- Sở GTVT TP.HCM đã báo cáo UBND thành phố đồng thời yêu cầu Khu quản lý giao thông đô thị số 4 khẩn trương khắc phục sau khi VietNamNet thông tin về “Hình ảnh ‘sa lầy’ của con đường nghìn tỷ”.

 

Những vụ tai nạn thương tâm cùng với hình ảnh người dân khổ ải lưu thông trên tỉnh lộ 10 đến khi nào mới có thể chấm dứt như mong đợi ?
 
Chủ đầu tư nói gì?
 
Dự án mở rộng Tỉnh lộ 10 dài 8,2 km, có tổng mức đầu tư 772 tỉ đồng (về sau đề xuất xin thêm 400 tỷ đồng và đã được rót 150 tỷ đồng) đi qua huyện Bình Chánh và quận Bình Tân (TP.HCM).

Dự án được khởi công từ đầu năm 2009, với hai đoạn: liên tỉnh lộ 10A từ cầu Tân Tạo, huyện Bình Chánh đến cầu Xáng, giáp ranh tỉnh Long An do Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư và đoạn liên tỉnh lộ 10B nằm trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư.
 

Hình ảnh thê thảm trên tỉnh lộ 10.

Đây được xem là tuyến đường quan trọng kết nối các khu công nghiệp ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Long An) với các KCN Lê Minh Xuân, Tân Tạo và các khu dân cư thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (TP.HCM) để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh lộ 10 vẫn chưa thi công xong dù đã quá thời gian gia hạn như VietNamNet đã phản ảnh trong phóng sự “Hình ảnh ‘sa lầy’ của con đường nghìn tỷ”.
 
Sau khi VietNamNet phản ánh, Khu quản lý giao thông đô thị số 4, chủ đầu tư đoạn mở rộng Tỉnh lộ 10 từ cầu Tân Tạo đến ranh Long An đã có văn bản phản hồi theo chỉ đạo của Sở GTVT TP.HCM.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Bảng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 4: “Hiện công trình đã cơ bản hoàn thành 6km/8km đường và 2 cầu Bà Lát, cầu Xáng. Do vướng mặt bằng chưa được đền bù giải tỏa nên dự án chưa đạt tiến độ theo kế hoạch”.
 
Đoạn từ cầu Xáng đến ranh Long An chưa có mặt bằng để thi công. Cầu kênh Xáng đã thi công xong nhưng chưa thể thông xe do vướng 02 hộ dân ở đầu cầu Xáng, theo kế hoạch đến 28/09 UBND huyện Bình Chánh sẽ tiến hành cưỡng chế bàn giao mặt bằng.
 
“Vì công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, đặc biệt là một số vị trí vướng mặt bằng nên chưa thể thi công hoàn thiện công trình, thông xe cầu và hệ thống thoát nước. Hiện nay, do thời tiết mưa kéo dài, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công và việc đảm bảo thoát nước, an toàn giao thông như quý báo đã phản ánh”, công văn gửi Sở GTVT và Báo VietNamNet của Khu quản lý giao thông đô thị số 4 nêu rõ.
 
Sở GTVT yêu cầu khắc phục ngay
 
Sau khi nhận được phản ánh về việc chậm tiến độ thi công, mất an toàn giao thông trên Tỉnh lộ 10, ông Bùi Xuân Cường- Phó Giám đốc Sở GTVT đã yêu cầu Khu QLGTĐT số 4 “tổ chức kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công khắc phục ngay các vấn đề tồn tại trên công trường như báo nêu. Đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đúng kế hoạch, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm theo hợp đồng đã ký”.
 
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng yêu cầu chủ đầu tư trong quá trình thi công, phải thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay các khiếm khuyết, có biện pháp đảm bảo thoát nước, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông, giảm thiểu các ảnh hưởng tới việc sinh hoạt và lưu thông của người dân.

Vụ tai nạn trên tỉnh lộ 10 khiến bà cụ 77 tuổi bị xe container cán chết.

Cũng liên quan đến dự án mở rộng Tỉnh lộ 10, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM đã từng đi giám sát tiến độ thi công. Theo UBND quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng xuất phát từ việc mức giá đền bù thấp hơn mức giá bán nền tái định cư, thời điểm áp giá đền bù và tính pháp lý của việc thu hồi đất.
 
Những vấn đề này đã được địa phương báo cáo về Hội đồng thẩm định bồi thường thành phố để tìm hướng tháo gỡ. Khu Quản lý Giao thông đô thị số 4 đã từng khẳng định, nếu huyện Bình Chánh và quận Bình Tân bàn giao mặt bằng trong quý I/2012 thì dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
 
Theo lãnh đạo Sở GTVT, năm nay là một năm rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Ngay từ đầu năm, vốn kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của Sở GTVT được UBND TP giao đợt đầu là 2.158 tỷ đồng. Tuy nhiên, phải chi 615 tỷ đồng hoàn vốn hỗ trợ thực hiện dự án BT xây dựng đường nối trên cao cầu Phú Mỹ cho chủ đầu tư. Do vậy nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng 35% nhu cầu đặt ra về vốn từ đầu năm.
 
Đây là khó khăn chung của hầu hết các dự án trọng điểm, trong đó có dự án mở rộng Tỉnh lộ 10. Vào thời điểm đầu năm 2012, Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 đã dự báo công trình đến tháng 06/2012 là cạn vốn. Trong khi đó, nhu cầu vốn còn lại để hoàn thành là 307 tỷ đồng (bao gồm vốn xây lắp và giải phóng mặt bằng).
 
Quốc Quang

>> Hình ảnh 'sa lầy' của con đường nghìn tỷ