- Hải tặc ngoan cố nhổ neo bỏ chạy dù cảnh sát biển liên tiếp nổ súng trấn áp. Chỉ đến khi bị đe dọa nổ súng tiêu diệt, bọn chúng mới chịu thả neo.

 
Chiều ngày 23/11, đại diện lãnh sự quán Indonesia tại TP.Hồ Chí Minh đã có mặt ở TP.Vũng Tàu thăm hỏi các thủy thủ tàu Zafirah trong khi sự việc đang tiếp tục được điều tra. Với lực lượng cảnh sát biển Vùng 3, hành trình truy lùng con tàu Zafirah và 11 tên hải tặc đã trở thành dấu ấn không thể nào quên.
 
Con tàu lạ mang tên Sea Horse
 
Đại tá Đinh Văn Nghiêm, Phó chỉ huy Vùng 3 (Cục cảnh sát biển) kể lại: “Chiều tối ngày 20/11, tức 2 ngày sau khi tàu Zafirah bị cướp, chúng tôi nhận được tin có tàu nước ngoài cách đảo Phú Quý khoảng 50 hải lý. Tuy nhiên, khi tàu giám sát tìm đến vị trí này thì con tàu kia đã rời đi”.
 
Theo lời đại tá Nghiêm, cảnh sát biển đã huy động thêm các tàu đang làm nhiệm vụ tại khu vực gần Trường Sa xuất phát truy tìm con tàu lạ. Ngay sau đó, hai biên đội tàu (6007, 9001, 4034 và 4031, 2011) đã được triển khai tìm kiếm. 

Tàu Zafirah bị đổi tên thành SeaHorse nhằm tẩu thoát dễ dàng.
 
Đến khoảng 2h20’ rạng sáng ngày 22/11, một biên đội tàu của cảnh sát biển đã phát hiện tàu Zafirah trong lãnh hải Việt Nam (cách mũi Vũng Tàu hơn 60 hải lý) nên lập tức triển khai khống chế, yêu cầu tàu thả neo.
 
Con tàu nghi vấn mang tên Sea Horse nhưng thân tàu có dấu hiệu vừa bị sơn lại. Nghi ngờ đây chính là con tàu bị cướp, các tàu của cảnh sát biển đã theo dõi và sẵn sang bao vây trong lúc chuẩn bị đưa thuyền trưởng SannWinnaung, thuyền phó Zaw Lwin, máy trưởng tàu Zafirah xuống tàu CSB 2011 xuất bến từ Vũng Tàu ra vị trí tàu Sea Horse neo đậu nhằm nhận dạng tàu.
 
“Đến trưa ngày 22/11, khi đã xác định chính xác tàu bị cướp, lực lượng Cảnh sát biển đã tuyên truyền bằng loa, yêu cầu những tên cướp đầu hàng. Dù vậy, băng nhóm hải tặc vẫn ngoan cố nhổ neo nhằm tẩu thoát”, đại tá Nghiêm nói.
 
Nổ súng trấn áp
 
Đại tá Lê Xuân Thanh cho biết: “Sau khi bắn cảnh cáo lần 1 bằng súng bộ binh vào phía mũi tàu bọn cướp vẫn bỏ chạy nên chúng tôi tiếp tục nổ súng cảnh cáo. Cho đến khi chúng tôi răn đe nếu tiếp tục bỏ chạy cảnh sát sẽ bắn tiêu diệt, bọn chúng mới thả neo”.
 
Các chiến sĩ cảnh sát biển đã đồng loạt áp sát ập lên tàu mà bọn cướp biển cố thủ trong khi một nhóm cướp biển tháo chạy ra phía mũi tàu. Các đối tượng hung hăng có ý định chống trả đã bị quật ngã. Biết không thể cầm cự lâu, nhóm cướp biển ở phía mũi tàu đã ra hiệu xin đầu hàng.

Hải tặc bị cảnh sát biển Việt Nam khống chế.

Sau gần một giờ trấn áp trên con tàu bị cướp, lực lượng cảnh sát biển Vùng 3 đã bắt gọn toàn bộ 11 tên cướp biển. Sau đó, tàu CSB 4034 đã dẫn giải các đối tượng vào bờ lấy lời khai ban đầu, hoàn chỉnh hồ sơ và bàn giao cho Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
 
Chiều ngày 23/11, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành lấy lời khai các đối tượng cướp tàu bị giam giữ tại trại giam Phước Cơ. Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ, đa số bọn cướp không biết tiếng Anh nên việc lấy lời khai gặp khó khăn.
 
Chiều cùng ngày, tàu Zafirah đã được lực lượng Cảnh sát biển đưa vào neo đậu tại vùng biển Bãi Trước, TP.Vũng Tàu. Hơn 320 ngàn lít dầu MGO trên tàu bị niêm phòng. Trước đó các thiết bị định vị, liên lạc của tàu đã bị cướp biển phá hủy nhằm tránh bị truy lùng qua tín hiệu.
 
Một thủy thủ tàu Zafirah khi được hỏi cho biết, không phân biệt được bọn cướp là người Indonesia hay Malaysia vì cả hai quốc gia này đều có sử dụng tiếng Bahasa Melayu, đây là ngôn ngữ mà người Malaysia sử dụng nhiều, trong khi nó cũng gần như giống hoàn toàn với tiếng Indonesia hay còn gọi là Bahasa Indonesia.
 
Quốc Quang- Mai Nguyễn