- Yêu bồng bột, lập gia đình sớm. Chịu không nổi áp lực trong cuộc sống vợ chồng “cơm không ngon, canh không ngọt”. Những quyết định vội vã, một trong hai vợ chồng kéo nhau ra khu phố nhờ viết đơn ly hôn.

 
Có hàng ngàn câu chuyện bi hài xung quanh khu phố viết đơn thư “đặc biệt” ở Cần Thơ. Mỗi lá đơn là từng ấy câu chuyện, mảnh đời, số phận người dân cậy nhờ đến những người trong nghề thảo đơn thư.
 
Hỏi bất kỳ ai tại khu phố này cũng đều bảo, trong tất cả các loại đơn thư hàng ngày họ phải đánh máy nhiều nhất là: “Đơn thưa kiện đất đai, rồi đến đơn thư đòi ly hôn…”.
 
Những ông già viết đơn ly hôn
 
Đúc rút hàng chục năm trong nghề thảo đơn thư, ông Trần Hoàng Hưng (70 tuổi) tâm sự: “Cứ 10 người đến đòi viết đơn ly hôn là có 9 người dứt khoát phải thảo đơn cho bằng được. Dù đã can ngăn, giải thích và hỏi han như một người cha, một người hiểu biết sau ly hôn là cảnh cùng cực của vợ chồng, con cái. Vậy mà, một hai đòi ly hôn”.

Ông Phan Văn Tư ngồi trầm ngâm nghĩ lại gần 40 năm trong nghề thảo đơn thư.
 

Trong rất nhiều câu chuyện của những người vợ, người chồng đến nhờ thảo đơn ly hôn, dù đó là trẻ hay già, những người thảo đơn đều muốn hỏi lý do vì sao muốn chia tay. Đến lúc đó, công việc thảo đơn mới bắt đầu. Và, đã không có ít người cáu gắt, trút giận vì những lời khuyên chân thành của người trong nghề.
 
Trong năm 2010, trường hợp của chị H. (22 tuổi, quê ở Hậu Giang) đến nhờ ông Hưng thảo đơn, lúc được tư vấn thì đã cáu gắt: “Ông không làm thì tui sang nhờ người khác, không phải tư vấn gì hết”. Rồi ông cũng nhẹ nhàng, chiều theo ý của khách.

Ông Nguyễn Văn Hiếu là một trong 3 người bị cụt chân vẫn miệt mài với nghề.
 
Bên cạnh đó, cũng có những cặp vợ chồng trẻ tuổi đã tâm sự rất thật với những người thảo đơn, ông Hưng đúc kết: “Do khi yêu là thích bằng cảm tính rồi tiến đến hôn nhân, không tìm hiểu, dễ bất hòa và tiến tới ly hôn. Chữ tình không còn được mặn mà, son sắt như thế hệ của chúng tôi trước đây. Một phần lớp trẻ bây giờ chỉ cần nói nhau câu nặng lời là lòng tự ái, dẫn đến suy nghĩ nông cạn rồi kéo nhau ra tòa”.
 
Còn ông Nguyễn Văn Hiếu (62 tuổi), là một trong 3 người bị cụt hai chân ở phố thảo đơn bảo: “Có những ngày tôi đánh đến 4 cái đơn ly hôn, toàn là lớp trẻ (30 tuổi trở lại - PV). Tháng nào tôi cũng thảo từ 10 đến 12 cái đơn ly hôn”.
 
Nhiều khi, gia đình mâu thuẫn, nhiều cặp vợ hoặc chồng kéo nhau ra đây ngang nhiên “trút giận” lên đầu những người thảo đơn: “Nhiều cặp vợ chồng kéo ra đây, chúng tôi đã hòa giải, nói tình nói lý nhẹ nhàng để họ nhận ra việc này nên hay không. Nhưng hầu hết đã ra đây là kiểu gì cũng phải thảo đơn cho bằng được, ai cũng bảo vệ lẽ phải của mình, không ai nhường ai”.
 
 

Và, không ít trường hợp có nhà lầu, xe hơi, đời sống vật chất đầy đủ vẫn kéo nhau ra khu phố thảo đơn thư ly hôn. Những người làm việc ở đây nói với tôi rằng, trong tất cả các đơn thì đơn ly hôn được tư vấn nhiều nhất.
 
