- Nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp vận tải đang đi ngược với quyền lợi của người dân do chậm giảm cước vận chuyển, dù xăng dầu đã giảm giá lần thứ 5 liên tiếp trong năm.

Việc xăng dầu giảm giá lần thứ 5 liên tiếp trong năm đã khiến chi phí nhiên liệu của các doanh nghiệp vận tải được giảm đáng kể. Tuy nhiên, giá cước vận tải hiện nay giảm rất chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn “cố thủ” giá cước cũ đã gây ra nhiều đánh giá trái chiều.

Giọt nước tràn ly?

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc bến xe miền Đông nói: “Cho đến nay, tất cả các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến xe miền Đông vẫn tiếp tục duy trì mức cước vận tải cũ”.

 

Hầu hết xe khách đã không giảm giá vé sau đợt giảm giá xăng dầu lần thứ 5 vừa qua.

 

“Việc có giảm cước hay không là do doanh nghiệp tự cân đối thu chi, bến xe chúng tôi chỉ có nhiệm vụ quản lý xe ra vào bến bãi chứ không can thiệp được. Nếu đến lúc cần phải giảm giá cước vận chuyển mà doanh nghiệp vẫn ngoan cố không giảm thì chính họ đã “tự giết mình” trước sức ép cạnh tranh”, ông Hải nói.

Theo ghi nhận của VietNamNet, với rất nhiều doanh nghiệp, giá cước vận tải này đã tồn tại kể từ khi xăng dầu giảm giá lần 3 trong năm nay. Rất nhiều người dân đã mong mỏi sẽ có sự điều chỉnh giám trong mùa thi đại học để các thí sinh ở tỉnh, thành sẽ giảm được chi phí đi lại. Tuy nhiên, việc này đã không xảy ra.

Ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (TP.HCM) cho hay từ khi giá xăng dầu giảm, Công ty TNHH vận tải Kumho Samco là đơn vị tiên phong giảm giá vé đầu tiên. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng chỉ giảm giá vé đối với tuyến TP.HCM đi Rạch Giá, Kiên Lương (Kiên Giang), mức giảm từ 70.000 đồng xuống còn 65.000 đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại ở bến xe miền Tây, khi xăng tăng, có 43 doanh nghiệp tăng giá vé. Nhưng khi xăng giảm đến lần thứ 5 liên tiếp chỉ có 4 doanh nghiệp giảm giá. Hiện bến xe này có khoảng 130 nhà xe hoạt động.

Hiệp hội cũng chào thua…

Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi về việc cước vận tải “cố thủ” sau đợt xăng dầu giảm giá vừa qua đã nói rằng, họ chưa thoát khỏi sự ảm đảm của cú sốc khủng hoảng kinh tế. Chủ một doanh nghiệp vận tải tại quận Tân Bình nói: “Xăng dầu giảm giá như thế nhưng chưa thể bù đắp thiệt hại mà chúng tôi đã chịu trong suốt 1 năm nay. Việc tiếp cận vốn vay lãi suất thấp là chưa thể vì khoản nợ cũ vay ngân hàng để duy trì kinh doanh cũng chưa tất toán xong”.

 

Hiệp hội vận tải hàng hóa chưa ra một văn bản khuyến cáo giảm cước nào với lý do tình hình giá xăng dầu 6 tháng đầu năm liên tục biến động.

 

Tuy nhiên, theo thống kê mới đây của Sở GTVT TP.HCM, những con số của ngành vận tải lại cho thấy sự tăng trưởng khá lạc quan, dù những dự báo về đáy suy thoái kinh tế vẫn còn phía trước. Cụ thể, vận tải hàng hoá đường bộ tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đã tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 32,07 triệu tấn. Vận tải hành khách tăng cũng tăng 10,8%, đạt 49,5% so với kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa cho biết: “Thực tế việc tăng, giảm cước vận tải hàng hóa, Hiệp hội không thể can thiệp được mà chỉ đưa ra văn bản khuyến cáo. Vào năm 2011, Hiệp hội đã từng soạn văn bản khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh cước vận tải hạ sau khi xăng dầu giảm giá”.

“Nhưng do tình hình giá xăng dầu năm nay quá phức tạp, cùng với biến động suy thoái kinh tế nên Hiệp hội không “chạy” theo được. Tình hình doanh nghiệp bi đát nhưng cụ thể ở mỗi doanh nghiệp thế nào, sau khi xăng dầu giảm giá sẽ giảm cước bao nhiêu, Hiệp hội không thể nào nắm bắt hết được” - ông Chung chia sẻ.

Hiện nay, người dân chỉ còn trông chờ vào thông tin Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải giảm giá cước theo giá xăng dầu. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị các sở tài chính địa phương hướng dẫn và kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; rà soát, thực hiện kê khai lại giá cước theo giá xăng dầu đã giảm.

Quốc Quang