– Chi phí cho tiền thuốc chiếm 60% tổng chi phí cho dịch vụ y tế. Do những kẽ hở trong quản lý giá thuốc và quản lý kê đơn, tiền thuốc đang trở thành gánh nặng cho người bệnh.

>> Giá thuốc: Tăng bao nhiêu cũng được
>> Quản lý giá thuốc: Bộ Y tế muốn xoa dịu dư luận?
>> Giá thuốc: Sẽ không còn “mua 1 bán 5”?

Tiền thuốc: Nỗi ám ảnh của người bệnh


Ngày 8/6 vừa qua, chị Q. (trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) đi khám tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) với triệu chứng đau thắt vùng thượng vị.

Sau khi đóng tiền khám dịch vụ hết 70 ngàn đồng, chị Q. được kiểm tra và kết luận bị đau thượng vị. 2 loại thuốc được kê cho chị Q. là Nexium 40mg (10 viên) và Gastrofuril (10 gói).

Tiền thuốc của chị Q. cao gấp 4,5 lần tiền khám bệnh

Với đơn giá 26.400 đồng/viên (thuốc Nexium 40mg) và 3.400 đồng/gói (thuốc) Gastrofuril, tổng số tiền chị Q. phải bỏ ra để mua thuốc là 298.000 đồng (kể cả 14.000 đồng tiền thuế). “Như vậy là cao gấp 4 lần tiền khám”, chị Q. rầu rĩ nói.

Tại Bệnh viện Nhi TW, bệnh nhi Nguyễn Văn Ng., 2 tuổi, trú tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên đã phải chi ra tới gần 1.600.000 đồng chỉ để mua… thuốc bổ sau khi được chẩn đoán chậm vận động phát triển tâm thần trung bình.

Đơn thuốc gần 1,6 triệu đồng chứa toàn thuốc bổ sung canxi, vitamin, sắt, vi chất tại BV Nhi TW

Cả 4 loại thuốc mà bệnh nhân Ng. phải mua theo đơn kê của bác sỹ đều là thuốc bổ, gồm dầu cá + vi lượng, thuốc bổ sung canxi, vitamin và sắt.

Trong khi đó, các biện pháp quản lý giá thuốc hiện vẫn chưa phát huy hiệu quả. Cộng thêm với việc lỏng lẻo trong quản lý kê đơn, hiện nay, bệnh nhân là người gánh chịu tất cả những hậu quả này.

Có những đơn thuốc được kê đến hơn 10 loại thuốc khác nhau, thậm chí gần 20 loại khiến hóa đơn tiền thuốc lên đến vài triệu đồng.

Chi phí sử dụng thuốc tăng gấp đôi sau 5 năm

Theo báo cáo của Cục quản lý dược (Bộ Y tế), tiền thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam có sự gia tăng rõ rệt qua các năm.

Năm 2001, tiền thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam là 6 USD. Đến năm 2002, con số này tăng lên 6,7 USD. Sau 5 năm (2007), tiền thuốc bình quân đầu người đã là 13,39 USD và đến năm 2011 đã nhảy vọt lên mức 27,6 USD.

Cục quản lý Dược dự báo đến năm 2014, tiền thuốc bình quân đầu người sẽ nâng lên mức 33,8 USD.

Giá thuốc: Mỗi nơi một kiểu

Điều đáng nói là hiện nay, giá thuốc đang “loạn”, cùng một loại nhưng cùng một loại mỗi nơi có một giá khác nhau và cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu.

Những đơn thuốc "khủng" chứa trên 10 loại thuốc tại BV chuyên khoa Tim tại Hà Nội

Cụ thể: Biệt dược Meroprem 1g (hoạt chất Meropenem) có cùng xuất xứ (Uraguay), cùng quy cách đóng gói (hộp/1 lọ) nhưng trúng thầu vào Bệnh viện Bạch Mai và Viện Huyết học Truyền máu TW năm 2011 với giá 650.000 đồng/lọ.

Trong khi đó, cũng là thuốc trên nhưng giá trúng thầu vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu ba Đồng Hới năm 2011 chênh tới 80.000 đồng/lọ, tức trúng thầu ở mức 730.000 đồng/lọ.

Biệt dược Inimod 30mg có cùng xuất xứ, cùng quy cách đóng gói, cùng số đăng ký nhưng trúng thầu vào bệnh viện TW Huế năm 2011 với giá 11.490 đồng/viên, trong khi giá trúng thầu vào bệnh viện Hữu Nghị là 9.933 đồng/viên (mỗi viên thuốc ở 2 bệnh viện này chênh nhau gần 1.600 đồng).

Trong khi đó, theo tìm hiểu của VietNamNet, giá nhập khẩu của thuốc này chỉ dừng ở mức dưới 2.000 đồng/viên! Năm 2007, giá nhập khẩu của thuốc này về Việt Nam dừng ở mức 1.320 đồng/viên.

Nhiều loại dược phẩm tăng giá

Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam vừa có báo cáo về biến động giá thuốc trong tháng qua (trên cơ sở khảo sát 4.664 lượt mặt hàng dược từ các công ty dược, các trung tâm bán buôn thuốc tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng).

Theo đó, thuốc nội có 28 lượt mặt hàng tăng giá, chiếm tỷ lệ 0,6% được khảo sát, tỷ lệ tăng trung bình khoảng 9,37%; có 6 lượt mặt hàng giảm giá, tỷ lệ giảm trung bình khoảng 3,11%.

Thuốc có 32 lượt mặt hàng tăng giá (chiếm 0,68% số được khảo sát), tăng trung bình khoảng 6,4%; 15 lượt mặt hàng giảm giá, chiếm tỷ lệ 0,32%, mức giảm trung bình khoảng 6,3%.

Theo các nhà thuốc bán lẻ, một số thuốc thuộc nhóm kháng sinh, điều trị tim mạch, huyết áp, nhãn khoa nhập khẩu tăng ở mức cao hơn (khoảng 7-10%). Dự báo, trong tháng tới, giá một số mặt hàng thuốc nhập khẩu có thể tăng nhẹ.
Ngọc Anh