– Chủ trương xã hội hóa, tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế đã giúp các bệnh viện có thêm nguồn thu đáng kể (ngoài ngân sách và BHYT). Hiện mảnh đất màu mỡ này đang nở rộ ở tất cả các bệnh viện ở các tuyến khác nhau song dịch vụ có đạt “chất lượng cao”, tương xứng với đồng tiền người bệnh bỏ ra hay không thì vẫn còn là một ẩn số.

>> Bệnh nhân nhí bị thu phí 'giá cắt cổ'?
>> Tình cảnh quá tải khủng khiếp ở bệnh viện VN
>> Nằm viện đắt hơn khách sạn 5 sao ở Việt Nam

Nở rộ


Tính tới thời điểm này, hầu như bệnh viện công lập nào cũng mở ra khu vực khám dịch vụ, thu phí với giá cao và tồn tại dưới các tên gọi khác nhau như: Khám tự nguyện, khám theo yêu cầu…

Mục đích chính của những khu vực này không phải để giảm tải là để đáp ứng một bộ phận người dân có khả năng chi trả cao, nhằm tăng nguồn thu cho các bệnh viện.

 
Khoa khám bệnh theo yêu cầu của BV Bạch Mai

Một trong những bệnh viện triển khai khu vực điều trị tự nguyện khá nổi tiếng là Bệnh viện Nhi TW.

Tại đây, có các loại hình tự nguyện A, B, C, trong đó tự nguyện A là đắt nhất với 680 ngàn đồng/lần khám, các loại hình “tự nguyện” còn lại ở mức 90 ngàn đồng/lần khám (so với giá khám BHYT khi chưa tăng viện phí là 3.000 đồng/lần khám).

Nguồn thu lớn của các bệnh viện

Việc thực hiện tự chủ đã đem lại những thay đổi khá rõ về tài chính của các bệnh viện, đặc biệt là tại các Bệnh viện chuyên khoa Phụ sản.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thu từ dịch vụ theo yêu cầu chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng thu của bệnh viện năm 2006. Theo thời gian, quy mô càng mở rộng thì tỷ trọng này càng lớn.

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, con số không chính thức cũng cho thấy mỗi năm khoa khám bệnh theo yêu cầu mang lại nguồn thu cả chục tỷ đồng cho bệnh viện. Các khoa điều trị tự nguyện của bệnh viện Nhi tuy không được tiết lộ về nguồn thu song nhìn vào mức giá và lượng bệnh nhân đến khám, điều trị là có thể biết con số không hề nhỏ.

Tuy giá đắt nhưng mỗi năm chỉ tính riêng khoa điều trị tự nguyện A đã khám cho khoảng 4.000 bệnh nhân ngoại trú và điều trị khoảng 400-500 bệnh nhân nội trú. Các khu vực tự nguyện khác cũng luôn trong tình trạng quá tải.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, khoa Khám bệnh theo yêu cầu của bệnh viện đã ra đời sau khi chủ trương xã hội hóa, tự chủ tài chính có hiệu lực.

Theo lão đạo bệnh viện, khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu có đủ khả năng cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh với chất lượng cao, chăm sóc toàn diện.

Tương tự, tại Bệnh viện Việt Đức, khoa Khám bệnh theo yêu cầu ngoài việc thu tiền khám cao hơn các khu vực khác còn đưa ra các mức giá khác biệt về tiền giường nằm, trong đó có loại giường 1,5 triệu đồng/ngày (luôn trong tình trạng “cháy phòng”).

Không chỉ ở bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố cũng không bỏ lỡ cơ hội để mở rộng, đa dạng hóa các hình thức khám chữa bệnh.

Ngay tại Hà Nội, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế như Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản, Thanh Nhàn, … cũng đều có khu vực khám dịch vụ với giá cao hơn hẳn khu vực thông thường.

Tình hình này cũng phổ biến ở các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Chất lượng không tương xứng với đồng tiền?

Bỏ ra nhiều tiền để khám, điều trị nhưng không phải người bệnh nào cũng nhận lại được chất lượng điều trị và chất lượng dịch vụ tương xứng.

