Clip SVTN bú sữa gây phản cảm gợi nhắc người ta nghĩ tới nhiều trò chơi khác của sinh viên với độ “nhạy cảm” không thua kém - những trò nghịch ngợm gắn mác sinh viên.


Những trò nghịch "đáo để"

Thế giới sinh viên “nhất quỷ nhì ma” có không ít trò nghịch ngợm “đáo để” khiến người ta không thể nào quên. Trong những hoạt động tập thể của sinh viên, các trò chơi là không thể thiếu. Những trò chơi này là một phần quan trọng giúp các thành viên xích lại gần nhau, hòa đồng hơn, thoải mái hơn gắn kết với nhau hơn. Tuy nhiên, những cái đầu sinh viên đã nghĩ ra không ít những trò chơi “hiểm ác”, được lưu truyền qua nhiều thế hệ sinh viên.
Có những bạn trẻ trong những lần đầu tham gia các hoạt động vui chơi tập thể của các hội, nhóm sinh viên đã phải “đỏ mặt” vì ngượng hoặc sốc vì độ “ác” của nhiều trò chơi kiểu này.

Thế giới sinh viên “nhất quỷ nhì ma” có không ít trò nghịch ngợm “đáo để” (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Doanhoiktq.com)
Một sinh viên tình nguyện lâu năm, có thâm niên “va đập” với những trò chơi như thế cho biết: “Có rất nhiều trò chơi “độc”, thường được tổ chức trong các giờ giải lao hoặc giờ chơi cho các hội nhóm, nhất là các nhóm sinh viên tình nguyện. Ví dụ như trò thi ăn táo: Một quả táo được buộc vào sợi dây treo lơ lửng. Cặp nam nữ tham gia trò chơi sẽ phải dùng miệng để cùng ăn hết quả táo ấy, nhất định không được dùng tay hay bất cứ bộ phận nào khác của cơ thể. Đôi nào ăn hết táo trước thì thắng.

Để tạo sự vui vẻ và nhiều hình ảnh “hiểu lầm” gây cười, các bạn còn những trò chơi như trò “Đâm bóng: Buộc một sợi dây vòng quanh cặp tham gia, ở giữa buộc thêm một sơi dây có treo quả dưa chuột ở đầu cắm một cây kim. Hai người chơi sẽ phải di chuyển khéo léo sao cho dùng đầu kim trên quả dưa đâm thủng quả bóng bay... Cặp nào đâm được càng nhiều bóng thì giành chiến thắng.
Một trò khác cũng không kém phần oái oăm, đó là trò “Nhặt giấy”. Người chơi (nam hoặc nữ) sẽ bị gắn một vật gì đó lên cơ thể, như bắp chân chẳng hạn. Còn người kia sẽ bị bịt mắt và phải tìm ra mảnh giấy đó... Trò chơi càng “nhạy cảm” thì càng gây cười.
Tuy nhiên cũng có những trò đòi hỏi người chơi phải “liều” một chút thì mới thắng được. Ví dụ như trò thi kể tên các bộ phận có dấu sắc, huyền... trên cơ thể. Nêu được một từ thì người nam hoặc nữ phải “hôn” vào bộ phận ấy. Ví dụ, gáy, đùi, má... Nếu không dám hôn, hoặc không kể được là thua... Tùy vào độ thân thiết của các thành viên và tính chất của môi trường hoạt động mà người quản trò có thể cho các bạn chơi những trò chơi như thế này”.

Vui chơi không có lỗi

“Vui chơi không có lỗi”- đó là suy nghĩ của nhiều bạn sinh viên tình nguyện khi được hỏi ý kiến về những trò chơi bị nhiều người đánh giá là “phản cảm”.
Nguyễn Phương Thanh – SV Học viện Tài chính cho rằng, phản cảm hay không là do cách suy nghĩ của mỗi người. Những trò chơi như trên chỉ đã được nhiều thế hệ sinh viên lưu truyền, và thực sự chỉ mang ý nghĩa giải trí không hơn: “Người chơi hoàn toàn tự nguyện, và không phải lúc nào, không gian nào các bạn cũng đưa ra những trò chơi ấy. Chỉ giữa bạn bè, đồng đội vui vẻ với nhau các bạn mới tổ chức những màn vui chơi như vậy.”

Clip SVTN "bú sữa" đang gây tranh luận
Còn Vũ Thanh Nga – SV năm thứ ba ĐH Quốc Gia Hà Nội, chia sẻ: “Thật sự mình nghĩ những trò chơi như vậy không có lỗi. Chúng mình khi chơi với nhau chỉ nghĩ đơn thuần là làm sao tạo được nhiều tiếng cười, nhiều niềm vui trong những lúc đi đường dài, những giờ giải lao sau công việc mệt mỏi. Điều không hay ở đây là các bạn lại để cho những hình ảnh “gây hiểu lầm” ấy vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình, khiến người ngoài dị nghị, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực về sinh viên”.
Bạn Nguyễn Thành Linh – Chủ tịch Hội sinh viên HV Tài chính cho rằng hoạt động của sinh viên tình nguyện có ý nghĩa xã hội và còn mang tính định hướng cho giới trẻ. Vì vậy dù là vui chơi thì các bạn cũng nên lưu ý.
“Bản thân mình là một người hoạt động tình nguyện rất nhiều, cũng đã tham gia không ít những trò chơi nhạy cảm tương tự như thế, hoặc hơn thế. Thực sự các trò chơi này chỉ mang tính giải trí, thoải mái, vui vẻ giữa đồng đội với nhau và chỉ nên “lưu hành nội bộ”, tổ chức giữa nhóm nhỏ, hoặc nhóm bạn thân thiết. Nếu quá nhiều người chứng kiến, nhất là người lớn tuổi hoặc với những người chưa hiểu, họ sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm, không hay”.

Quỳnh Anh