- Vụ việc diễn ra ngày 1/7/2012 và cả những diễn biến sau đó đã làm cho đời sống của các tín đồ công giáo trên toàn tỉnh bị đảo lộn, tác động xấu đến tình đoàn kết nhân dân, đến truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc và gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.
Những thông tin sai lệch
Việc tổ chức hoạt động tôn giáo trái pháp luật tại nhà ông Trận vào ngày 1/7 đã được thông tin rất chi tiết trên các báo, đài địa phương của tỉnh Nghệ An và cũng được các trang mạng của các tổ chức công giáo và một số báo, đài nước ngoài đưa tin.
Tuy nhiên, những chi tiết và diễn biến vụ việc trên các trang mạng của các tổ chức công giáo, mà điển hình là website Giáo phận Vinh online hoàn toàn khác xa, thậm chí đối lập với các báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An cũng như thông tin mà các báo, đài địa phương cung cấp.
Nhiều giáo dân huyện Anh Sơn, Thanh Chương... đến nhà ông Phạm Thế Trận để hành lễ trái pháp luật - Ảnh: Báo Nghệ An |
Đặc biệt, các văn thư của Giám mục và Văn phòng Tòa giám mục Giáo phận Vinh gửi đến các giáo xứ và UBND tỉnh Nghệ An cũng thể hiện một diễn biến và bản chất hoàn toàn khác với thực tế diễn ra.
Nội dung chủ yếu cho rằng chính quyền đưa lực lượng quân đội, công an và côn đồ đàn áp, đánh đập linh mục, giáo dân, đập phá tượng Chúa... Văn phòng Toà Giám mục đã có thông cáo về việc xảy ra tại xã Yên Khê, trong đó cho rằng, nhà cầm quyền đã phạm thánh, hành hung linh mục và giáo dân, và vụ việc là "cao trào và kết quả của những mưu tính lâu dài, được giàn dựng công phu, kỹ lưỡng của các thế lực đen tối"; đồng thời kêu gọi các giáo xứ trong giáo phận hiệp thông, thắp nến cầu nguyện cho giáo dân Con Cuông bị nhà cầm quyền bách hại và yêu cầu tất cả các giáo xứ căng băng rôn với nội dung "Phản đối hành vi phạm thánh và đánh đập linh mục, giáo dân của Chính quyền Con Cuông"...
Không chỉ dừng lại ở đó, Tòa giám mục giáo phận Vinh đã chỉ đạo tất cả các giáo xứ trong toàn giáo phận thắp nến cầu nguyện vào đêm thứ bảy (ngày 7/7/2012) và huy động hàng nghìn tín đồ đến tập trung tại 20 điểm nhà thờ thuộc 20 giáo hạt để làm lễ "hiệp thông với anh chị em đang bị bách hại về đức tin và để phản đối những hành vi phạm thánh, xúc phạm đến Đức tin Công giáo diễn ra tại giáo điểm Con Cuông trong thời gian qua"... vào ngày 15/7/2012.
Những thông tin sai lệch trên đã bóp méo nghiêm trọng về bản chất vụ việc và về việc thực hiện chính sách tôn giáo của chính quyền các cấp tại Nghệ An.
Đâu là sự thật?
Thứ nhất, về sự xuất hiện của lực lượng bộ đội biên phòng tại khu vực nhà ông Trận lúc xảy ra vụ việc, mà các thông tin xuyên tạc vin cớ cho rằng "quân đội đàn áp giáo dân", đã được các nhân chứng kể lại và Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An xác nhận như sau: Khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 01/7/2012, có 15 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng thuộc Bộ đội biên phòng Nghệ An (đóng tại địa bàn huyện Con Cuông) trên đường đi làm nhiệm vụ tuần tra theo kế hoạch, khi đi qua xã Yên Khê, thấy vụ việc xảy ra đã dừng lại để nắm tình hình và sau 30 phút thì tiếp tục đi làm nhiệm vụ tăng cường công tác tuần tra biên giới cho Đồn biên phòng 555 tại Con Cuông.
Những chiến sĩ bộ đội biên phòng này đã không hề tiếp cận nhà ông Trận, lại càng không hề có hành động "đàn áp" nào với các tín đồ, linh mục.
Thứ hai, về sự xuất hiện của lực lượng công an, thì đó là nhiệm vụ bắt buộc trong trường hợp có sự mất an ninh, trật tự. Ở vụ việc này, đã có 43 người bị vây giữ, hành hung, đã có xô xát, ẩu đả giữa một bên là tín đồ công giáo và một bên là cán bộ và người dân địa phương, nếu không có lực lượng công an vào can thiệp kịp thời, thì sự việc có thể đã bị biến thành xung đột lớn.
Hoạt động tôn giáo trái pháp luật tại nhà riêng ông Trận với hàng trăm tín đồ từ nơi khác đến tham gia đã làm đảo lộn cuộc sống thanh bình của người dân Yên Khê, nhất là người dân thôn Trung Hương. Hơn nữa, đồng bào dân tộc Thái vốn luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, nhất là trước những tác động của tín ngưỡng, tôn giáo mới nên đã rất bức xúc trước những hoạt động tôn giáo tại nhà riêng ông Trận. |
Về việc này, chắc linh mục Nguyễn Đình Thục còn nhớ, rằng chính ông, vào khoảng 4 giờ, ngày 02/7/2012 đã điện thoại đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cử lực lượng tới giúp đỡ, bảo vệ bà con giáo dân, khi bên ngoài nhà ông Trận có rất đông người dân địa phương đang hết sức bức xúc, mang theo hung khí và sẵn sàng trả thù vì người thân của họ bị giam giữ, đánh đập suốt đêm.
