– Trong lúc cụ rùa Hồ Gươm đang được hàng triệu người dân quan tâm, lo ngại sức khỏe của cụ ngày càng bị xâm hại, bởi những tác động ngoại cảnh cũng như môi trường sống của cụ bị đe dọa…, ít ai biết được câu chuyện về cái chết của một cụ rùa khác đang được dựng tiêu bản tại đền Ngọc Sơn.

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.


Vì sao "cụ rùa" đền Ngọc Sơn chết?

“Ngày tạ thế” của “cụ rùa đền Ngọc Sơn” được chính thức ghi nhận vào 02/6/1967 – thời điểm buổi trưa định mệnh. Địa điểm nơi cụ rùa nổi lên gần nhà Thủy Tạ bây giờ.

Giai đoạn đó, miền Bắc đang trong thời điểm trực chiến với những trận dội bom oanh tạc của đế quốc Mỹ. Cả Hà Nội trở thành một pháo đài, và kẻng báo động cùng lực lượng an ninh luôn ở tư thế chiến đấu 24/24 để đề phòng bất cứ những đợt dội bom bất ngờ, không báo trước của đế quốc Mỹ.

Hàng triệu lượt khách du lịch đã dừng chân tại đền Ngọc Sơn để chiêm vọng cụ rùa đã được giữ tiêu bản ngót nửa thế kỷ tại đây - Ảnh: Kiên Trung
 
Khu vực đặt tủ kính giữ tiêu bản cụ rùa chết vào ngày 02/6/1967. - Ảnh: Kiên Trung

Khi cụ rùa nổi lên, hàng trăm người dân Hà Nội bấy giờ đã chen chân ven hồ, hướng ánh mắt tò mò ra phía khu vực giữa hồ nơi cụ đang nổi. Khi đó, việc tụ tập thành đám đông là điều cần tránh, vì như thế sẽ thu hút sự chú ý và cơ hội bị ném bom là điều dễ xảy ra.

Lực lượng công an bảo đảm an ninh bên khu vực Hồ Gươm đã ngay lập tức tìm đến giải tán đám đông. Nếu điều không may xảy ra, bom Mỹ oanh tạc đúng điểm tập trung đông người, sẽ có nhiều người thiệt mạng. Và, tính mạng cụ rùa chắc chắn cũng bị đe dọa.

Câu chuyện về cái chết của cụ rùa Hồ Gươm năm 1967 đã được PGS.TS Hà Đình Đức ghi chép trong cuốn sổ tư liệu (sau này chính là những thông tin nghiên cứu dầy dặn, chi tiết nhất về rùa Hồ Gươm): “Cụ rùa” có vẻ yếu lắm, nổi trên mặt nước nhưng không giữ được trạng thái tự nhiên, thoải mái. Trên chiếc mai khổng lồ, rêu mốc có một đám bọt màu hồng to như cái mũ sùi lên. Đám bọt ấy cho thấy cụ đang bị thương".

Trong lúc lực lượng bảo đảm an ninh đang thực thi nhiệm vụ của mình, một nhóm người thuộc quốc doanh cá đi đến. Một trong số đó đã chỉ đạo người mang dụng cụ ra quây bắt cụ rùa, và họ đã không mấy khó khăn để đưa được cụ rùa lên cạn.

Việc làm tiếp theo của nhóm người này là liên lạc với cán bộ của Công ty Thực phẩm đến để… định giá. Khi ấy, quốc doanh cá là đơn vị đảm trách việc khai thác thủy sản tại Hồ Gươm. Điều đó, theo chức năng và nhiệm vụ của họ được phân công, nhóm người của quốc doanh cá cho rằng, bất kỳ loài thủy sản nào ở trong lòng hồ, họ có quyền khai thác phục vụ mục đích kinh tế.

Bức ảnh chụp cụ rùa (còn sống) do PGS.TS hà Đình Đức chụp vào ngày 08/12/2007 được treo trang trọng tại phòng đặt tủ kính bảo quản tiêu bản cụ rùa. - Ảnh: Kiên Trung (chụp lại),
Đền Ngọc Sơn - Di tích lưu giữ tiêu bản cụ Rùa. - Ảnh: Kiên Trung

Nhiều người kể rằng, khi đó, sau khi bắt được cụ rùa khổng lồ không mấy khó khăn này, nhóm người nói trên đã vật ngửa cụ trên mặt đất. Bốn cái chân của cụ tuyệt vọng giơ lên trời, và tình huống cụ trốn thoát được tựa như ngàn cân treo sợi tóc, nhất là khi trên người cụ, thương tích đã khá nặng.

