- Luật sư của “cô gái ngàn tỷ” cho biết vào tháng 6/2011, chị T.H.H.L. đã làm thủ tục khai nhận thừa kế đối với một số tài khoản tại các ngân hàng và một xe ô tô do người mẹ nuôi để lại. Sự việc trên khiến dư luận đặt một số dấu hỏi xung quanh vụ việc này.


Đã khai nhận thừa kế tài khoản

Như VietNamNet đã thông tin, tháng 3/2011, bà T.K.P.( 66 tuổi) đột ngột qua đời không để lại di chúc với khối tài sản khổng lồ bao gồm 100 cây vàng, 1 triệu USD, tiền mặt và hàng chục sổ tiết kiệm trong đó nhiều quyển có trị giá hàng chục tỷ đồng.

Do giữa các anh em của bà P. do ông T.V.P. đại diện và chị T.H.H.L. (con gái nuôi của bà P.) xảy ra tranh chấp, không thống nhất về việc xử lý với khối tài sản nên hai bên thỏa thuận cùng đứng ra ký hợp đồng thuê tủ sắt tại Sacombank với thời hạn một năm để cất giữ toàn bộ số tài sản chờ giải quyết. 

Một trong tài sản nhà đất để lại của bà P

Thế nhưng, trong một văn bản gần đây, luật sư Nguyễn Bảo Trâm – cố vấn pháp lý của “cô gái ngàn tỷ” xác nhận vào tháng 6/2011, chị L. đã làm thủ tục khai nhận thừa kế trước các khoản tiền gửi do mẹ cô để lại tại ngân hàng và một xe ô tô.

Như vậy, các tài khoản ngân hàng mà chị L. đã làm thủ tục khai nhận là những tài khoản tại sổ tiết kiệm đã được ghi nhận trong vi bằng, sau đó hai bên đem gửi tại ngân hàng hay những tài khoản khác? Nếu là những tài khoản khác nhau thì khối tài sản bà P. để lại sẽ còn nhiều hơn thế nữa?

Ngược lại, nếu các tài khoản ngân hàng tại các sổ tiết kiệm được ghi nhận trong vi bằng và những tài khoản chị L. đã làm thủ tục khai nhận thừa kế là một thì nghĩa là chị T.H.H.L. đã khai nhận thừa kế tài khoản ngân hàng mà không cần bản chính các sổ tiết kiệm trong tay?

Để giải đáp khúc mắc trên, liên hệ với cố vấn pháp lý của ông T.V.P., chúng tôi được người này xác nhận các tài khoản mà chị L. đã đi khai nhận thừa kế trùng với những tài khoản được ghi nhận tại các sổ tiết kiệm được gửi trong ngăn tủ sắt của ngân hàng.

Nếu vậy, có thể thấy rằng trong khi hợp đồng thuê ngăn tủ sắt chưa kết thúc, toàn bộ số tài sản và sổ tiết kiệm còn cất ở ngăn tủ sắt của Sacombank thì chị L. đã làm thủ tục khai nhận thừa kế mà không cần những sổ tài khoản gốc của người mẹ nuôi để lại.

Chưa lấy được tiền…

Tháng 5/2011, chị L. đã làm thủ tục khai nhận thừa kế trước 23 tài khoản tiền gửi bà P. để lại tại các ngân hàng theo giấy xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng chứ không có những quyển sổ tiết kiệm của bà P.

Sau đó, UBND phường Hiệp Tân, quận Tân Phú đã có văn bản thông báo cho phòng công chứng rằng đã thực hiện niêm yết tại UBND phường theo quy định nhưng không ai có ý kiến, tranh chấp gì. Ngày 6/6/2011, Văn phòng công chứng số 1 đã chứng nhận văn bản khai nhận di sản các tài khoản ngân hàng trên.

Vậy “cô gái ngàn tỷ” đã rút tiền tại 23 tài khoản ngân hàng trên hay chưa?

Về vấn đề này, luật sư của ông T.V.P. khẳng định các khoản tiền hiện vẫn còn nguyên trong tài khoản ngân hàng. Luật sư của ông P. cho biết, ngay sau khi biết thông tin chị L. làm thủ tục khai nhận thừa kế các khoản tiền trên và định đi rút tiền thì ông T.V.P. và luật sư đã lập tức khiếu nại, ngăn chặn. Do vậy, chị L. vẫn chưa thể rút được tiền.

Luật sư của ông P. cũng khẳng định, ông P. và những người anh em trong gia đình hoàn toàn không có ý định tranh chấp thừa kế khối tài sản trên mà chỉ muốn lấy lại phần tài sản mà họ đã hùn hạp, đầu tư kinh doanh cùng bà L.

Luật sư khẳng định, ông và thân chủ có đủ giấy tờ, tài liệu liên quan chứng minh các lần anh em bên Đức gửi tiền hùn hạp với bà P.. Hiện chúng tôi đã gửi toàn bộ giấy tờ liên quan đi giám định ở Bộ Công an và trong thời gian sớm nhất sẽ nộp đơn khởi kiện đòi lại phần đóng góp đó.

Luật sư của cô chị L. chỉ xác nhận chị đã làm thủ tục khai nhận thừa kế trước đối với các khoản tiền gửi do mẹ cô để lại tại ngân hàng chứ không đề cập đến việc L. đã rút ra và sử dụng hay chưa. Tuy nhiên, trong “bức tâm thư” gần đây gửi tới các cậu của mình, chị L. có viết: “Cháu đã nhiều lần khẩn khoản cầu xin cậu T.V.P cùng cháu lên Ngân hàng Sacombank mở ngăn tủ sắt để cho cháu lấy giấy tờ đi khai di sản thừa kế và để lấy một số tiền trả cho những khoản còn thiếu trong việc xây mộ cho má cháu và trả cho những người làm công cho má cháu, để cháu có tiền đi học tiếp, hoàn thành việc học như mong muốn của má cháu nhưng cậu luôn từ chối”.

Trong lá thư đó, chị L. cũng cho biết chị luôn mong muốn nhận được sự hợp tác từ phía gia đình trên cơ sở pháp luật nhằm tìm một hướng giải quyết hợp tình, hợp lý và chị cũng sẵn sàng và vui lòng trao lại những tài sản trong di sản bà T.K.P. để lại nếu bất cứ người nào chứng minh được quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật.

• M.Phượng