– Amip ăn não người gây tử vong đối với 2 bệnh nhân ở Việt Nam không phải loại amip mới, lần đầu tiên xuất hiện. Hơn nữa, không phải ai hít phải amip này cũng bị bệnh viêm màng não, bởi tỉ lệ gây bệnh của nó là thấp. Tuy nhiên, một khi đã bị bệnh thì khả năng tử vong là rất lớn (99%).
>> Amip ăn não người hiếm gặp nhưng ở khắp nơi
>> Thời sự trong ngày: Cảnh giác với Amip ăn não
>> Amip ăn não người: Cảnh giác, không hoang mang
>> Bé 6 tuổi không ra ao, hồ vẫn nhiễm amip ăn não
>> Xác định ca tử vong thứ 2 do amip ăn não người
>> Thông tin bất ngờ về “amip ăn não người”
Tỷ lệ gây bệnh thấp, tỷ lệ tử vong cao
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, Naegleria fowleri (amip ăn não người) thực chất là một loại ký sinh trùng sinh sống ngoài môi trường như những loại ký sinh trùng thông thường khác.
“Phải trong trường hợp hiếm hoi lắm thì nó mới xâm nhập vào cơ thể con người và gây bệnh. Và không phải trường hợp nào bị amip này xâm nhập cũng bị bệnh (tỷ lệ gây bệnh thấp). Tuy nhiên, một khi đã gây bệnh thì tử lệ tử vong lại rất lớn”, ông Hà cho biết.
Đường đi của amip từ môi trường tự nhiên vào cơ thể người - Ảnh: Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) |
Đến thời điểm này, ông Hà cho biết, chưa có nghiên cứu khoa học hoặc bằng chứng nào xác định được những đối tượng có nguy cơ cao bị loại amip này xâm nhập cũng như những đối tượng nguy cơ cao bị mắc bệnh khi đã bị amip ăn não xâm nhập.
Tuy nhiên, khi xem xét các đặc điểm về đường xâm nhập cũng như cơ chế gây bệnh, ông Hà cho rằng những người có tiền sử bệnh hô hấp, viêm xoang hoặc đang có sẵn các bệnh liên quan đến mũi, họng có thể có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn khi tiếp xúc với nước ngọt, ấm, bởi đây là môi trường thuận lợi nhất cho loại amip ăn não người tồn tại.
Nguyên nhân là vì có trường hợp dù có tiếp xúc với “amip ăn não” nhưng niêm mạc mũi tốt sẽ giúp cản amip lại và không gây bệnh.
Trên thực tế, có nhiều tác nhân gây viêm màng não, viêm não và cũng gây tử vong. So với các tác nhân này, amip ăn não người mới gây tử vong cho 2 trường hợp. Nếu so sánh với các tác nhân khác thì con số này không phải là nhiều.
Điều đáng quan tâm nhất là tỷ lệ tử vong của các trường hợp bị bệnh do nhiễm loại amip này là rất lớn.
Vào tháng 8/2011, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận có hai người tử vong do bị nhiễm loại ký sinh trùng amip hiếm gặp này.
Hiện nay, một khó khăn khác (ngoài việc chưa xác định được đầy đủ các yếu tố dịch tễ cũng như đối tượng có nguy cơ cao) là chưa tìm ra loại thuốc đặc hiệu với loại ký sinh trùng này so với các thuốc đặc hiệu như kháng sinh với vi khuẩn.
Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thì các bác sỹ trong quá trình điều trị có thể dễ nhầm lẫn giữa bệnh do amip ăn não người gây ra với bệnh viêm màng não do vi khuẩn.
Lý do là vì các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng của 2 loại bệnh này tương tự nhau. Cộng thêm yếu tố hiếm gặp, do đó, người ta ít nghĩ đến căn nguyên này mà thường điều trị theo các căn nguyên thường gặp khác.
Tuy nhiên, ông Hiển khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng thái quá, cần cảnh giác bằng cách thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Ca tử vong thứ 2 chưa xác định rõ nguồn nhiễm bệnh
Ngày 19/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận ca tử vong thứ 2 do amip ăn não người. Đây là một cháu bé 6 tuổi ở TP HCM.
Ca tử vong thứ 2 do amip ăn não người chưa xác định rõ nguồn nhiễm bệnh |
Tuy nhiên, với bệnh nhân tử vong thứ 2 này thì lại khác. Cháu bị thiểu năng tâm thần, tim mạch và liệt nằm một chỗ tại nhà cả năm nay, do đó, hoàn toàn có thể loại trừ yếu tố bệnh nhân bơi lội tiếp xúc với nước ở hồ, ao, sông, suối để bị amip “ăn não người” xâm nhập.
Từ đây, một giả thuyết được đặt ra là có thể cháu bị nhiễm bệnh từ không khí. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn khẳng định loại amip ăn não người chỉ tồn tại trong môi trường nước và phải là nước ngọt, ấm (46 độ C).
Ngoài ra, loại amip nguy hiểm này có thể sống trong đất, nhưng phải là vùng đất có nước ao tù. Do vậy, khó có thể nói bệnh nhân nhiễm bệnh từ không khí.
Đến nay, nguồn nhiễm bệnh của ca tử vong thứ 2 vẫn là một ẩn số. Cục Y tế dự phòng vẫn chưa có khuyến cáo nào mới ngoài khuyến cáo được phát đi vào ngày 31/8 vừa qua.
Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): - Không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao. - Trong khi tắm, bơi bể bơi, hồ, ao, suối hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi. - Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi. - Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. |
N.Anh