Cảnh lộn xộn, bát nháo tại Văn Miếu khiến nhiều sĩ tử đổ về đây phải dở khóc, dở cười.

TIN BÀI KHÁC

Nhọc nhằn vào cửa Khổng, sân Trình

Một ngày trước khi kỳ thi đại học bắt đầu, lượng khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám tăng vọt. Rất đông trong số đó là các sĩ tử chuẩn bị bước vào giờ “G” đến để cầu may.

Lực lượng cò vé hoạt động sôi nổi ngay trước cổng Văn Miếu


Cò vé

Cũng vì vậy, từ sáng sớm, tại các quầy bán vé vào cổng Văn Miếu đã xuất hiện tình trạng “quá tải” khiến Ban Quản lý phải mở thêm hai, ba quầy vé nhưng vẫn không kịp phục vụ. Đoàn người hỗn loạn, chen chúc là nguyên nhân gây ra ách tắc giao thông cục bộ trước cổng Văn Miếu trong nhiều giờ. Các nhân viên bảo vệ cũng phải căng mình hoạt động.

Chỉ cách đó vài bước chân, lợi dụng tình trạng “náo loạn” này, lực lượng cò vé xuất hiện và hoạt động rất sôi nổi. Giá vé vào cổng Văn Miếu là 20 nghìn đồng, với sinh viên, học sinh và người già trên 60 tuổi được giảm còn 10 nghìn đồng nay được đẩy lên 25 nghìn đồng/ vé.

Sĩ tử đổ về trước ngày thi khiến lượng khách tham quan quá tải

Để dễ hoạt động, các “cò” thường “kiêm” luôn vai người bán vàng mã, bán hương hoặc giả làm khách tham quan trà trộn vào đám đông. Mỗi “cò” thường “ôm” theo một xấp vé, áp sát du khách đang mệt mỏi xếp hàng, hoặc những người mới bước chân vào cổng để mời chào.

Đắt rẻ gì năm nghìn, thôi thì mua nhanh, vào nhanh cho đỡ khổ” - một nhóm nam sinh khoảng gần chục em tỏ ra khá “thoáng” khi đồng ý mua vé chợ đen. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều người chịu chậc lưỡi rút thêm tiền khi chứng kiến cảnh chen lấn, la ó tại quầy bán vé tham quan trước cổng Văn Miếu sáng nay.

Chen nhau mua vé

Dắt theo con gái và 4 sĩ tử cùng phòng trọ, chị Hoàng Thị Mai (Thanh Hóa) mệt mỏi cho biết, chị cùng con đã phải chen chúc qua mấy chặng xe buýt đến đây, không ngờ vào cổng mà chị cũng phải chen hơn 15 phút mới mua được vé. 


Mấy đứa con gái sợ lạc nên phải đứng yên một chỗ chờ chị. Trời vừa nắng, vừa mưa khiến cả năm người mệt mỏi rã rời.

Bị mẹ mắng vì không chịu sờ đầu rùa

Theo các sinh viên tình nguyện (SVTN) của Trường ĐH Bách khoa ở Văn Miếu, từ ngày 25/6, đội tình nguyện của trường đã phải tăng cường lực lượng để trông giữ các tượng rùa và giữ gìn vệ sinh, trật tự. Dù có“chi viện”, nhưng áp lực công việc trong những ngày cận thi ĐH của nhóm SVTN vẫn tăng. Riêng việc nhắc nhở du khách không sờ đầu rùa, không đốt vàng, hương bừa bãi đã là cả một vấn đề.

Một nữ sinh cho biết: “Vì chúng em không có quyền xử phạt nên chỉ nhắc nhở không thôi đôi lúc vẫn vô dụng. Có lúc sĩ tử và người nhà ùa vào rất đông, xô đẩy ngã cả SNTN vào vòng bảo vệ để họ có cớ chạm tay vào đầu rùa.

Có trường hợp, phụ huynh còn lao vào ôm chầm lấy em, để cho con họ lao vào sờ đầu rùa. Có người còn ôm cả dép nhảy vào để sờ bằng được”.

Em Nguyễn Thế Sơn (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) ấm ức chia sẻ: “Thật ra em cũng chẳng muốn đến Văn Miếu vì biết là mấy ngày này sẽ đông nhưng mẹ em cứ muốn em đi, không đi cũng không được. Vào chỗ các cụ rùa, em cũng có thích sờ đâu, nhưng mẹ cứ vừa giục em sờ, vừa năn nỉ mấy anh chị sinh viên tình nguyện làm em ngại kinh khủng, phải kéo mẹ đi mà mẹ cứ hậm hực mãi…

Nhiều phụ huynh cố tình “xúi” con sờ đầu rùa…

Từng thắc thỏm mong được đến Văn Miếu Quốc Tử Giám nổi tiếng, nhưng em Hoàng Quang Mạnh (Kiến An – Hải Phòng) đã không có nhiều niềm vui lắm sau gần 3 tiếng đi “cầu may” tại đây.

“Người đến đây quá đông, ý thức tự giác chấp hành các quy định chung thấp nên đi đến đâu em cũng nghe thấy loa nhắc nhở ra rả, hết “đề phòng trộm cắp” lại đến “đề phòng hỏa hoạn”... Chỗ nào cũng có bảo vệ hoặc SNTN làm nhiệm vụ nên em thấy ngột ngạt, không tham quan được mấy. Còn lại khu vực cho chữ, bán hàng lưu niệm cũng rất lộn xộn” - Mạnh nhận xét.

Quỳnh Anh