Theo tư duy thuần túy lúc bấy giờ, người ta cho rằng ở Hồ Gươm không có loài rùa nào, và những loài giáp xác thuộc họ nhà rùa, đều được đánh đồng là… ba ba. Do đó, chú ba ba khổng lồ này là một sự kiện lớn đối với quốc doanh cá, có thể mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

“Chú ba ba” khổng lồ này có kích thước ngoại cỡ, chưa từng có từ trước đến nay: dài 2,1m; bề rộng của mai là 1,2m; cao 0,3m và nặng 250kg. Người ta định giá “cụ” lúc bấy giờ là 675 đồng (tương đươn 2,7 đồng/kg).

Thông tin quốc doanh cá đánh bắt được con ba ba khổng lồ với giá trị kinh tế cao chưa từng có đã “đến tai” Chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc bấy giờ, ông Trần Duy Hưng. Ngay lập tức, ông Hưng ra chỉ thị gấp cho công an phải bảo vệ, ngăn cấm việc… xả thịt cụ, đồng thời cơ quan y tế phải vào cuộc cứu chữa khẩn cấp vết thương của cụ.

Nhờ có chỉ thị kịp thời này của Chủ tịch UBND TP, “cụ rùa” nhanh chóng được đưa về căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (bây giờ là trụ sở BQL Di tích Đền Ngọc Sơn) để cứu chữa. Nhưng, cụ rùa đã không qua khỏi vì vết thương quá nặng, cùng với tác động của việc bị quây bắt trong cả ngày 2/6, cụ rùa đã… “từ trần”.

Gần nửa thế kỷ chăm sóc… tiêu bản cụ rùa

Người ta phỏng đoán cụ rùa bị trúng mảnh bom Mỹ nên mới bị vỡ mai, đau đớn quá cụ mới phải ngoi lên mặt nước khi vết thương quá nặng. Đám bọt màu hồng trên phía lưng khi cụ nổi lên mà nhiều người nhìn thấy, đó chính là nơi vết thương trên mai bị vỡ, nước tràn vào và chất dịch từ người cụ đã làm nước bị loang hồng, như là máu.

Thế nhưng, khi công an vào cuộc điều tra nguyên nhân, người ta mới… ngã ngửa khi biết được sự thật: trước đó một thời gian ngắn, một thợ đánh cá thuộc quốc doanh cá có tên là Thu, trong một lần đi khai thác, đánh bắt cá trên Hồ Gươm, khi kéo mẻ lưới lên thấy nặng.

Cuộc tôn tạo, tu bổ tiêu bản cụ Rùa vào ngày 13/1/2010 của nhóm chuyên gia. - Ảnh: Dân trí.
Sơn phủ lên những bộ phận tróc lở ở tiêu bản cụ rùa. - Ảnh: Dân trí.

Lúc kéo lưới lên gần mặt nước, ông Thu nhìn thấy một khối đen to, rêu bám đầy, và khối đen này động đậy. Theo phản ứng tự nhiên, ông Thu dùng xà beng trên thuyền thủ thế, giáng một đòn vào lưng con vật lạ. Vì vết đâm khá sâu, “con vật lạ” đã vùng vẫy suýt kéo cả người lẫn xà beng xuống nước…

Nghe nói, sau khi “cụ rùa” không qua khỏi, dư luận người dân lên án, ông Thu đã trốn khỏi quốc doanh cá… trốn về quê. Và, tất cả cũng đã là “chuyện đã rồi”, không ai truy cứu trách nhiệm cá nhân ông Thu nữa, nhưng bản thân ông Thu đã tự cảm nhận thấy việc làm sai trái của mình…

Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng, cụ rùa Hồ Gươm đã được giữ làm tiêu bản, được bảo quản trong tủ kính tại đền Ngọc Sơn. Quyết định đúng đắn và sáng suốt này đã phần nào làm nguôi ngoai những tiếc nuối về sự mất mát của một linh vật trầm tích trong mình những giá trị văn hóa tinh thần. Mặt khác, tiêu bản rùa này lại được giữ tại đền Ngọc Sơn, một phần thuộc quần thể của hồ Gươm, âu cũng là sự an ủi phần nào.

