử dụng thuốc thú y thủy sản vô tội vạ “trút” xuống nước các loại thuốc không nhãn mác, nguồn gốc sản xuất “đầu độc” môi trường.

Đặc biệt là từ khi chiếm dụng mặt nước xây dựng lồng bè nuôi cá, có doanh nghiệp thu tiền tỉ, mà không đóng thuế cho địa phương, không nộp phí môi trường lại tự do nhập cá giống…

Cấp phép sai quy định

Diện tích mặt nước từ bãi Lau đến giáp mũi La nằm về hướng Đông Cảng cửa khẩu Vũng Rô được giao cho một đơn vị quân sự quản lý phục vụ quốc phòng.

Thế nhưng, đơn vị này lại ký hợp đồng với Cty TNHH Thuận Hoàng (có người Trung Quốc với tư cách “chuyên gia” hướng dẫn kỹ thuật để nuôi trồng thủy sản.

Đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc nuôi trồng thủy sản có liên quan đến người Trung Quốc tại Vũng Rô

Bà Bùi Thị Bích Ly - Chủ DN Thuận Hoàng, đưa ra bản ký kết hợp đồng số 01, ngày 8/9/2009 giữa DN với Phòng Hậu cần thuộc BCH Quân sự tỉnh, về thuê mặt nước nuôi cá mú và cá bốp. Thời gian thuê là 5 năm (2009-2013) với số tiền 20 triệu đồng/năm.

Tương tự, ông Trịnh Văn Đông (gốc Hoa, quê ở Sóc Trăng) cũng đầu tư nuôi cá trái phép tại đây từ năm 2009 đến nay.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Triết – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên: “Chiều ngày 5/6, đơn vị đã cử cán bộ chức năng kiểm tra minh bạch vụ việc này để báo cáo UBND tỉnh, đồng thời xử lý những cá nhân vi phạm theo pháp luật”.

Điều đáng nói là ngoài việc cấp phép trái quy định của UBND xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa cho các doanh nghiệp Mỹ Ngọc, Vĩnh Tín và Trường Mai (các doanh đã chuyển cơ sở đi nơi khác) thuê mặt nước nuôi cá trái phép tại Vũng Rô từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã cấp giấy cho phép 10 người Trung Quốc làm “chuyên gia” hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá tại Vũng Rô.

Tuy nhiên, khi Văn phòng UBND tỉnh ký thông báo số 619 ngày 6/9/2010, nhưng lại căn cứ tờ trình ngày 18/7/2011 của Doanh nghiệp Vĩnh Tín và cho phép ông Lui Ming Chuan làm việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá từ ngày 7/9-19/12/2011 và ông Cheng Tsao Chiang từ ngày 7/9/2011 đến 29/6/2012.

Ông Cheng Tsao Chiang (quốc tịch Trung Quốc), là chồng của bà Lâm Mỹ Khanh (Giám đốc DNTN Vĩnh Tín) được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy cho phép làm “chuyên gia” hướng dẫn kỹ thuật tại Vũng Rô hơn 9 tháng là trái quy định.

Theo trình tự cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Nghị định 34 của Chính phủ: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp giấy phép lao động, Sở LĐTBXH tỉnh phải cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài…

Thế nhưng, tất cả các “chuyên gia” hướng dẫn kỹ thuật người Trung Quốc làm việc ở Vũng Rô chỉ có giấy phép của UBND tỉnh, chứ không có giấy phép lao động của Sở LĐTBXH.

Ông Nguyễn Xuân Ngân, Chuyên viên Phòng Việc làm - An toàn lao động (thuộc Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên), cho biết: “Theo chức năng, thẩm quyền, Sở LĐTBXH có trách nhiệm cấp phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa nhận được bất cứ văn bản nào từ tỉnh và phía doanh nghiệp đề nghị cấp phép cho người Trung Quốc làm việc ở Vũng Rô”.

Thu tiền tỉ không đóng thuế

Lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng và địa phương ở vùng mặt nước trong vùng quy hoạch cảng, các doanh nghiệp này liên kết với người nước ngoài, chiếm dụng mặt nước xây dựng lồng bè nuôi cá.

Cụ thể, như DNTN Vĩnh Tín thả nuôi 207 lồng cá, Mỹ Ngọc 116 lồng, Thuận Hoàng 75 lồng… có doanh thu hàng trăm tỉ đồng/năm, mà không đóng thuế cho địa phương, không nộp phí môi trường, tự do nhập cá giống, thức ăn, xuất bán và xả thải ra môi trường…

Các doanh nghiệp trên chủ yếu thuê nhân công lao động là người miền Tây với mức lương thấp, không ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm y tế.

Riêng Công ty TNHH Thuận Hoàng bao năm qua “trút” xuống nước các loại thuốc thủy sản không có nhãn mác và nguồn gốc sản xuất.

Ông Lê Đức Tuệ, Phó Phòng Trinh sát BCH Bộ đội Biên phòng Phú Yên cho biết, vào tháng 11/2011, BCH Bộ đội Biên phòng đã kiểm tra tình hình nuôi trồng thủy sản tại các cơ sở nuôi cá có người Trung Quốc ở Vũng Rô.

Sau đó, phòng đã có báo cáo gửi chính quyền địa phương và các ngành chức năng để tăng cường quản lý, xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành ngày 5/6 cho biết: UBND tỉnh Phú Yên đã quy hoạch vịnh Vũng Rô để xây dựng Cảng cửa khẩu và lọc hóa dầu từ năm 2005.

Tình trạng bùng phát thả nuôi hơn 300 bè tôm, cá, đặc biệt là việc thuê người Trung Quốc nuôi trái phép ở Vũng Rô là do các ngành chức năng và chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý, thiếu chặt chẽ trong phối hợp kiểm tra, xử lý.

Ngày 8/6, Đoàn công tác sẽ có báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh, đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Mạnh Hoài Nam