Chị M. là một trong những cô gái miền Tây may
mắn tự giải thoát mình sau khi đã lấy chồng ở nước ngoài. Về đến quê (xã Mỹ
Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ), M. vẫn chưa thể nào quên ký ức kinh
hoàng từng đêm nằm vò võ ôm gối khóc mong ngày hồi hương.
Làng gái miền Tây bên xứ người
Chị M. cũng như bao người con gái miền Tây lấy chồng sang Trung Quốc, qua
đường dây bà Xen Mai, trú tại TP.HCM dẫn dắt, làm quen trong mấy ngày ngắn
ngủi. Một cuộc hôn nhân không có tình yêu nhanh chóng được tổ chức.
Người con gái qua “một đời chồng” nhưng chưa kết hôn đã có 1 đứa con hơn 1
tuổi ở quê nhà. Dù vậy, chị vẫn quyết định dứt áo ra đi để tìm cho mình chỗ
dựa mới bên xứ người.
Đứa con hơn 1 tuổi với người chồng chưa kết hôn của chị M. |
Mọi giấy tờ thủ tục được làm rất mau lẹ, chỉ cần người con gái đồng ý. “Ở bên mình không cần làm giấy tờ gì hết, mai mối của em cũng nhờ bà Xen Mai đứng ra tổ chức. Giấy tờ chỉ làm trong vòng 2 ngày là xong hết mọi thủ tục”.
Hầu hết các cò mai mối đều vẽ ra viễn cảnh cuộc sống xa hoa khi lấy chồng Trung Quốc, đều là những ông chủ đồn điền, giám đốc quản lý cả nhà máy to ở các thành phố lớn. Tất cả các thủ tục phải làm nhanh, làm gấp, nếu không cơ hội sẽ giành cho các cô gái khác.
Và cứ thế, các cô gái miền Tây “tần tảo chịu khó” nhắm mắt đưa chân đi lấy chồng, đánh cược đời mình trôi nổi theo vòng quay của bọn lừa đảo.
Sang Trung Quốc, cô dâu M. đã suy sụp trước viễn cảnh bà mai mối vẽ ra. Tất cả chỉ là giả dối. Thống kê sơ bộ của chị M., xung quanh xóm “chồng” của chị đã có 8 cô gái cùng quê và dọc trục đường dài hơn 1km có đến 23 người toàn gái miền Tây.
Cũng theo chị M., không chỉ con gái quê vùng sông nước Cửu Long lấy chồng sang bên Trung Quốc, còn rất nhiều chị em ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc cũng bị lừa.
Từng ngày họ 'nuôi chí' để sớm trở về Việt
Nam. Tuy nhiên, đã lấy chồng sang đây thì khó có đường về, và M. cũng tự
nhận mình là người may mắn.
Sụp đổ ước mơ lấy chồng ngoại
Viễn cảnh không như các cò mồi ở trong nước mai mối, thay vào đó một cuộc
sống “tối tăm” không đường về khi lấy chồng xứ người.
Chị M. kể: “Sống gì mà kỳ lắm, cái nhà tắm
cũng không có, nhà vệ sinh thì cứ thẳng tiến lên núi. Nguyên cả cái xóm nhà
cửa lụp xụp, họ sống lạ lắm. Mình không thể tưởng tượng được là bên họ tồi
tàn đến mức như thế”.
Ngày chồng đi làm ngô, khoai, lúa mì trên núi. Ở nhà chị M. bị nhốt khóa
trái cửa không cho đi đâu ra ngoài. Cuộc sống gò bó, bế tắc, ngôn ngữ bất
đồng.
Đến tận bây giờ chị vẫn ám ảnh: “Ở bên đó sống cực khổ trăm bề. Vợ chồng gì mà chồng giữ hết tiền, nhốt vợ ở trong nhà. Sống một ngày bên Trung Quốc dài như một năm ở quê mình. Về đến nhà là em hét to, ôm con khóc như người từ cõi chết trở về”.
Chị M. còn cho biết, đa số con gái lấy chồng bên đó sống rất cơ cực. Gặp chị em nào cũng than phiền muốn về nước cho sớm.
“Ban đầu mới cưới nó bảo là 3 tháng cho về nước một lần, xong rồi nó bảo là có bầu rồi về cho thăm gia đình. Tiếp đến nó bảo đẻ con đi rồi cho về quê. Đẻ con cho nó xong thì bảo nuôi con lớn đi. Nó cứ hứa hoài thế nhưng đâu có cho mình về...” – chị M. nhớ lại.
Trắng tay ngày trở về
Lấy chồng sang xứ người đúng 1 tháng 3 ngày, thời gian đó chị M. “quậy tưng bừng” đòi tự tử tại nhà vì không chịu nổi cảnh bất công, đàn áp của gia đình người chồng.
Chị M. trở về sau hơn 1 tháng làm dâu xứ người. |
Chị nhớ lại thời khắc may mắn khi gặp người con gái Việt rành tiếng Trung dịch ra cho chồng nghe: “Bây giờ mày không cho tao về thì tao sẽ chết chung với cả nhà tụi bay luôn. Hai ngày sau là phải bốc vé cho tao về”.
May mắn của chị M. nữa là có cô em gái sống ở Bắc Kinh cùng với chồng rất rành tiếng Trung và đã gọi điện dọa chồng M. rằng: “Nếu anh không cho chị ấy về thì mấy ngày sau tôi sẽ gọi đại sứ quán đến tận nhà anh để giải quyết”.
Đến ngày về, toàn bộ hành lý, đồ trang sức của M. cũng bị người chồng lấy hết. Kể cả đôi dép chị đang đi cũng bị đòi lại. “Tao để lại cho mày hết" - M. kể. - "Khi đó em lấy đá em đuổi chọi nó, nó ôm túi xách em rồi chạy. Về đến nhà, em trắng tay như người đi ăn mày. Trời ơi nghĩ lại nhục lắm….”.
Cuối cùng, M. đúc kết: Người Trung Quốc mà giàu thì không bao giờ sang nước mình để đi cưới vợ. Hầu hết những người tìm vợ bên mình là những người nông dân nghèo khó, mướn tiền đi kiếm vợ. Bởi chi phí lấy vợ ở đó cao hơn lấy vợ Việt.
Quốc Huy
(Còn nữa)
>> Bài 1: Tủi nhục thiếu nữ lấy chồng ngoại để báo hiếu
>> Bài 2: Cô dâu trốn trong đêm vì 'bạo lực tình dục'