- Không phải chỉ đến khi VietNamNet và báo chí phanh phui ra hàng loạt điểm nuôi nhốt hổ trái phép ở Nghệ An mà trong nhiều năm qua, cùng với Hà Tĩnh, địa phương này vỗn dĩ cũng đã “có tiếng” trong việc cung cấp hổ phục vụ nấu cao. Hàng loạt vụ bắt giữ vận chuyển hổ sống và hổ chết đều có liên quan đến khu vực này.


Nguồn cung cấp hổ nấu cao

Mới đây nhất, trước khi VietNamNet khởi đăng tuyến bài “Nuôi nhốt hổ như nuôi lợn”, chiều ngày 15/10, lực lượng công an Thanh Hóa và Cục CSMT - Bộ CA cũng đã bắt giữ đối tượng đang vận chuyển hổ ra Hà Nội để nấu cao.

Khi bị bắt giữ, tài xế Phạm Đức Hoà (SN 1987, quê xã Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An) đã vứt bao tải chứa cá thể hổ ướp lạnh nặng 100kg xuống đường rồi bỏ chạy. Tuy nhiên, sau đó đối tượng Hoà cũng chiếc xe đã bị bắt giữ.

Phần lớn các vụ bắt giữ hổ đều có liên quan đến các điểm nóng ở Nghệ An và Hà Tĩnh (trong ảnh là vụ bắt giữ 4 cá thể hổ con đang vận chuyển từ Hà Tĩnh ra Nghệ An vào đầu tháng 9/2012).

Mặc dù đối tượng không không khai nhận nguồn gốc cá thể hổ, nhưng theo lời Trung tá Phạm Tiến Nhật, Đội trưởng đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường - CA Thanh Hóa, đây là đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã quí hiếm từ Nghệ An về Hà Nội tiêu thụ.

Hầu hết các cá thể hổ được bán ra thị trường để nấu cao bị bắt giữ đều có nguồn gốc từ Nghệ An.

Vào cuối tháng 7/2012, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã phát hiện xe ô tô 4 chỗ do 2 đối tượng người Nghệ An vận chuyển trái phép 2 cá thể hổ đã bị chết.

Trước đó nữa, cuối tháng 5/2012, lực lượng CSGT CA Nghệ An cũng đã bắt giữ đối tượng vận chuyển 3 con hổ đã bị xẻ thịt, đang trên đường vận chuyển từ Hà Tĩnh ra Hà Nội tiêu thụ.

Ngay sau đó, đối tượng Nguyễn Đình Hải (trú ở xã Sơn Diệm, Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng đã bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

Theo như lời của một chủ nuôi hổ tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), hổ con có nguồn gốc từ Lào, được mua ở Hương Sơn Hà Tĩnh. Việc nuôi nhốt hổ tại Nghệ An được tiết lộ là diễn ra trên nhiều địa phương với số lượng lớn. Tuy nhiên, rất ít khi các vụ vận chuyển hổ sống bị bắt giữ.

Hy hữu lắm, lực lượng chức năng mới bắt giữ được vụ vận chuyển hổ sống. Đó là vụ bắt giữ số lượng cá thể hổ còn sống lớn nhất tại Hà Tĩnh.

Đó là vào đầu tháng 9/2012, lực lượng cảnh sát môi trường - CA tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giữ xe ô tô Camry vận chuyển 4 con hổ sống, tổng trọng lượng 22,5kg. Trong đó có 1 con nặng 11kg và 3 con nặng 3,5kg.

Vụ bắt giữ xe ô tô chở xác hổ từ Nghệ An ra Hà Nội tiêu thụ mới đây

Hai đối tượng vận chuyển hổ sống đều có nguồn gốc từ Nghệ An là Hồ Sỹ Hạnh (SN 1976, quê xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu) và Bùi Văn Mười (SN 1979, trú xóm 9, xã Viên Thành, huyện Yên Thành).

“Điểm nóng”

Qua những vụ bắt giữ hàng chục con hổ để phục vụ nấu cao, dư luận đã nghi ngờ về có đường dây vận chuyển hổ trưởng thành từ Lào qua Việt Nam để nấu cao.

Tuy nhiên, qua loạt bài điều tra trên báo VietNamNet mới đây về việc nuôi nhốt hổ để nấu cao được nuôi ngay trong nước.

Chưa nói đến việc buôn bán hổ giống từ Lào qua Việt Nam, hầu hết những vụ bắt giữ vận chuyển hổ trưởng thành vừa qua đều liên quan đến các đối tượng đến từ Hà Tĩnh, Nghệ An. Việc này cũng phù hợp với những thông tin về làng nuôi nhốt hổ vừa qua mà VietNamNet phản ánh.

Sau khi báo VietNamNet đăng tải loạt bài điều tra tình trạng nuôi nhốt hổ ở Nghệ An, các ngành chức năng địa phương này đã rầm rộ vào cuộc. Tuy nhiên, hơn nửa tháng trôi qua vẫn chưa phát hiện được việc nuôi nhốt hổ trái phép.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Chi cục Hải quan CKQT Cầu Treo (Hà Tĩnh) cho biết, lực lượng kiểm soát tại cửa khẩu trong những năm qua đã kiểm tra rất chặt, các đối tượng vận chuyển hổ không thể lọt qua đường chính ngạch được.

Nếu có chuyển hổ giống từ Lào về Việt Nam thì chỉ có đi qua các đường tiểu ngạch.

“Lâu nay cứ thấy bắt giữ hổ để phục vụ nấu cao là dư luận lại nghi ngờ hổ đưa qua khu vực cửa khẩu Cầu Treo, không ngờ qua báo VietNamNet mới biết hổ nuôi ngay trong nước”, lãnh đạo này nói.

Theo đánh giá của Phòng bảo vệ ĐVHD thuộc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), thông qua việc ghi nhận tất cả các vụ việc buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ bị bắt giữ, các điều tra, khảo sát tại khu vực điểm nóng như Hương Sơn - Hà Tĩnh; Yên Thành, Diễn Châu - Nghệ An; Thanh Hóa; Bình Dương...

Cũng theo đánh giá của ENV, Cửa khẩu Cầu Treo được đánh giá là "điểm nóng" của nạn buôn bán hổ trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam. Việt Nam được coi là thị trường của việc tiêu thụ hổ buôn lậu từ các nước Lào, Myanma, Campuchia...

Một số đối tượng đã được xác định là điều khiển phần lớn mạng lưới buôn lậu hổ vào Việt Nam. Trong đó bao gồm cả chủ đầu tư của trại nuôi hổ ở Lào, nguồn cung cấp hổ chính vào Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân khiến nạn buôn bán hổ không được ngăn chặn triệt để chính là án phạt những đối tượng buôn bán hổ chưa đủ mạnh.

Theo điều tra của ENV, trong số 27 đối tượng bị bắt giữ liên quan đến 16 vụ buôn bán hổ chỉ có 2 người bị phạt tù, 2 người trắng án, còn lại hưởng án treo.

Hầu hết những người bị bắt giữ đều là người môi giới hoặc buôn bán nhỏ lẻ, cơ quan chức năng dường như chưa quyết tâm tìm ra kẻ điều hành đường dây buôn bán hổ trái phép.

Nhóm P.V