– Bây giờ cứ mỗi khi có bệnh nặng, tôi và các con đều qua Singapore chữa bệnh và viện phí được phía bảo hiểm thanh toán trực tiếp với bệnh viện”, chị Thủy tỏ ra hài lòng với sự lựa chọn của mình.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân Việt Nam, nhiều hãng bảo hiểm lớn đã đưa đến lựa chọn phong phú bằng các gói bảo hiểm sức khỏe khác nhau. Bảo hiểm y tế của Nhà nước với hàng loạt bất cập như hạn chế về quyền lợi, thủ tục hành chính phức tạp, … đang “lép vé” hoàn toàn. Với xu hướng mua bảo hiểm “khủng”, điều kiện để người dân đi nước ngoài chữa bệnh càng được củng cố thuận lợi. Đây là xu hướng tiêu dùng hiện đại trong y tế mà người dân hướng tới ngày một nhiều.

Một bệnh nhân dùng nhiều bảo hiểm


Một trong những đơn vị trong nước triển khai bảo hiểm sức khỏe cao cấp dành cho bệnh nhân là khoa điều trị tự nguyện A của Bệnh viện Nhi TW. Khoa này hiện đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế với một loạt các đối tác lớn (chủ yếu là các ngân hàng) để phục vụ nhu cầu của người bệnh.

Chị Từ Kim Thoa, một khách hàng sử dụng gói bảo hiểm sức khỏe do ngân hàng HSBC cung cấp cho biết với mức phí tham gia là 4,5 triệu đồng/năm, con chị có thể được thanh toán tối đa 4 triệu đồng/ngày điều trị nếu phải vào khoa điều trị tự nguyện A của bệnh viện này.

 
Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày một tăng cao. Người dân đã chán ngán với cảnh quá tải, bức bách trong bệnh viện và đòi hỏi ngày càng nhiều hơn ở khả năng cung ứng dịch vụ của ngành y và sẵn sàng trả giá đúng nếu nhận được dịch vụ xứng đáng

Theo chị Thoa, mức phí tham gia bảo hiểm loại này hiện nay cao hơn nhiều lần so với BHYT của nhà nước (với mức phí tham gia đang là 4,5%/tháng lương tối thiểu) song những gì mà bệnh nhân được hưởng thì hơn hẳn.

“BHYT của Nhà nước rất phiền toái, thủ tục hành chính rườm rà, lại còn bị phân biệt, quyền lợi rất hạn chế (ví dụ như chỉ được thanh toán tối đa 40 tháng lương tối thiểu/lần điều trị, tương ứng khoảng 42 triệu đồng). Với những trường hợp phải điều trị dài ngày thì số tiền mà tôi phải tự bỏ ra là rất lớn. Vì thế, tôi vẫn cho con tham gia BHYT của Nhà nước vì con là đối tượng bắt buộc, nhưng tôi không mặn mà, cũng không trông chờ nhiều vào loại hình BHYT này”, chị Thoa cho hay.

Theo bà Trần Thanh Tú, trưởng khoa điều trị tự nguyện A (Bệnh viện Nhi TW) thì hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khoa điều trị có tiếp cận với các loại bảo hiểm này ngày một nhiều lên. Có những bệnh nhân tham gia bảo hiểm của nhiều hãng cùng một lúc và khi có bệnh, họ được nhiều bên cùng thanh toán.

Đây được đánh giá là xu hướng tiêu dùng hiện đại trong lĩnh vực y tế, bởi BHYT của Nhà nước trong bối cảnh hiện nay không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Bên cạnh được mở rộng về quyền lợi thì người bệnh còn có những đòi hỏi chính đáng về chất lượng dịch vụ. Do đó, loại hình bảo hiểm “khủng” này đã “gãi đúng chỗ ngứa” của những đối tượng có khả năng chi trả.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, hiện nay, các đơn vị triển khai bảo hiểm này gồm có Bảo Việt, bảo hiểm Quân đội, Dầu khí, Bưu điện, vv… Với nhiều mức phí khác nhau, người bệnh có thể có nhiều lựa chọn để nhận lại dịch vụ y tế hợp lý.

Mua bảo hiểm “khủng” để đi nước ngoài chữa bệnh

Ngoài việc các hãng bảo hiểm lớn trong nước tham gia vào thị trường bảo hiểm sức khỏe thì hiện nay, xu hướng người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh (với con số từ 30.000 đến 40.000 người/năm) đã khiến nhiều hãng bảo hiểm sức khỏe nước ngoài nhận ra rằng đây là nhu cầu thực sự của người dân Việt Nam và họ đã không bỏ lỡ cơ hội tham gia vào cuộc cạnh tranh này.

Theo thông tin mà VietNamNet tìm hiểu, những hãng bảo hiểm này ngoài việc cung cấp gói bảo hiểm tại các cơ sở y tế hiện đại của Việt Nam thì họ còn vươn rộng ra các bệnh viện lớn trong khu vực, trong đó chủ yếu là Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Hong Kong, … - những địa chỉ được nhiều người Việt Nam tin tưởng khi muốn ra nước ngoài khám chữa bệnh trong thời gian qua.

BHYT của Nhà nước không có sức hút đối với người dân vì thủ tục hành chính rườm rà, quyền lợi hạn chế

Chị Nguyễn Thu Thủy, khách hàng sử dụng bảo hiểm của hãng Liberty (Hoa Kỳ) cho biết nhờ mua bảo hiểm của hãng này (với mức giá 9,7 triệu đồng/năm cho đối tượng từ 34-39 tuổi), chị được quyền khám chữa bệnh tại các cơ sở ký hợp đồng với hãng bảo hiểm tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia và Philippines.

Với mức phí tham gia như trên, chị Thủy được hưởng tối đa 5 triệu đồng tiền phòng và ăn uống/ngày; được hưởng tối đa chi phí điều trị ung thư (không giới hạn chi phí phẫu thuật); ngoài ra nếu có người nhà đi kèm thì được phía bảo hiểm thanh toán 2 triệu đồng/ngày, … cùng nhiều quyền lợi khác. Chi phí bảo hiểm tối đa cho nằm viện/năm của gói bảo hiểm cơ bản này lên tới 2 tỷ đồng.

Sau khi sử dụng một thời gian, chị đã mua cho hai con nhỏ (6-17 tuổi) gói bảo hiểm sức khỏe với giá gần 7,2 triệu/người. “Bây giờ cứ mỗi khi có bệnh nặng, tôi và các con đều qua Singapore chữa bệnh và viện phí được phía bảo hiểm thanh toán trực tiếp với bệnh viện”, chị Thủy tỏ ra hài lòng với sự lựa chọn của mình.

Theo nhân viên tư vấn của hãng bảo hiểm trên, hiện nay người Việt Nam tìm đến các gói bảo hiểm có phạm vi khám chữa bệnh quốc tế ngày một đông. Ngoài việc họ cần khám chữa bệnh trong thời gian đi công tác, du lịch thì hiện nay, đời sống kinh tế khá giả cũng là động lực khiến người bệnh chọn lựa hình thức này nhiều hơn.

“Người bệnh có khả năng, trong khi bệnh viện trong nước không đáp ứng được vì quá tải, chất lượng phục vụ kém. Do đó, xu hướng này là tất yếu”, nhân viên tư vấn nói. Theo đánh giá của chị, trong tương lai, nếu bệnh viện Nhà nước không thay đổi để giảm nỗi “sợ hãi” cho bệnh nhân thì loại hình bảo hiểm này sẽ ngày càng phát triển.

Ngọc Anh