- Theo thống kê từ Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, chỉ tính từ năm 2009 đến nay, đã có 14 con voi rừng lìa đời, trong đó có 4 con voi trưởng thành được xác định bị bắn giết để lấy ngà, lông đuôi; 10 con chết không rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, đàn voi nhà bị chết cũng không thua kém khi có đến 10 con vĩnh viễn ra đi.

Những vụ tàn sát dã man

Chắc dư luận vẫn còn nhớ, vào cuối tháng 8/2012, người ta cùng lúc phát hiện 2 cá thế voi trưởng thành bị bắn chết tại Vường Quốc gia Yok Đôn.

Hai con voi rừng, một đực, một cái nằm chết cách nhau khoảng 5m giữa rừng; mỗi con có trọng lượng lên đến hàng tấn, khắp mình đầy vết thương.

Voi được khai thác du lịch triệt để

Khi được phát hiện, hai con voi đang trong quá trình phân hủy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Trong đó, thân thể con voi đực không còn nguyên vẹn khi bị thợ săn đục tung phần đầu để lấy ngà, vòi bị cắt đứt lìa, nhiều bộ phận khác cũng bị lấy mất.

Theo nhận định của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk: Đây là 2 cá thể thuộc đàn voi rừng khoảng 30 con thường xuyên sinh sống tại VQG Yok Đôn, sau khi di chuyển từ Campuchia về Vườn để kiếm ăn theo tập quán sinh sống thì bị thợ săn “phục kích” giết hại.

Trước đó, vào tháng 3/2012, một cá thể voi đực trưởng thành khác cao 2,4m, dài 4,3m, nặng khoảng 1,5 - 2 tấn, cũng thuộc đàn voi này đã bị thợ săn bắn hạ tại tiểu khu 283, thuộc địa bàn xã Ea Bung (huyện Ea Súp); khi được phát hiện, xác voi cũng đang trong tình trạng phân hủy.

Điều đáng nói là cách thức giết hại voi lần này không khác gì 2 con voi bị giết vào tháng 8/2012, với phần xương đầu bị đục tung, các bộ phận như ngà, đuôi, vòi và đế bàn chân cũng bị đánh cắp.

Lùi lại thời điểm tháng 8/2009, người ta cũng phát hiện một con voi đực nặng 2,5 tấn nằm chết tại tiểu khu 138 – thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea H’mơ (xã Ia J’lơi, huyện Ea Súp). Khi vào cuộc điều tra, công an xác định con voi bị bắn giết để lấy ngà.

Điều rất lạ là từ năm 2009 đến nay, tất cả các vụ án liên quan đến cái chết của voi, tung tích hung thủ giết hại voi rừng vẫn luôn là…“ẩn số”!?

Một ngày voi nhà cõng trên mình cả chục lượt khách

Không chỉ voi rừng bị sát hại, voi nhà được nuôi nhốt, chăm sóc cẩn thận cũng không thoát khỏi tay “voi tặc”. Nhiều con may mắn thoát chết, nhưng cũng có con phải bỏ mạng đau đớn, oan uổng.

Đó là trường hợp voi đực Pắk Kú thuộc sở hữu của Khu du lịch Thanh Hà (Buôn Đôn). Vào một đêm cuối mùa mưa tháng 10/2010, voi Pắk Kú được xích ăn trong rừng và đã bị những kẻ xấu tưới xăng đốt và chém trên 200 nhát nhằm cướp đi mạng sống của nó để lấy ngà, lông đuôi.

Dù bứt đứt xích chạy thoát, nhưng voi Pắk Kú vẫn phải bỏ mạng oan uổng ở tuổi 30, sau hơn 2 tháng chống chọi với những vết chém ác hiểm. Hung thủ giết voi Pắk Kú đến nay vẫn được tìm ra tung tích ?

Voi bị cấm… “yêu”!