Có thể lấy ví dụ: Lãnh đạo khoa điều trị tự nguyện A (Bệnh viện Nhi TW) khẳng định điều dưỡng của khoa đều có kinh nghiệm 3-5 năm, có kiến thức sâu về nhi khoa, còn bác sỹ ít nhất đều từ Thạc sỹ trở lên.

Song trên thực tế, có nhiều người đưa con đến đây khám bệnh xong phàn nàn rằng “cần phải xem lại trình độ của cả bác sỹ lẫn điều dưỡng và cung cách phục vụ”.

Bệnh nhân điều trị tại Khoa điều trị tự nguyện A - Bệnh viện Nhi TW

Chuyện bị nhiều bệnh nhân “kêu” nhất ở khoa này là chuyện cán bộ y tế thậm chí không biết lấy ven! “Cuối cùng, sau nhiều lần chọc lấy ven không thành, con tôi bị lấy ven trên đầu”, một phụ huynh từng đưa con nhỏ đến đây khám thuật lại.

Chưa hết, nhiều người nhà bệnh nhân còn phản ánh việc con họ bị lạm dụng các xét nghiệm, chụp chiếu không cần thiết (dù phải đóng tiền với giá cao).

Chị Vương, trú tại quận Long Biên, có con trai bị sốt kéo dài 3 ngày nhưng khi vào viện, ngoài xét nghiệm máu, chị cho biết con chị còn được yêu cầu làm xét nghiệm tiểu đường và các loại chụp chiếu khác (trong khi phương án chữa trị cuối cùng được đưa ra vẫn là dùng thuốc hạ sốt!)

“Như vậy là tôi phải trả thêm tiền triệu cho các xét nghiệm không cần thiết kia”, chị Vương cho hay.

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, bà Trần Thanh Tú, trưởng khoa điều trị tự nguyện A – Bệnh viện Nhi TW cho hay “chất lượng cao” là mục đích mà bệnh viện hướng tới song đang trên đà xây dựng nên bệnh nhân luôn luôn có những đòi hỏi cao hơn mức mà bệnh viện cung ứng được.

Đây cũng là nhu cầu chính đáng của người bệnh và bà Tú cho biết theo thời gian, chất lượng phục vụ tại khoa đã tốt hơn trước rất nhiều. Bà Tú cũng thẳng thắn cho biết trong quá trình hoạt động, nếu có những điểm chưa phù hợp thì phải thay đổi.

Tình trạng “lạm dụng” này cũng được phản ánh chính xác trong kết quả nghiên cứu mà Viện chiến lược và chính sách Y tế đưa ra vào năm 2009.

Theo đó, việc thực hiện tự chủ tài chính có ảnh hưởng khá rõ rệt đối với sự gia tăng về công suất sử dụng giường bệnh, số lượng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thời gian nằm viện bình quân!

Ngoài việc phải chi trả cho những xét nghiệm không cần thiết, các bệnh nhân khám dịch vụ ở nhiều bệnh viện lớn khác như Việt Đức, Bạch Mai, Phụ sản Trung ương… đều phản ánh họ vẫn phải chờ đợi như thường (chỉ nhanh hơn khu vực thông thường một chút nhưng giá thì khác hẳn).

Ngoài ra, tuy là “khám bệnh chất lượng cao, dịch vụ tốt” song tư duy bao cấp trong lối phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế vẫn khiến người bệnh khá bức xúc vì dịch vụ mà họ mang lại không đáp ứng được đòi hỏi và số tiền mà họ đã bỏ ra.

Cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế gồm: Nghị quyết 90/NĐ-CP năm 1997, Nghị quyết 05/NQ-CP năm 2005, Nghị định 53/2006/NĐ-CP năm 2006 (thay thế Nghị định 73/1999/NĐ-CP năm 1999) và gần đây nhất là Quyền tự chủ, chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/2006-NĐ-CP năm 2006.

Đặc biệt là kể từ thời điểm Nghị định 43 ra đời năm 2006, công tác xã hội hóa y tế phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết với việc mở rộng, đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ sức khỏe (ngay trong cùng một bệnh viện).

Toàn bộ các bệnh viện công lập ở các tuyến đều lập ra các khu vực khám dịch vụ, thu viện phí với giá cao hơn khu khám thông thường để cải thiện nguồn thu, giảm áp lực về ngân sách cho Nhà nước.

C.Quyên