- Sức hấp dẫn về khoản thu nhập nhờ khai thác khoáng sản trái phép lớn đến nỗi đã thu hút được một cán bộ trong lực lượng Công an huyện Ia Pa tham gia. Đó là Đại uý Lê Công Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Ia Pa – chủ một bãi cát mới nổi xã Ia Amarơn, huyện Ia Pa đã và đang gây nên nỗi khiếp sợ đối với dân làng Hlil 1.


Bãi cát mang thương hiệu…“Anh Ngọc” !

Theo ông Ksor Viên, làng Hlil1, xã Ia Amarơn, huyện Ia Pa: “Nhiều tháng qua, ông Ngọc, cảnh sát giao thông huyện Ia Pa đưa xe xúc vào đây khai thác cát. Mỗi ngày, xe tải lấy cát nhiều lắm, họ chạy xới tung cả đường làng. Nắng thì bụi bặm khắp nơi, mưa thì xe tải xới tung cả đường làng. Trẻ con làng Hlil 1 không dám ra đường vì sợ xe chở cát tông phải”.

Bãi cát của Đại uý Lê Công Ngọc, Cảnh sát giao thông huyện Ia Pa đang khoét sâu xuống lòng sông Ba.

Được biết, khi đưa máy móc vào làng Hlil 1 khai thác cát, ông Ngọc chỉ gặp ông Rơ Ô Kly- trưởng thôn để bàn...công việc. Chẳng biết sau buổi “bàn công việc” đó và nội dung như thế nào nhưng ngay sau đó, ông Lê Công Ngọc đã đưa máy xúc vào biến diện tích đất hơn 10ha ven sông Ba, cuối làng Hlil 1 thành bãi cát của mình.

Và sau đó hàng ngày, chiếc xe tải hiệu Kamaz mang BKS 29S-8626 vào vận chuyển cát ra tập kết ngay ven đường tỉnh lộ 662 để bán cho người mua.

Bãi cát của ông Lê Công Ngọc được xem là bãi cát được tổ chức quy mô với 2 máy xúc (1 máy đặt tại bãi, 1 máy đặt tại bãi cát tập kết ngoài tỉnh lộ) và 1 chiếc xe tải vận chuyển. Không chỉ vậy, ngay tại bãi cát này, chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng những chiếc xe công nông được nối dài, mở rộng thùng sau vượt quá kích cỡ cho phép, cùng nhiều nhân công miệt mài xúc cát lên xe.

Bà Ksor H’Dao, vợ ông Ksor Kly - Trưởng thôn Hlil 1 phàn nàn: “Việc nói chuyện giữa ông Ngọc và chồng tôi thế nào tôi không biết nhưng từ khi ông Ngọc vào khai thác cát ở đây ảnh hưởng đến cuộc sống buôn làng.

Giữa tháng 6 năm 2012, cháu Ksor O con của vợ chồng Siu Jok - Ksor R’Nha bị xe Hoa Mai vào bãi ông Ngọc chở cát tông gãy chân phải nằm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Hiện cháu phải bỏ cả chân trái khi các bác sĩ không thể nối lại được”.

Không biết, không nghe và…không thấy!?


Suốt thời gian qua, trước tình trạng khai thác cát đang diễn ra ồ ạt, từ năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án một cửa liên thông trong việc cấp phép khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản” uỷ quyền cho các huyện, thị xã, thành phố cấp giấy phép khai thác, chế biến đối với các loại khoáng sản: đá xây dựng, cát, sỏi, đất sét sản xuất gạch ngói cho các hộ cá thể có diện tích không quá 1 ha, công suất khai thác không quá 1.000 m3/năm…

Bí thư và Chủ tịch xã Ia Amarơn đều trả lời không biết, không nghe và không thấy bãi cát của ông Ngọc ?

Song, bất chấp QĐ của UBND tỉnh Gia Lai, việc khai thác cát trái phép dọc dòng sông Ba tại huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa đang là vấn nạn khiến hàng trăm hộ dân sống ven sông lo đứng lo ngồi trước khả năng vào mùa mưa lũ, dòng nước sông Ba sẽ tiếp tục phá bờ, xâm lấn vào đất sản xuất.

Mặc dù bãi cát mang tên “Anh Ngọc” chỉ cách trụ sở Đảng uỷ, UBND xã Ia Amarơn chưa đầy 3km nhưng khi làm việc với chúng tôi, cả ông Đoàn Ngọc Hùng, bí thư Đảng uỷ xã, ông Rơmah Mí, chủ tịch UBND xã Ia Amarơn và ông Siu Tuân, thôn phó Hlil 1 đều cho rằng: không biết gì về việc khai thác cát trái phép như thế trên địa bàn?
Điểm tập kết cát khai thác trái phép của ông Ngọc ngay trên tỉnh lộ 662.


Trao đổi với báo chí, ông Đoàn Ngọc Hùng, Bí thư Đảng uỷ xã Ia Amarơn cho rằng: “Tôi khẳng định chính quyền xã Ia Amarơn không cho ai khai thác cát trên địa bàn xã. Việc ông Ngọc đưa máy móc vào khai thác cát nếu có thoả thuận gì với ông Ksor Kly, Trưởng thôn Hlil 1, chúng tôi sẽ kiểm tra và báo cáo với Huyện uỷ, UBND huyện Ia Pa để chấn chỉnh việc làm sai này.”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ đưa máy móc vào khai thác cát tại làng Hlil 1 mà bãi cát tập kết của ông Ngọc cũng nằm ngay trên tỉnh lộ 662, cách trụ sở Đảng uỷ, UBND xã Ia Amarơn không xa.

Do vậy, việc lãnh đạo Đảng uỷ, UBND xã Ia Amarơn cho rằng “không biết”, “không nghe” và “không thấy” phải chăng là thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm ?

Hiện việc khai thác cát vô tội vạ giữa dòng sông Ba là một trong những nguyên nhân khiến sông Ba mỗi mùa nước lớn thay đổi dòng chảy, ngày càng xâm hại vào đất buôn làng, nương rẫy bà con ven sông. UBND huyện Ia Pa hiểu hơn ai hết vấn nạn này, khi gần 100 hộ dân người dân tộc thiểu số ở hai buôn Jú Ama Hoét và Jú Ama Uốk, xã Ia Broăi từng đối diện với nguy cơ sạt lở nhà cửa mùa mưa bão và khi nước sông Ba dâng lên.

Thanh Luận - Tiến Thành