- Trước nạn cướp và cướp giật ngày càng nguy hiểm, Công an TP.HCM đang lên danh sách và tham mưu cho Thành ủy TP.HCM thí điểm lập ban chỉ đạo phòng chống tội phạm…
>> Bắt cướp trong nhà vệ sinh nữ
>> Chi tiết vụ chặt tay, cướp xe tàn độc giữa Sài Gòn
>> Bắt gọn tên cướp dây chuyền giữa Sài Gòn
>> Bắt băng nhóm chém lìa tay cô gái cướp xe SH
>> Chém lìa tay cô gái để cướp xe SH
Chưa bắt được” bệnh” cướp, cướp giật ở TP.HCM?
Chiều 27/11, Công an TP.HCM đã có cuộc họp báo, thông tin chính thức về việc triển khai kế hoạch tấn công tội phạm trong đợt cao điểm.
Tuy nhiên, kết thúc buổi họp báo, nhiều câu hỏi của báo giới vẫn không được người đại diện công an TP.HCM trả lời thỏa đáng cũng như những biện pháp trấn an dư luận bằng hành động thiết thực trước tình hình cướp lẫn cướp giật táo bạo xảy ra trên địa bàn vẫn chưa được thông tin rõ ràng.
Trung tá Vũ Như Hà tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 27/11 |
Trung tá Vũ Như Hà – Phó Chánh văn phòng, người đại diện cho công an TP.HCM trong buổi họp báo chiều 27/11 có thông tin, trong 4 ngày cao điểm tấn công tội phạm trên địa bàn TP.HCM gần đây, các đơn vị trực thuộc công an TP.HCM đã khám phá 45 vụ, bắt giữ để xử lý đối với 50 đối tượng.
Trong số đó, nổi lên là tội phạm đường phố với hành vi gây án là cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản… với 40 vụ, 47 đối tượng bị bắt.
Theo đó, từ đây đến cuối năm là thời điểm các băng nhóm tội phạm hoạt động mạnh, do đó Công an TP.HCM cũng triển khai kế hoạch cao điểm trấn áp tội phạm, đối tượng tập trung chủ yếu vẫn là tội phạm cướp, cướp giật tài sản – gọi chung là tội phạm đường phố.
Đây là loại hình tội phạm đặc trưng tại TP.HCM hiện nay.
Cụ thể, ngoài lực lượng trấn áp chính là cảnh sát hình sự, công an các quận, huyện thì công an TP.HCM còn chủ trương phân công trách nhiện cho cảnh sát quản lý hành chính, CSGT trấn áp tội phạm bằng cách tăng cường quản lý địa bàn, tuyến đường mà đơn vị mình phụ trách để từ đó phát hiện, xử lý đối tượng phạm tội từ trong… trứng nước.
Các PV có hỏi về mô hình tương tự như tổ đặc nhiệm 141 của Công an TP.Hà Nội, trung tá Hà cho biết, trước khi Hà Nội triển khai mô hình 141 thì tại TP.HCM cũng đã thực hiện mô hình này với sự tham gia của cảnh sát hình sự, CSCĐ, CSGT…
Tội phạm đường phố - tội phạm đặc thù ở TP.HCM |
Lực lượng này ngoài nhiệm vụ chính là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, còn kiểm tra phát hiện những đối tượng khả nghi, có dấu hiệu đáng ngờ để xử lý nhanh chóng.
Tuy nhiên, ông Hà đã không nói rõ về tính hiệu quả trong mô hình trấn áp tội phạm đang triển khai.
Nhiều PV cũng cho rằng, việc mở đợt cao điểm thì rầm rộ trong 1 thời gian ngắn. Sau đó thì mọi việc đâu vào đó, cướp và cướp giật vẫn nhức nhối, người dân mỗi khi ra đường vẫn lo sợ, hoang mang?
Cần trấn an dư luận bằng hành động
Trong diễn biến những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm về vụ chặt tay để cướp xe SH diễn ra tại đường Vành đai phía Đông, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM mà đến nay công an Q.2 đã bắt giữ 7 đối tượng.
Khi báo chí phản ánh về vụ án, nhiều người dân không chỉ sinh sống tại TP.HCM mà nhiều nơi khác có phản hồi, tỏ ra lo sợ, bất an mỗi khi ra đường.
Vụ băng cướp chặt tay phụ nữ, cướp xe gần đây gây phẫn nộ lẫn sự hoang mang trong dư luận |
Các PV có đặt vấn đề đối với trung tá Hà, băng cướp bị công an Q.2 bắt giữ như trên đã nằm trong "tầm ngắm" của ban chuyên án do công an huyện Nhà Bè xác lập, nhưng vì sao để chúng gây án tàn độc như thế?
Tuy nhiên, ông Hà chỉ trả lời: “Hiện tại vụ án
đang được các đơn vị nghiệp vụ của công an Q.2, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh
mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng có liên quan. Khi các đơn vị có báo cáo
đầy đủ, chúng tôi mới có thể đánh giá, nhận định về thông tin này được”.
Được biết, bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân tự đề phòng, cảnh
giác với các thủ đoạn cướp, cướp giật… thì Công an TP.HCM sẽ triển khai lực
lượng tại các địa bàn trọng điểm mà tội phạm thường chọn làm điểm gây án như:
các tuyến quốc lộ, vùng ngoại thành vắng vẻ, KCN, trong đó vẫn đặc biệt chú tâm
đến khu vực trung tâm TP, có lượng lớn người nước ngoài lưu trú.
Công an TP.HCM cũng chỉ đạo các
đơn vị trực thuộc tiếp nhận trình báo của người dân, nạn nhân, nguồn tin... bằng
cách thuận tiện, dễ dàng nhất để có đánh giá, nhận định đúng, từ đó lên phương
án đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Ngoài ra, tính chất của các loại tội phạm, đặc thù là tội phạm cướp, cướp giật
thường xuyên di chuyển, gây án trên địa bàn rộng khắp… nên công an sẽ đẩy mạnh
sự phối hợp giữa nhiều lực lượng.
Khi mà cướp, cướp giật lộng hành thì những người trấn áp tội phạm không chuyên trở thành "người hùng" của xã hội |
Trung tá Hà cho biết, hiện Công an TP.HCM đang lên danh sách và tham mưu cho Thành ủy TP.HCM thí điểm chuyển hóa 5 địa bàn nóng. Đó là P.2 (Q.Tân Bình), P.25 (Q.Bình Thạnh), P.Linh Trung (Q.Thủ Đức), P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) và xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh).
Những nơi này sẽ có ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, trong đó bí thứ phường, xã làm trường ban, Chủ tịch UBND làm phó ban thường trực… Từ kế quả thí điểm 5 địa bàn, các cơ quan chức năng ở TP,HCM sẽ có đánh giá về tính hiệu quả để nhân rộng mô hình.
Hi vọng Công an TP.HCM bằng hành động cụ thể, tội phạm đường phố sẽ chùng tay, run sợ. Người dân sẽ không còn cảm thấy bất an khi sống, làm việc ở đô thị hiện đại bậc nhất đất nước.
Đàm Tử Duy