- Một lãnh đạo Đội CSGT Tân Sơn Nhất cho biết: “Vào thời gian đầu, việc nhắc nhở là cần thiết vì trên thực tế lượng phương tiện chưa sang tên chủ sở hữu là rất lớn. Tinh thần của chúng tôi là đánh mạnh vào các lỗi thuộc ý thức điều khiển xe khi lưu thông trên đường”.

Theo ghi nhận, tại TP.HCM, việc triển khai áp dụng Nghị định 71 diễn ra bình thường như đã từng áp dụng Nghị định 34. Không hề có việc chỉ tập trung xử lý người điều khiển phương tiện không chuyển quyền sở hữu như dư luận đồn thổi.

Nên triển khai Nghị định 71!

Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP, chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng; chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định bị phạt tiền từ 6 - 10 triệu đồng.

Như vậy, mức phạt này cao hơn ít nhất 5 lần so với mức phạt quy định trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP cho hành vi trên.

Làm sao có thể kiểm tra hành chính với lượng phương tiện thế này để biết xe nào không chính chủ ?

Thông tin ban đầu được công bố đã khiến dư luận dấy lên hàng loạt lo ngại vì cho rằng có nhiều điểm bất hợp lý.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban An toàn giao thông TP.HCM nói: “Việc triển khai Nghị định 71 là nên làm trong bối cảnh xã hội phát sinh các phức tạp về quản lý phương tiện.

Người dân không nên đánh đồng rằng cứ đi xe không chính chủ là bị phạt, đó không phải tinh thần của Nghị định 71. Nghị định đã được soạn thảo từ năm 2011, lấy ý kiến rất nhiều cơ quan chức năng, địa phương trên tinh thần phạt nặng nhất các hành vi đua xe, chạy quá tốc độ”.

Ông Tường nói thêm: “Nếu anh chấp hành luật giao thông, không sử dụng xe trộm cắp, phạm pháp thì không việc gì phải lo sợ cả. Tôi thấy sang tên đổi chủ phương tiện là việc làm cần thiết trong quản lý, đảm bảo an ninh trật tự.

Những lo sợ của người dân về các trường hợp “bạn bè mượn xe của nhau hoặc người trong gia đình sử dụng chung phương tiện” đều không bị xử phạt nếu chấp hành luật khi lưu thông”.

Theo ông Tường, Ban An toàn giao thông thành phố đang in 1 triệu 700 ngàn quyển cẩm nang tuyên truyền về luật giao thông và những điều khoản mới theo tinh thần Nghị định 71 nhằm phổ biến đến người dân.

Cũng đồng quan điểm nói trên, Luật sư Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP.HCM cho biết: “Hiện thông tin áp dụng Nghị định 71 chưa gây ra khó khăn nào đối với các doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM”.

“Đã có những băn khoăn về việc doanh nghiệp này khi vừa mua lại xe của doanh nghiệp khác hay cá nhân nào đó chưa kịp sang tên đổi chủ, khi lưu thông trên đường sẽ bị phạt.

Tôi nghĩ về luật quy định, quá trình đó dĩ nhiên phải hoàn tất thì mới được lưu thông. Chính vì vậy, trong trường hợp này, chấp hành là việc phải làm”, ông Chung nói thêm.

Không chỉ ‘chính chủ’ mới chóng mặt

Ngoài quy định về chuyển quyền sở hữu phương tiện, theo Nghị định 71, còn có các hành vi vi phạm giao thông bị áp dụng mức phạt rất cao so với NĐ 34 như bấm còi, rú ga liên tục, chuyển hướng không giảm tốc độ (bị phạt từ 600 - 800 ngàn đồng).

Đối với lỗi không sang tên chủ sở hữu phương tiện, CSGT tại TP.HCM vẫn đang chủ yếu nhắc nhở và tập trung xử phạt các lỗi vi phạm khác.

Lỗi không đi đúng làn đường quy định cũng bị phạt từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng.

Chưa kể, các trường hợp không chấp hành hiệu lệnh dừng xe hoặc chống trả người thi hành công vụ, người điều khiển ô tô có thể bị phạt từ 15 - 25 triệu đồng. 

Theo ghi nhận, vào ngày đầu tiên Nghị định 71 có hiệu lực, Đội CSGT Bến Thành xử phạt hơn 100 trường hợp theo NĐ71 và hàng trăm trường hợp vi phạm theo NĐ34.

Trong số đó, các lỗi vi phạm vượt đèn đỏ, chạy sai làn đường, chạy vào đường ngược chiều bị phạt chủ yếu, lỗi không sang tên chủ sở hữu phương tiện đa số vẫn được nhắc nhở do người dân còn nhiều bỡ ngỡ.

Chiều ngày 12/11, có mặt tại đường Trường Chinh, quận Tân Bình, chúng tôi ghi nhận các chiến sĩ Đội CSGT Tân Sơn Nhất lập biên bản xử phạt các trường hợp vi phạm lỗi lấn làn.

Tuy nhiên, do chưa phải đến Đội làm thủ tục xử phạt nên tài xế tỏ ra khá bình tĩnh.

Trong số này, có nhiều trường hợp chưa sang tên đổi chủ phương tiện sau khi mua bán một thời gian khá dài nhưng vẫn được nhắc nhở chứ không bị xử phạt.

Một lãnh đạo Đội CSGT Tân Sơn Nhất cho biết: “Thời gian đầu, việc nhắc nhở là cần thiết vì trên thực tế lượng phương tiện chưa sang tên chủ sở hữu là rất lớn. Tinh thần của chúng tôi là đánh mạnh vào các lỗi thuộc ý thức điều khiển xe khi lưu thông trên đường”.

Minh Dũng