- Liên quan đến đề xuất cho nhập khẩu và lưu hành xe túc túc để hạn chế xe máy của Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, ông Nguyễn Văn Lưu, Chánh Văn Phòng Bộ GTVT cho biết: “Bộ GTVT không đồng tình với đề xuất nhập khẩu và lưu hành xe túc túc trên các đường quận, huyện của Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội”.


Ông Lưu cho hay, Bộ GTVT ghi nhận sự chủ động, tích cực đề xuất các giải pháp để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại của Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Tuy nhiên, các giải pháp đề xuất phải được các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu phù hợp với các quy định và thực tế.

Bộ GTVT không đồng tình với đề xuất nhập khẩu và lưu hành xe túc túc trên các đường quận, huyện của Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội

Theo ông Lưu, ở nước ta, hình thức phương tiện như xe túc túc đã từng được lưu hành (xe lambro) và cho thấy nhiều hạn chế lớn, không phù hợp đối với sự phát triển về giao thông đô thị nên đã được Chính phủ cho dừng hoạt động nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông.

Theo đó, từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh trên phạm vi toàn quốc.

Năm 2009, Chính phủ tiếp tục có Nghị định về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương cũng mới loại bỏ được xe lam, còn xe tự chế 3-4 bánh vẫn chưa loại bỏ được.

Liên quan đến đề xuất của Hiệp Hội vận tải Hà Nội cho rằng hiện các nước Thái Lan, Ấn Độ… sử dụng xe túc túc có hiệu quả, ông Lưu cho rằng, sự tồn tại của xe túc túc ở Thái Lan, Ấn Độ… được hình thành từ lâu đời và có những điểm khác biệt không giống với giao thông ở Việt Nam.

Không những thế, hiện nay các nước này cũng dần xóa bỏ xe túc túc vì lý do an toàn, môi trường và mỹ quan đô thị.

“Vì những lý do trên, Bộ GTVT không đồng tình với đề xuất nhập khẩu và lưu hành xe túc túc trên các đường quận, huyện của Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội”, ông Lưu nói.

Ông Lưu cũng khẳng định, để phát triển giao thông đô thị bền vững, lâu dài thì bắt buộc phải phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, phát triển đường sắt đô thị, tàu điện ngầm.

Đây là bài học kinh nghiệm mà tất cả các nước trên thế giới đều đã và đang thực hiện, trong đó có Việt Nam.

Vũ Điệp