- Điều nhức nhối là dù nhiều phòng khám Trung Quốc có sai phạm, dư luận rất bức xúc, nhưng khi đoàn thanh tra của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đến kiểm tra, vẫn còn rất nhiều người dân từ các tỉnh lặn lội hàng trăm cây số đến khám, xin được điều trị nội trú tại đây.

Liên quan đến vấn đề sử dụng lao động “chui” và hàng loạt sai phạm tại các phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc trong thời gian qua, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã lập đoàn kiểm tra, tiến hành thanh tra một số phòng khám trên địa bàn.

Đụng đâu sai đó!

Trao đổi với VietNamNet ngày 24/7, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, kế hoạch thanh tra ban đầu là 8 phòng khám nhưng khi đoàn thanh tra đến làm việc chỉ có 4 phòng khám đang hoạt động, 4 phòng khám còn lại trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Các phòng khám bị thanh tra, kiểm tra đều có vi phạm quy định về lao động.

Trong số 4 đơn vị bị thanh tra thì Công ty TNHH phòng khám Đa khoa quốc tế Trung Nam (địa chỉ: 1503-1509 Đường 3/2, phường 16, Q.11) hiện đang sử dụng 6 lao động nước ngoài là người Trung Quốc thì 3 người không phép, trong đó 2 người là “bác sĩ” sản khoa và ngoại khoa đã làm việc từ năm 2011 đến nay.

Thanh tra Sở Y tế đang kiểm tra một phòng khám Trung Quốc. Ảnh: Thanh Huyền. 

 

Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm 9 lỗi đối với phòng khám này, bao gồm: lỗi sử dụng lao động không phép, không báo cáo về việc sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định, không có kế hoạch đào tạo chuyên môn là người Việt Nam thay thế…

Hai phòng khám khác thuộc Công ty TNHH Y học cổ truyền Huê Hạ (địa chỉ: 199 Nguyễn Chí Thanh, phường 12, Q.5) và Công ty TNHH phòng khám bệnh Y học Trung Quốc (87 Thành Thái, phường 14, Q.10) hiện đang sử dụng tổng cộng 12 lao động nước ngoài là “bác sĩ” Trung Quốc có giấy phép lao động nhưng lại có những lỗi vi phạm khác về chính sách lao động như không ký kết hợp đồng lao động, không báo cáo về tình hình sử dụng lao động nước ngoài theo quy định…

Phòng khám thuộc Công ty TNHH thương mại Y học cổ truyền Trường An ((786 Hồng Bàng, phường 1, Q.11) hiện không sử dụng lao động nước ngoài nhưng vi phạm 5 lỗi về chính sách lao động. Còn lại 4 phòng khám gồm Công ty TNHH thương mại Trung tâm y tế Đầm Sen, Công ty TNHH Y học cổ truyền Ánh Sáng, Công ty TNHH chẩn trị Y học cổ truyền Vĩnh Khang, phòng khám Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) hiện đã đóng cửa sau khi Thanh tra Sở Y tế làm việc.

Về việc xử lý vi phạm đối với các cơ sở trên, Thanh tra Sở Lao động cho biết, các lỗi vi phạm đều bị lập biên bản xử phạt hành chính theo Nghị định số 47 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động. Tuy nhiên, đối với những phòng khám trên mức xử phạt hành chính hiện nay có lẽ chưa đủ mạnh tay để chấm dứt những hành vi vi phạm.

Vẫn còn nhiều người nhẹ dạ vì tin quảng cáo!

Theo một cán bộ thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, mặc dù từ cuối tháng 6, tình hình “lộn xộn” tại các phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc đã được báo chí đăng tải, nhắc đến nhiều nhưng đến lúc đoàn thanh tra của Sở đi kiểm tra nhận thấy vẫn còn rất nhiều người dân từ các tỉnh lặn lội hàng trăm cây số đến khám và xin được điều trị nội trú tại đây.

Lúc thanh tra có mặt, một số phòng khám hiện còn trưng bày ngổn ngang những loại thuốc không nhãn mác có nguồn gốc từ Trung Quốc để bán cho bệnh nhân.

Lý giải về điều này, vị cán bộ cho rằng sở dĩ xảy ra tình trạng trên vì thời gian trước các phòng khám đa khoa, phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc đã tiến hành quảng cáo khá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đặc biệt tại một số kênh truyền hình.

Theo lời quảng cáo “nổ” banh trời của các phòng khám trên thì hầu như họ có thể chữa bách bệnh, từ vô sinh hiếm muộn đến ung thư hay cả những bệnh mãn tính khác mà y học hiện còn loay hoay. Với tâm lý “có bệnh thì bái tứ phương”, người dân dù nghèo nhưng sẵn sàng vay mượn cả chục triệu đồng để mong có con, lành bệnh…

Khi những thông tin sự thật về một số phòng khám được đăng tải trên báo chí, người dân ở những tỉnh xa chủ yếu xem ti vi, ít có điều kiện tiếp cận thông tin từ báo chí do đó họ vẫn bị “lừa” và tiếp tục chi tiền.

Để hạn chế tình trạng trên, theo cán bộ thanh tra Sở Lao động, việc làm rõ các sai phạm cũng như công tác tuyên truyền, phối hợp với người dân hiện nay giữ vai trò quan trọng.

Ngoài ra, việc phối hợp thanh tra liên ngành giữa Thanh tra Sở Y tế và Thanh tra Sở Lao động sẽ tránh được tình trạng “đứt dây động rừng”, giúp cả hai cơ quan phát hiện kịp thời, ngăn chặn các phòng khám tìm cách lẩn tránh, che giấu sai phạm như hiện nay.

M.Phượng