Người 4 lần được truy điệu sống là một trong những câu chuyện hết sức quả cảm về hàng trăm chuyến tàu không số của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Nhân vật chính của câu chuyện ấy là ông Nguyễn Tài Lộc ở làng chài Cửa Vạn - phường Hùng Thắng - TP.Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh.

TIN BÀI KHÁC

4 lần truy điệu sống

Quê hương của ông Nguyễn Tài Lộc là xã Cốc Thành - huyện Vụ Bản - tỉnh Nam Định. Ông kể: “Khi bố tôi mất rồi thì quê hương cũng không biết đâu mà về nữa thì thành ra là ở dưới biển suốt đời, tôi chỉ học hết lớp 5 thôi, còn cả đời tôi lang thang trên biển”. Ngày 2.2.1964, cũng chính ở Thị đội Hòn Gai của vịnh Hạ Long này, ông lên đường nhập ngũ. Cũng từ ấy, ông gắn bó tuổi trẻ của mình với đoàn tàu không số huyền thoại.

Trong căn phòng bé xíu, ông Lộc say sưa kể về những chuyến tàu không số.

Khi trở thành thủy thủ trên tàu không số, ông Lộc chính là người trực tiếp hướng dẫn, chỉ đường cho những con tàu đi vào vùng trú ẩn an toàn trước giờ xuất phát của hành trình.

Những con tàu không số lênh đênh hàng tháng trời trên biển, phải cải trang thành những con tàu đánh cá, cắm cờ của Nhật, rồi lựa trời dông bão mà đi để qua mắt kẻ thù. Có những chuyến hàng cứ lần lượt cập bến an toàn, đem vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc.

Nhưng cũng có những chuyến hàng và những thủy thủ đã vĩnh viễn nằm lại biển sâu: “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trong ba chuyến đi đầu tiên trong năm 1964, mỗi chuyến tàu chở 200 tấn vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đến chuyến thứ tư thì bị địch phát hiện. Đó là những chuyến tàu không thể nào quên trong đời tôi”. Bốn chuyến tàu ấy, cũng là bốn lần được “truy điệu sống” trong đời ông Lộc.

Hành trình “vào bờ” có giá 420 triệu


Trở về với thương tích chiến tranh tàn khốc, nhưng ông Lộc không được hưởng một chế độ chính sách gì. Bây giờ ông Lộc đã 68 tuổi rồi mà hằng ngày vẫn kéo lưới vật lộn với biển khơi, sóng dữ để mưu sinh. Mọi thứ giấy tờ làm bằng chứng cho quãng đời cống hiến của mình, ông Lộc đã không còn giữ được nữa, nên các cơ quan chức năng không thể làm chế độ chính sách cho ông được.

Hiện ông và gia đình sống trong một căn phòng thuê trọ nhỏ hẹp và tối tăm. Trong căn phòng chưa đầy 20m2 ấy, hai vợ chồng ông Lộc cùng gia đình nhỏ gồm 5 người của anh con trai thứ hai sống nheo nhóc và quanh quẩn một cuộc sống khó khăn, cơ cực đến xót lòng.

Thủy thủ Nguyễn Tài Lộc thời trai trẻ

Trở về sau chiến tranh, ông Lộc đã có thêm gần 20 năm công tác tại địa phương, tham gia thành lập đội dân quân tự vệ bảo vệ vùng biển quê hương. Ông Lộc được bà con, đồng chí tín nhiệm với các chức danh trung đội phó rồi trung đội trưởng đội dân quân tự vệ biển của làng chài Cửa Vạn. Cũng chừng ấy năm, ông không nhận một đồng lương công tác nào.

Mới đây, ông gặp được đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân và Quân khu III ra làng chài Cửa Vạn công tác huấn luyện cho trung đội dân quân tự vệ ở đây, trong số họ có những đồng đội cũ của ông Lộc. Họ nhận ra ông Lộc, mừng mừng tủi tủi, thăm hỏi động viên ông và sau đó đã gửi những tài liệu chứng nhận và giấy tờ có liên quan đến những năm tháng chiến đấu khi xưa, mong làm được chế độ chính sách cho ông Lộc. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ để người ta giải quyết chế độ chính sách cho ông.

Gần đây nhất, chính quyền địa phương giải quyết cho ông Lộc một khoảnh đất nhỏ để ông đưa vợ con và các cháu vào bờ định cư. Tuy nhiên, niềm vui của ông Lộc vừa lóe lên đã bị dập tắt sau đó khi địa phương họ “ra điều kiện” là gia đình ông Lộc phải nộp số tiền là 420 triệu đồng để có thể làm chủ mảnh đất ấy! Đó là một số tiền không tưởng đối với gia đình ông Lộc trong lúc này.

“Ông Lộc sống ở nơi sông nước nên không còn giữ được một giấy tờ nào, nên không làm được chế độ chính sách. Ông Lộc quá khó khăn. Không một đồng lương nào cả. Bây giờ ông ấy chưa được hưởng chế độ chính sách gì, ngày nào cũng phải chèo thuyền đánh cá kiếm ăn. Đến một vài đồng tiền xe đi gặp đồng đội để họ xác nhận chiến công cho mà ông ấy cũng không có. Chúng tôi mong các cấp chính quyền xem xét, miễn giảm mức tiền phải nộp để tạo điều kiện cho ông Lộc có chỗ ở, được “lên bờ”, an cư lúc tuổi già”.

Ông Nguyễn Lương Phong - Phó chỉ huy quân sự phường Hùng Thắng - TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

(Theo Lao động)