Một con số thống kê cho thấy sự sụt giảm đến chóng mặt đàn voi nhà Đắk Lắk. Nếu như vào năm 1980, đàn voi nhà có 502 con, thì đến năm 1990 đã sụt giảm gần một nửa khi chỉ còn 298 con, đến năm 2000 chỉ còn 96 con và hiện tại chỉ còn 51 con.

Bị vắt kiệt sức nhưng voi nhà được cho ăn rất hạn chế.

Số voi nhà còn lại hiện chủ yếu tập trung phục vụ trong các khu du lịch và bị bóc lột thậm tệ.

Không chỉ ít đi về số lượng, đàn voi nhà cũng đang kém đi về chất lượng, khi khoảng 30% đã trở thành “voi cụ”, và khả năng “yêu” để cho ra thế hệ tiếp theo là rất hạn hữu.

Điều này được chứng minh, khi trong khoảng 20 năm qua, đàn voi nhà Đắk Lắk không đón nhận thêm được chú voi con nào chào đời. Điều này thật dễ hiểu - đó là voi không có môi trường, thời gian để “yêu nhau”.

Hiện nay, voi chỉ tập trung vào việc phục vụ du lịch, các chủ voi thường quản lý voi độc lập, ít thả cùng nhau, nên voi cái, voi đực không có cơ hội gặp gỡ. Nói cách khác, voi đang bị “cấm yêu”.

Trong chuyện sinh sản của voi, thường chủ voi đực không được hưởng lợi, thậm chí còn phải “chịu vạ” nếu như voi đực giao phối làm voi cái bị thương, điều này khiến chủ voi đực rất ngại khi thả voi của mình chung với voi cái của chủ khác.

Đàn voi nhà suy giảm nhanh đến chóng mặt, không có voi rừng thì không thể có voi nhà, tuy nhiên, đàn voi rừng cũng chỉ còn khoảng trên 100 cá thể, mà việc săn bắt voi rừng về thuần dưỡng hiện nay đã bị nghiêm cấm, việc bổ sung đàn voi nhà coi như đã khép lại.

Chỉ còn trên 100 cá thể, nhưng trong tự nhiên đàn voi rừng cũng đang bị “truy sát” ráo riết, khả năng sinh sản cũng rất hạn chế, hoặc nếu có sinh sản được, voi con cũng gặp rất nhiều mối nguy hiểm.

Trong số 14 con voi rừng bị chết được phát hiện từ năm 2009 đến nay, ngoài 4 con voi trưởng thành bị bắn chết như đã nói ở trên, đa số còn lại là voi con mới lớn, chúng bị chết vì rất nhiều nguyên nhân.

Việc những con voi đực trưởng thành bị giết hại, khiến nhiều chuyên gia đặt lo ngại về một quần thể voi rừng không còn bền vững, khả năng sinh sản do đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài giờ cõng khách du lịch, voi bị xích chân không còn thời gian chơi và “yêu đương” theo quy luật.

Theo các nhà khoa học, để một đàn voi phát triển ổn định, có thể sinh sản, tăng đàn được phải có khoảng từ 50 cá thể trở lên; nhưng tại Đắk Lắk hiện nay, theo ghi nhận có khoảng 10 đàn voi rừng, đàn nhiều nhất cũng chưa tới 30 con.

Cùng với đó, môi trường tự nhiên để voi sinh sống đang bị thu hẹp, thức ăn ngày một ít, voi liên tục phải tìm về các khu dân cư tìm thức ăn, gây nên sự xung đột người – voi dữ dội. Thực tế này khiến cả đàn voi rừng Đắk Lắk lẫn người dân tại các buôn làng gặp rất nhiều nguy hiểm.

Với việc bảo tồn vẫn ì ạch như hiện nay, đàn voi Đắk Lắk đang đặt trong tình trạng báo động và điều này khiến người ta đặt nghi ngại rằng một ngày không xa, đại ngàn Tây Nguyên rồi sẽ vắng bóng voi là có cơ sở.

Yến Thanh