Bài viết đầy tâm huyết của độc giả Thái Bình dưới đây ắt hẳn khiến nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và quý độc giả giật mình: Làm gì để cứu cụ rùa Hồ Gươm?


“Yêu Hà Nội, có Tháp Rùa vàng…” – không phải ngẫu nhiên mà người nhạc sỹ lại đưa hình ảnh Tháp Rùa cổ kính rêu phong gắn với Hà Nội, để tình yêu Hà Nội được nhen lên trong mỗi con người, bắt đầu bằng hình ảnh giản dị, thân thương ấy…

Tôi là một người con tỉnh lẻ, lên Hà Nội ngụ cư đến nay cũng đã được gần hai mươi năm. Thế nhưng, trước khi đặt bước chân đầu tiên chạm cửa ngõ Thủ đô, tôi đã được biết Hà Nội, được yêu Hà Nội bắt đầu từ chính lời hát giản dị, chân mộc ấy.

Câu hát ấy cho tôi biết đến Hà Nội bằng hình ảnh Tháp Rùa cổ kính rêu phong, với hình ảnh chiếc cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn cong cong, đỏ chói dưới nắng hè, càng trở nên lấp lánh khi được phản chiếu dưới mặt hồ Gươm. Và, xa xa là Tháp Rùa trầm mặc…

Tháp rùa (ảnh: Tư liệu)

Tôi có thể chắc chắn với bạn, rằng trước khi biết đến truyền thuyết cụ rùa khổng lồ hiện lên nhận lại gươm báu từ vua Lê Lợi (chứ chưa nói đến việc hiểu đó là một thông điệp của khát vọng hòa bình), tình yêu Hà Nội đã được nhen lên trong mỗi con người, gắn với hình ảnh Tháp Rùa, và mặc định một khao khát: lên Thủ đô, vào lăng thăm Bác Hồ, ra hồ Gươm, vào đền Ngọc Sơn để ngắm nhìn tiêu bản cụ rùa khổng lồ được đặt trong ngôi đền cổ kính… Tất cả cũng từ câu hát ấy.

 
Tháp Rùa (ảnh: Tư liệu)

Bây giờ, mỗi lần về quê, các cháu của tôi chưa từng ra Hà Nội, nhưng cũng đều ấp ủ một khát vọng được ra thăm Hà Nội, vì “có Tháp Rùa vàng”… Tôi chợt hiểu và thấm thía, câu hát dành cho con trẻ ấy, đã nhen tình yêu Hà Nội trong biết bao người, biết bao thế hệ, qua bao thời gian, bao vật đổi, sao dời.

Thế mà, trong những ngày này, trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin, những thông tin về cụ rùa Hồ Gươm đang bị xâm hại sức khỏe, bị đe dọa, bị dính cả một chùm móc câu trên lưng hay có những vết thương mới trên vai, trên cổ; các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu… đã phải tổ chức hẳn một hội thảo tầm cỡ do cơ quan chuyên môn của Thủ đô Hà Nội là Sở Khoa học – Công nghệ chủ trì để tìm ra một giải pháp cứu cụ rùa… Thấy đắng lòng và vẩn vơ nghĩ ngợi…

Cụ rù làm bằng gốm (ảnh: VietNamNet)

Đành rằng, một ngày đi làm tôi phải vòng qua hồ Gươm không dưới bốn lần. Đành rằng, các bạn trẻ nam thanh nữ tú vẫn náo nức đi chơi vào những kỳ lễ hội, không hẹn mà đều gặp ở Hồ Gươm… Đường xe tấp nập, chẳng thể nào một cá thể rùa (xét dưới góc độ động vật) lại có thể làm bạn mất đi niềm vui khi dạo chơi cùng bè bạn.

Thế nhưng, thấy câu hát – nơi bắt đầu nhen lên tình yêu Hà Nội trong mỗi người dân Việt Nam, hình như bị đụng chạm, hình như bị đe dọa…, khi chính các nhà khoa học đã khẩn thiết phát biểu trên truyền hình, rằng việc tìm giải pháp để cứu cụ rùa Hồ Gươm, là việc làm cần kíp, không thể không thực hiện ngay thời điểm này!

Theo truyền thuyết, theo tính toán nghiên cứu của các nhà khoa học, tính từ thời điểm cụ rùa nổi lên đòi lại thanh gươm từ vị anh hùng Lê Lợi, đến nay cụ rùa Hồ Gươm đã “cõng” trên mình cả ngàn năm tuổi. Và, trong dịp 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội kể từ khi Lý Công Uẩn ra Chiếu Dời Đô, thì cụ là nhân chứng sống duy nhất dõi theo Hà Nội 1.000 năm biết bao thăng trầm.

 
Ảnh người dân nô nức xem cụ rùa nổi (Ảnh: Dân trí)

Thời điểm cả nước kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm, người dân cả nước đã háo hức với mô phỏng hình ảnh cụ rùa khổng lồ bằng chất liệu gốm do chính những nghệ nhân tài danh của làng nghề Bát Tràng phục dựng. “Cụ rùa gốm” đã được nghênh rước đến làm nghi lễ trọng vọng tại đền Ngọc Sơn, sau đó lại được tiếp tục nghênh rước để có mặt trong suốt thời gian cả nước mừng Thủ đô ngàn tuổi…

Như thế, trong sự kiện lớn lao ấy, chúng ta đã không quên cụ, đã đặt cụ ở đúng vị trí xứng đáng mà cụ được nhận; và, trước mỗi sự kiện lớn lao, cụ rùa Hồ Gươm cũng đều linh ứng nổi lên để con cháu xuýt xoa, bái ngưỡng…

Tôi cứ ám ảnh mãi lời hát giản dị mà trước tôi đã từng thuộc. Và bây giờ, các con, các cháu – những thế hệ sau tôi vài chục năm, cũng tiếp tục nằm lòng lời hát ấy. Trước tôi, bao nhiêu thế hệ đã thuộc lời ca này? Sau tôi, bao nhiêu thế hệ sẽ tiếp tục hát lời ca này?

Điều ấy, tôi không trả lời được. Nhưng tôi biết, tình yêu Hà Nội trong tôi, trong bạn, trong những người Việt… được nhen lên từ câu hát, gắn với hình ảnh Tháp Rùa cổ kính, với câu chuyện cụ rùa ngàn tuổi và khát vọng của một dân tộc yêu hòa bình.

Câu chuyện gắn với thời điểm đầu năm 2011, là lời cảnh báo về cụ rùa lâm nguy, mà trong số rất nhiều nguyên nhân, có cả lỗi thuộc về thế hệ chúng ta...


Thái Bình

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.