- Sau khi VietNamNet phản ánh thông tin về việc tăng viện phí, ngày 2/8, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính Kế toán Sở Y tế TP.HCM đã trao đổi với P.V về việc áp dụng tăng giá viện phí trên địa bàn TP.HCM.
>> Viện phí: Rất nhiều vô lý!
>> Viện phí: Thu giá mới, chất lượng không đổi!
>> 'Viện phí tăng một đồng cũng chết người nghèo!'
>> Từ hôm nay đồng loạt áp viện phí mới
Vẫn đang xây dựng giá
Bà Liễu cho biết trừ Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW, Thống Nhất, Chợ Rẫy trực thuộc Bộ Y tế, còn lại các đơn vị khác dưới sự quản lý của Sở Y tế TP.HCM vẫn đang trong quá trình xây dựng giá.
Những đơn vị đã xây dựng giá xong và gửi cho Sở Y tế duyệt là Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2, Truyền máu huyết học, Chấn thương Chỉnh Hình, Nhân dân 115 và Bệnh Nhiệt Đới.
Bà Đinh Thị Liễu cho rằng không nên vì một bộ phận mà làm trì trệ cả hệ thống |
Không phải bệnh viện nào cũng xây dựng giá mà mỗi bệnh viện được phân xây dựng một nhóm danh mục.
Theo bà Liễu, dự tính ngày 1/10, giá viện phí của các bệnh viện sẽ được đưa ra cho HĐND duyệt, từ đó mới quyết định thời điểm chính thức áp dụng.
“Thực ra việc tăng giá viện phí đã có hiệu lực từ ngày 15/4 nhưng theo điều 88, Luật khám chữa bệnh quy định giá viện phí phải được HĐND phê duyệt. Đó chính là lý do tại sao từng tỉnh, thành áp dụng lệch nhau về thời gian”, bà Liễu nói.
Sau khi áp dụng mức giá mới được 6 tháng các bệnh viện sẽ lấy tiền từ doanh thu để đầu tư thêm vào cơ sở vật chất và dịch vụ khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, một số bệnh viện vốn dĩ đã khang trang nhưng vì an sinh xã hội nên để mức giá khám chữa bệnh thấp. Do đó, dù lần này giá viện phí có tăng, những bệnh viện này sẽ không dùng tiền doanh thu để đầu tư vào cơ sở vật chất thêm nữa.
Tăng viện phí, BHXH sắp vỡ quỹ?
Sau 6 tháng kể từ khi giá viện phí mới được áp dụng, Bộ Y tế sẽ có đoàn kiểm tra rà soát sự các bệnh viện đã đầu tư tương xứng với mức giá khám chữa bệnh mới hay chưa.
Bàn về chuyện giá viện phí tăng, ai chịu thiệt nhiều nhất, bà Liễu cho biết đó chính là Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Cụ thể, TP.HCM có 60% dân số mua Bảo hiểm y tế (BHYT). Người mua BHYT sẽ được BHXH chi trả tới 80% tiền khám, chữa bệnh.
Viện phí tăng nhưng tiền BHYT chưa tăng đồng nghĩa với việc BHXH phải chi ra nhiều hơn, đứng trước nguy cơ…vỡ quỹ.
Từ đó, bà Liễu tiên đoán, tránh lỗ nặng BHXH sẽ phải thực hiện một trong 2 giải pháp: Tăng giá BHYT hoặc tiết kiệm chi. Tất nhiên, cả 2 giải pháp này đều ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Tăng giá BHYT, người dân sẽ phải trả nhiều hơn (với người có thu nhập ổn định không quan trọng nhưng với dân lao động là quyền lợi sát sườn). Hoặc nếu BHXH giảm chi, bệnh nhân sẽ không tốn thêm tiền nhưng các bác sĩ sẽ bị áp lực trong chỉ định, từ đó các xét nghiệm, siêu âm, CT thay vì nên cho bệnh nhân làm để tầm soát sẽ bị…hạn chế bớt. Như vậy sức khỏe của bệnh nhân sẽ không được kiểm tra kỹ càng.
Nên có nguồn hỗ trợ bệnh nhân khó khăn
Bà Liễu cho rằng người có thu nhập thấp là một bộ phận của xã hội; tuy nhiên không nên vì một nhóm người mà làm trì trệ cả hệ thống.
Viện phí phải tăng, nếu thấy cần BHYT cũng phải tăng giá, do vậy Nhà nước nên đầu tư thêm ngân sách để lo cho người dân lao động.
“Những người nghèo đã được hỗ trợ 100% BHYT, cận nghèo được hỗ trợ 50 %. Tuy nhiên có nhiều người khó khăn nhưng chưa đủ điều kiện để rơi vào diện nghèo, cận nghèo. Vì vậy, với đối tượng này BHXH đã chi trả 80%, 20% còn lại Nhà nước nên trích ngân sách để hỗ trợ họ. Các bệnh viện tăng viện phí tức là tăng nguồn thu, vì thế cũng cần lập ra một quỹ dành cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, những người nghèo, cận nghèo dù đã được hỗ trợ nhưng không phải ai cũng mua BHYT vì họ nghĩ chưa có nhu cầu. Bởi vậy, ta phải tìm cách khuyến khích, tuyên truyền đối tượng này mua BHYT, giúp họ tránh thiệt thòi khi bệnh tật.”, bà Liễu nói.
Thanh Huyền