- Hiện tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã bắt đầu có mưa và gió. Công tác ứng phó với cơn bão di chuyển nhanh nhất trong năm đã sẵn sàng.


Tại Thanh Hóa, trước diễn biến phức tạp của bão số 8, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ cấp bách: Bằng mọi biện pháp liên lạc với 25 tàu thuyền chưa có liên lạc; Tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu an toàn, tránh bị va đập khi bão đổ bộ vào đất liền; tuyệt đối không để người ở lại trên các phương tiện tại khu neo đậu, các chòi canh, các lồng bè nuôi trồng thủy sản.





Người dân miền Trung đang ráo riết thực hiện các phương án phòng chống trước cơn bão số 8.

Kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, hồ, đập, đê điều, bến cảng, kho tàng ven biển để có biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang.

Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở vùng ven biển, vùng cửa sông, vùng trũng, thấp đến nơi an toàn; chủ động tiêu thoát nước đệm vùng thấp, trũng; bảo vệ cây trồng vụ đông, vv...

Người dân Hậu Lộc, Thanh Hóa chạy bão: Ảnh: Thanh Lê

Đối với các huyện miền núi, cần kiểm tra, rà soát phương án sơ tán dân sinh sống ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và chuẩn bị lực lượng, phương tiện để cảnh báo, sẵn sàng sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi có mưa, lũ lớn xảy ra.

Tại Nghệ An, nơi được dự báo tâm bão số 8 sẽ đi qua, công tác phòng chống bão cũng đang rất khẩn trương. Ngay từ chiều ngày 26/10, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An đã có cuộc họp khẩn, yêu cầu các đơn vị địa phương cần triển khai các phương án bảo đảm an toàn các công trình đê điều, hồ đập. Khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền đang ở ngoài khơi vào nơi trú đậu an toàn.

Công nhân ngành cây xanh đô thị TP. Vinh đang chằng chống, đối phó với cơn bão "Sơn Tinh" sắp đổ bộ. (Ảnh Trần Văn - Chụp sáng 27/10).

Chỉ đạo, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán và bảo vệ an toàn cho người và tài sản, kiểm tra và bổ sung dự phòng lương thực, thuốc men, thuốc xử lý nước sinh hoạt ở vùng có thể bị chia cắt bởi bão, lũ.

Theo thông tin từ Ban PCLB Nghệ An, vào lúc 11h30 ngày 26/10 đã xảy ra vụ việc đáng tiếc, một thuyền viên đã bị rơi xuống biển trên đường vào bờ tránh bão, hiện vẫn chưa tìm thấy.
 
Khu vực xảy ra sự cố là tọa độ 18o51’02” vĩ độ Bắc, 106o21’72” kinh độ Đông.
 
Vào thời gian trên, tàu cá mang số hiệu NA - 90071 TS do ông Võ Văn Hường (SN 1964, trú tại xóm Tân An, xã Tân Hòa, huyện Quỳnh Lưu) làm thuyền trưởng đang trên đường chạy vào bờ tránh bão. Do bất cẩn, cộng với gió giật mạnh nên thuyên viên Hoàng Văn Đông (SN 1966, xóm 9 xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) đã bị rơi xuống biển.

Hiện Nghệ An có 1.217 phương tiện với 3.588 lao động đang hoạt động trên biển đã được liên lạc tìm nơi tránh, trú bão.


Do ảnh hưởng của cơn bão số 8 trong các ngày 27-28/10, hàng loạt chuyến bay đến/đi từ 4 sân bay miền Trung: Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới và Vinh của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã bị hủy do điều kiện thời tiết xấu.

Theo đó, ngày 27/10, Vietnam Airlines hủy 14 chuyến. Ngày 28/10, tiếp tục hủy 10 chuyến bay đến/ đi từ Vinh và Đồng Hới, có thời gian khởi hành từ 07h15 – 12h10, cụ thể:
- Đường bay Hà Nội - Vinh: hủy 02 chuyến bay VN1710, VN1711;
- Đường bay Đà Nẵng- Vinh: hủy 02 chuyến bay VN1020, VN1021;
- Đường bay Tp. Hồ Chí Minh - Vinh: hủy 04 chuyến VN1262, VN1263, VN1268, VN1269;
- Đường bay Hà Nội - Đồng Hới: hủy 02 chuyến bay VN1590, VN1591.

Đã có hơn 2.400 khách bị ảnh hưởng sẽ được Vietnam Airlines bố trí đi trên các chuyến bay bù và chuyến bay thường lệ trong thời gian sớm nhất.