Vết nứt trên mai tiêu bản rùa. - Ảnh: Dân trí.
Ông Đức "rùa" nghiên cứu cụ rùa qua kính nhòm. - Ảnh: VTCnews

Ngày 13/01/2010, một nhóm chuyên gia thuộc khoa Sinh học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên HN) đã phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu rùa để tu bổ tiêu bản rùa Hồ Gươm.

Sau hơn 40 năm được bảo quản trong tủ kính, tiêu bản cụ rùa đã bị xuống cấp. Nhiều bộ phận như mai, móng, mũi, môi… bị nứt, tróc lở cần được tôn tạo, tu bổ lại.

Các nhà khoa học đã sử dụng nguyên liệu thạch cao, latex và keo 502 để gắn những vết nứt, tróc trên thân cụ rùa. Cẩn trọng và tỉ mỉ, sau gần 5 giờ đồng hồ, việc bảo trì tiêu bản cụ rùa đã hoàn thành, để người dân có thể vào chiêm bái cụ đúng dịp Hà Nội mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
 

Tháp Rùa xa mờ trong chiều mờ sương ngày 21/2/2011 - Ảnh: K.Trung

Ông Vũ Ngọc Thành (cán bộ Bảo tàng Động vật, Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội) quan ngại: “Thể trạng của tiêu bản cụ rùa nói chung là tốt tốt. Tuy nhiên, việc người dân đi lễ, đến tham quan nhét tiền vào bên trong lồng kính đã tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển ở nơi lưu giữ và trưng bày tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm…”.

Bà Vương Thị Thủy – Trưởng BQL di tích Đền Ngọc Sơn trao đổi cùng VietNamNet: “Việc bảo quản, chăm sóc tiêu bản cụ rùa tại đền Ngọc Sơn là việc làm định kỳ thường niên. Người dân Thủ đô gần nửa thập kỷ qua đã quen thuộc với hình ảnh tiêu bản cụ rùa. Tiêu bản của cụ giống như một đặc trưng mỗi khi người dân nhắc đến đền Ngọc Sơn!”.

Cũng theo bà Thủy, việc trùng tu, tôn tạo tiêu bản cụ rùa vào tháng 1/2010 là lần trùng tu, tôn tạo tổng thể và quy mô nhất, gắn với sự kiện trọng đại của Thủ đô Hà Nội.

Hiện tại, trong lồng kính đặt tiêu bản cụ rùa, một chiếc máy hút ẩm hoạt động 24/24 được lắp đặt để đảm bảo những tiêu chuẩn cho phép về độ ẩm không khí nhằm bảo quản tuổi thọ cho tiêu bản, tránh ẩm mốc… tác động làm hư hại, xuống cấp mai và các bộ phận của cụ rùa.

Hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt phía trên tủ kính giúp du khách có thể nhìn rõ tiêu bản cụ rùa được đặt ở vị trí trung tâm. Dưới ánh sáng của hệ thống chiếu sáng này, hình ảnh cụ rùa linh thiêng trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Hàng triệu lượt khách du lịch đã nghiêm cẩn chiêm bái cụ, ngót một thế kỷ qua.

Trên phía mặt tường đối diện với phần lưng tiêu bản cụ rùa đền Ngọc Sơn, hai bức ảnh cụ rùa hiện tại vào các năm 1997 và 2000 trong dịp cụ rùa lên bờ phơi nắng ở khu vực chân Tháp Rùa do PGS.TS Hà Đình Đức chụp và phóng tặng BQL Di tích Đền Ngọc Sơn. Có một điều thú vị rằng, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu xem giữa cụ rùa sống động ngoài đời và cụ rùa đang nằm trang trọng trong tủ kính, cụ nào có tuổi đời cao hơn.

Thế nhưng, chắc chắn một điều, cả hai cụ rùa, đều là những nhân chứng, là linh vật của Hồ Gươm huyền thoại…
Khi chúng tôi thực hiện xong bài viết này, các nhà khoa học và độc giả tâm huyết vẫn đang tiếp tục gửi đến VietNamNet để tham gia diễn đàn hiến kế cứu cụ rùa "còn sống", nhưng đang lâm nguy từng ngày một. Và ngày 21/2, báo giới thông tin, các cơ quan chức năng Hà Nội "vẫn đang bàn cách cứu cụ rùa", có thể 3 ngày nữa (25/2), sẽ chốt phương án...

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.


  • Kiên Trung