- Áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở khu vùng biển phía nam nước ta hầu như ít dịch chuyển. Trong khi đó, một bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển và ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh Bắc Bộ vào chiều mai (16/11).

TIN BÀI KHÁC

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào lúc 10 giờ ngày hôm nay (15/11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,5 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Trong 3 giờ vừa qua, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển (Ảnh: NCHMF)

Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 10 giờ ngày mai (16/11), vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 9,8 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các đảo Phú Quý và Côn Đảo) có mưa dông mạnh, gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ở ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Trong khi đó, miền Bắc ấm dần do không khí lạnh suy yếu. Tuy nhiên, một bộ phận không khí lạnh khác vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Khoảng trưa và chiều mai (16/11), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ ngày mai ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4 – 5. Ở vịnh Bắc Bộ và khu vực phía Bắc Biển Đông từ đêm mai sẽ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 19/11, khối không khí lạnh suy yếu dần và có khả năng tăng cường trở lại vào ngày 23/11.

TP.HCM: Khẩn trương chống đỡ áp thấp ở xã đảo

Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ- nơi thường xuyên “đón đầu” các cơn bão, áp thấp nhiệt đới tại TP.HCM đã hoàn tất công tác chuẩn bị ứng phó và phương án di dời với sự hỗ trợ của Bộ đội biên phòng.

Chiều ngày 15/11, trao đổi với VietNamNet, ông Trịnh Đăng Dũng - Phó Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội biên phòng cho biết: “Đã thông báo đến tất cả ngư dân, kể từ 0g ngày 15/11, toàn bộ ngư dân của thị trấn Cần Thạnh không được ra khơi, các phương tiện đang đánh bắt phải khẩn trương đưa phương tiện vào bờ để tránh trú bão an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực này”.

Theo ông Dũng, tại xã đảo Thạnh An, có một đội tàu của Hải đội 2 gồm 7 cán bộ chiến sĩ đang trực chiến ở đây, trường hợp áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào sẽ di dời toàn bộ ngư dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất từ sáng sớm.

Dự kiến chiều tối cùng ngày một tàu chở hàng hóa sẽ được điều động ra xã đảo Thạnh An làm nhiệm vụ cung ứng cho người dân.

Theo ghi nhận của VietNamNet, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân đã được đưa vào neo đậu tại bến Cầu Đò an toàn, người dân cũng chằng chống nhà cửa xong trước khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ.

(Minh Dũng)


Phú Yên: 82 tàu thuyền di chuyển tránh áp thấp nhiệt đới

Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên cho biết, hiện có 82 phương tiện với 783 lao động của Phú Yên đang hoạt động trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa và đang di chuyển tránh áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có 11 phương tiện/108 lao động xin di chuyển sang vùng biển các nước lân cận như Malaysia, Indonesia, Brunei; 35 phương tiện/165 lao động đang hoạt động tại vùng biển ven bờ từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận.

Tàu thuyền Phú Yên đánh bắt gần bờ về nơi neo đậu

Để ứng phó với thời tiết bất thường, BĐBP tỉnh duy trì chế độ trực theo quy định; sẵn sàng lực lượng, phương tiện với 170 cán bộ chiến sĩ, 5 ô tô, 5 tàu, 5 ca nô… tham gia xử lý tình huống. Đơn vị cũng đã sử dụng hệ thống liên lạc hiện có và bằng các biện pháp khác, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Đồng thời phối hợp kiểm đếm số phương tiện/lao động/khu vực hoạt động trên biển để hướng dẫn tàu thuyền hoạt động hoặc tìm nơi trú tránh an toàn.

(Mạnh Hoài Nam)


L.Lam