Những lá đơn nhớ đời
 
Sau hàng chục năm trong nghề, những người thảo đơn ở khu phố này không thể nhớ chính xác được bao nhiêu đơn thư đã soạn thảo và cũng có ngần ấy câu chuyện vui buồn khác nhau. Trong số ít lá đơn đó, có người còn giúp công an xác định được đơn thư nặc danh, hiếp dâm con bạn và cả những lá đơn cha con, anh em giết nhau đẫm máu và nước mắt,…
 
Khách hàng chăm chú nhìn ông Trần Hoàng Hưng (70 tuổi) sửa một lỗi duy nhất trên cả trang đánh máy.
 

Ông Trần Hoàng Hưng vẫn nhớ như in vào năm 1995, trong vòng 1 tháng có 2 người phụ nữ đến nhờ thảo đơn thưa kiện cán bộ huyện Châu Thành cũ (nay là Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ) với nội dung tố cáo cán bộ huyện bớt xén tiền (sau này công an hỏi đến mới biết là thư nặc danh - PV).
 
“Tôi cứ băn khoăn không hiểu sao lá đơn này cách chừng 1 tháng vừa đánh cho một người phụ nữ khác, bây giờ lại thấy người phụ nữ trẻ hơn đến cũng nhờ thảo lại đơn như ban đầu. Thì ra, khi công an đến hỏi, tôi mô tả lại 2 người phụ nữ đó thì mới phát hiện, đó là là 2 cô cháu gửi đơn thư nặc danh để tố giác người sai phạm. Tôi biết rõ từng lá đơn của mình, mỗi lá đơn thảo xong đều có ký hiệu riêng để nhận dạng” – hồi ấy mỗi lá đơn chỉ có 2 ngàn đồng, nhưng ông Hưng vui vì giúp công an tìm ra người tố giác và bắt được cán bộ ăn chặn tiền.
 
Người thợ già đánh máy Nguyễn Văn Hiếu lại có câu chuyện 'động trời' 10 năm về trước tại huyện Phùng Hiệp (Hậu Giang) mà ông từng thảo đơn.

Ông kể, đó là câu chuyện một người đến nhà bạn chơi, trong lúc bạn đi thăm đồng, thấy con gái của bạn ở nhà (bé gái 14 tuổi) nên nảy ý đồ xấu. Người này đã dùng vũ lực kéo con gái của bạn vào phòng rồi hãm hiếp.

Ông Tư già làng xem chiếc xe lăn gắn bó gần 40 năm qua

Thực hiện xong hành vi đồi bại của mình, người bạn đốn mạt kia đã giết chết cô bé nhằm bịt đầu mối  vụ việc. Cuối cùng, thì người bạn bất lương cũng bị tra tay vào còng số tám với 2 tội danh “hiếp dâm trẻ em và giết người”.
 
Tiếp đến, ông Hưng kể câu chuyện anh em giết nhau. Chỉ vì tranh giành đất đai, người anh đã dùng xẻng lao thẳng vào cổ khiến em chết ngay khi đang ngồi trên ghe đi thăm đồng tại Sóc Trăng.

Cũng vì mâu thuẫn đất đai, tại xã Dị Thủy (Sóc Trăng), trong lúc ngồi uống rượu người cha phân chia tài sản không đều, dẫn đến bi kịch đứa con bất hiếu dùng chày đánh mạnh vào đầu khiến ông này chết ngay tại bàn nhậu. 

Còn có vô vàn những câu chuyện bi đát khác, hàng ngày nhưng người thảo đơn ở khu phố này vẫn phải tiếp tục chứng kiến. Và những con người, những cỗ máy đánh chữ vẫn miệt mài làm việc thảo đơn thư giúp người dân gần hơn với cơ quan chức năng.

Bình quân mỗi ngày thu nhập của người thảo đơn thư ở chợ An Lạc, TP. Cần Thơ, từ 80 đến 100 ngàn đồng, trừ các chi phí, một người thảo đơn thư có được hơn 2 triệu đồng/tháng.
 
Ông Phan Văn Tư (Tư già làng - PV) tâm sự: “Sống với nghề gần 40 năm, bây giờ mỗi buổi sáng mà không đi ra “khu phố”, không được ngồi với mấy anh em làm việc là thấy nhớ vô cùng. Ngày trước có 13 người làm nghề này, nhưng dần dần tách ra làm độc lập tại nhà riêng.
 
Giờ chỉ có 8 người, trong đó, có 3 người tàn tật như tôi. Sống được với nghề đến tận hôm nay là sự vươn lên chính mình, mình không muốn trở thành gánh nặng của vợ con và của xã hội. Chiếc xe lăn nó giống như con lạc đà đưa tôi đi khắp nơi…”.

Quốc Huy