Vietnam Airlines cho biết, đang theo dõi sát diễn biến cơn bão để cân nhắc phương án khai thác và sẽ sớm thông tin tới hành khách về kế hoạch của hãng.

Gia Văn


Tại Hà Tĩnh, để sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của bão số 8, sáng nay 27/10, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã cùng với Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã trực tiếp xuống cơ sở, chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống bão đổ bộ.

Người dân xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hối hả gia cố nhà cửa, tàu thuyền. Sẵn sàng ứng phó với bão


Tất cả các tàu thuyền trên địa bàn Hà Tĩnh đã về bờ trú ẩn an toàn

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương phải kiểm tra, rà soát và thống kê chính xác các hộ dân cư đang sống ở các vùng xung yếu ven biển, ven cửa sông để chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Chỉ đạo sắp xếp, đảm bảo an toàn nơi neo đậu cho tàu thuyền.

Đến 16h chiều 27/10, tại Hà Tĩnh đã có gió lớn.

Đến thời điểm này, tất cả tàu thuyền của Hà Tĩnh (3.820 chiếc với 13.809 lao động) đã nắm bắt được thông tin, diễn biến của của bão số 8 và vào bờ trú ẩn.

Gần trưa ngày 27/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xuất hiện những đợt mưa ngắn nhưng nặng hạt, liên tiếp nhau và đến đầu giờ chiều cùng ngày cường độ mưa đã mạnh, kéo dài hơn. Tại TP. Đồng Hới (nằm sát bờ biển), từng đợt gió biển ập vào càng lúc càng mạnh hơn.




Người dân ven biển xã Quang Phú, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) đang chằng chống nhà cửa vào sáng 27/10.

Tính đến trưa cùng ngày, đã kêu gọi được 3.951 tàu đánh cá cùng 16.942 ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện tỉnh này còn 30 tàu đánh cá với 200 ngư dân đang đánh bắt cá ngoài khơi cũng đã tiếp nhận liên lạc với lực lượng thông báo bão và đang trên đường trở về đất liền.

Còn tại Quảng Trị, đã có gần 2.500 tàu thuyền với gần 6.000 thuyền viên đã được liên lạc và có nơi trú bão an toàn. Hiện còn khoảng 30 tàu thuyền với hơn 300 thuyền viên đang hoạt động trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, khu vực đảo Bạch Long Vĩ… đã được lực lượng PCLB-TKCN thường xuyên liên lạc, thông báo diễn biến của bão số 8 và hướng dẫn tìm nơi tránh trú ẩn an toàn.

Tàu thuyền vào neo đậu tránh bão tại cảng Cưa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị).

UBND tỉnh này cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện một cách chủ động các biện pháp ứng phó với bão số 8 và đề phòng lũ lụt, di dời dân ở các vùng thấp trũng, ven sông suối, vùng có nguy cơ sụt lở cao.

Mưa to cũng bắt đầu xuất hiện từ sáng sớm tại TP. Đông Hà, vùng biển các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh… của tỉnh Quảng Trị với nhiều đợt gió mạnh.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh vẫn đang còn gần 35.000 hộ dân ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Đakrông, Gio Linh, Vinh Linh, Hướng Hóa... nằm trong vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt rất nguy hiểm khi xảy ra bão lũ.

Tại Thừa Thiên - Huế, tính đến chiều 27/10, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã kêu gọi được 100% tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt tại vùng chịu ảnh hưởng cơn bão số 8 vào bờ neo đậu, tránh trú bão an toàn. Đồng thời, đã thực hiện di dời khẩn cấp 23.000 hộ dân ở vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.

Sở Công thương tỉnh đã dự trữ 100 tấn gạo và 100 tấn mì ăn liền. Riêng 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới mỗi huyện dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số hàng nhu yếu phẩm như mì ăn liền, nước uống, xăng dầu…để ứng phó với trường hợp lũ chia cắt, cô lập.

Cũng trong ngày hôm nay (27/10), học sinh toàn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng được Sở GD& ĐT tỉnh cho nghỉ học để tránh bão.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 13g ngày 28/10, vị trí tâm bão ngay trên bờ biển các tỉnh Thái Bình - Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức từ 75- 102km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An đêm nay (27/10) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ từ sáng mai (28/10) có gió giật cấp 6, cấp 7.

Khu vực phía đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với triều cường khu vực từ Thái Bình - Thanh Hóa có nước biển dâng cao 3-4m.


Nhóm PV - CTV