Và cũng đến 4 giờ 15 phút ngày 2/7/2012 thì lực lượng công an mới tiếp cận hiện trường xảy ra vụ việc để vận động, giải thích, yêu cầu bà con bỏ hung khí và bảo vệ cho 2 linh mục và bà con tín đồ rút khỏi hiện trường an toàn.
Thứ ba, về thông tin cho rằng chính quyền đã thuê côn đồ vào đánh đập giáo dân và linh mục, thì tại sao số cán bộ và lương dân bị thương lại rất nhiều? Đến 58 người, trong đó có 8 người bị thương nặng. Còn trong số hàng trăm tín đồ (lúc đông nhất là 800 tín đồ) tập trung tại nhà ông Trận, chỉ có 4 người bị thương, trong đó chị Thanh là bị thương nặng nhất, việc này xảy ra trong lúc xô xát, ẩu đả, và đến bây giờ, các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra làm rõ là do ai.
Thứ tư, các trang mạng của các giáo xứ, giáo phận thông tin rằng hơn 40 cán bộ của chính quyền vào "chiếm" nhà nguyện và chốt cửa "tự giam" mình trong đó. Nếu sự thật đúng như vậy thì tại sao những cán bộ này lại "tự giam mình" lâu thế, đến 12 tiếng đồng hồ, trải qua suốt đêm 01/7/2012, không được ngủ và thực phẩm duy nhất là mì tôm sống do các tín đồ cung cấp.
Nếu các cán bộ "tự chốt cửa giam mình" được như vậy thì làm sao các tín đồ quá khích có thể thay nhau vào để đánh đập, lăng mạ, ép buộc PCT UBND huyện phải viết biên bản theo yêu cầu của họ, khi biên bản không được UBND huyện đóng dấu thì dọa sẽ "thịt" ông Kim và những người bị giam giữ.
Thứ năm, về tượng Đức Mẹ bị vỡ, như trên đã nói, là do trong quá trình xô xát, ẩu đả, rất nhiều tín đồ quá khích đã ném đá vào nhà ông Trận đã làm nhiều đồ đạc hư hỏng, trong đó có tượng Đức Mẹ và nhiều người bị thương. Việc này, đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, Tòa giám mục cho rằng vụ việc ngày 01/7/2012 là chính quyền đàn áp tôn giáo. Xin hỏi rằng, chính quyền cấp huyện đàn áp sao được khi chưa tiếp xúc được với các linh mục thì đã bị vây giữ? Khi ông Vi Văn Kim, PCT UBND huyện và ông Hoàng Văn Tấn - Trưởng Công an huyện Con Cuông vào giải quyết tình hình theo đề nghị của linh mục Ngô Văn Hậu thì cũng đã bị vây giữ luôn.
Còn chính quyền cấp tỉnh, sau khi nắm được tình hình, vào lúc 16 giờ 30 phút, ngày 01/7/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã triệu tập và chủ trì cuộc họp khẩn cấp để chỉ đạo giải quyết vụ việc trên. Cuộc họp đã thống nhất chủ trương và phương án giải quyết vụ việc, trong đó có những nội dung quan trọng như sau: (1) Bằng mọi biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân cả lương và giáo, sớm giải cứu số cán bộ, nhân dân bị bắt giữ và ổn định tình hình. (2) Lấy vận động, giáo dục, thuyết phục là chính để số tín đồ cực đoan thả người bị bắt giữ, không để xung đột lớn xảy ra...
Thế nhưng, mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã 3 lần gửi giấy mời linh mục Trần Văn Công (Đại diện Giám mục Giáo phận Vinh) vào làm việc để trao đổi, phối hợp giải quyết vụ việc liên quan tôn giáo tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông, phòng ngừa không để xẩy ra hậu quả xấu, nhưng cả 3 lần linh mục Công đều không đến dự.
Thứ bảy, giáo xứ Quan Lãng có đến 6 cơ sở thờ tự rất khang trang. Vậy tại sao các linh mục lại đưa hàng trăm tín đồ từ một nơi có cơ sở thờ tự hợp pháp, khang trang, được chính quyền bảo hộ, vượt gần 25 km đường núi nguy hiểm, đến một điểm sinh hoạt tôn giáo nhỏ hẹp, thưa tín đồ và chưa được chính quyền cho phép để hành lễ?
Thay cho lời kết
Vụ việc diễn ra ngày 1/7/2012 và cả những diễn biến sau đó đã làm cho đời sống của các tín đồ công giáo trên toàn tỉnh bị đảo lộn, tác động xấu đến tình đoàn kết nhân dân, đến truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc và gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.
Điều này liệu có đi ngược với chính giáo lý cao đẹp của Thiên Chúa giáo hay không? Có đi ngược với Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam hay không? Có đi ngược với các răn dạy của Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI (Benedetto XVI) trong Huấn từ dịp Ad limina (6-2009) và Sứ điệp dịp khai mạc Năm Thánh 2010 (11-2009) theo tinh thần sống Phúc âm trong lòng dân tộc, giáo dân tốt là công dân tốt và có nghĩa vụ đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước hay không? Có đi ngược với truyền thống đoàn kết của dân tộc hay không? Chắc rằng, những công dân đã gây ra vụ việc trên hoàn toàn có thể trả lời được.
Minh Lý