Tỷ lệ người dùng Internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hằng tuần ở Việt Nam (trên 60%) cao hơn mức trung bình toàn cầu (57,6%). Thế nhưng, thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam lại chủ yếu nằm trong tay các nền tảng ngoại. Đây là “bài toán” nan giải mà các doanh nghiệp quảng cáo số Việt cần tìm ra câu trả lời. 

Bài 1: Khi doanh nghiệp lớn vô tình tiếp tay cho web lậu

Bài 2: Quảng cáo số Việt Nam và câu chuyện cạnh tranh với Google, Facebook

Bài 3: Nguy cơ quảng cáo 'bẩn' từ dịch vụ kích view, câu like Facebook, TikTok
 

Ủng hộ chấn chỉnh thị trường quảng cáo trực tuyến

Hoạt động quảng cáo trên mạng tại Việt Nam hiện còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Một số nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo chưa đầy đủ cho cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, có tình trạng các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook buông lỏng việc quản lý người dùng, cho phép họ kiếm tiền bằng cách đặt quảng cáo ngay cả trên những nội dung vi phạm pháp luật. 

Cùng với sự buông lỏng quản lý của các nền tảng, nhiều đại lý quảng cáo còn tâm lý chủ quan, chạy theo lợi nhuận, dẫn đến việc đặt quảng cáo tràn lan, trên cả các trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng. Điều này dẫn đến quảng cáo của nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp bị gắn vào những nội dung xấu độc, sai sự thật, câu view, vi phạm bản quyền.  

"Ông trùm" ngành quảng cáo WPP mới đây đã bị xử phạt 15 triệu đồng vì hành vi đặt sản phẩm quảng cáo vào trang Facebook có nội dung vi phạm pháp luật.

Trước thực tế đó, Bộ TT&TT đã mạnh tay xử lý đối với các nền tảng, đại lý quảng cáo xuyên biên giới đặt quảng cáo của các nhãn hàng vào những trang web vi phạm bản quyền, nội dung bẩn, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước,...

Năm 2023, Cục PTTH&TTĐT đã xử phạt 10 doanh nghiệp và nhắc nhở 15 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có hành vi sai phạm.

Mới đây, Cục PTTH&TTĐT vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP. Công ty này bị phạt do có hành vi cài đặt sản phẩm quảng cáo của 2 nhãn hàng vào nội dung phim “Flight to you” (Hướng gió mà đi) phát trên mạng xã hội YouTube, trong phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp.

Nhờ sự đấu tranh quyết liệt của các doanh nghiệp quảng cáo, thời gian qua, các nền tảng xuyên biên giới đã có sự thay đổi. Họ gặp gỡ, trao đổi với cơ quan quản lý nhiều hơn, triển khai các thuật toán mới để quét, chặn gỡ được nhiều kênh xấu độc. Trong năm 2023, YouTube đã chặn gỡ 25 kênh nội dung phản động, xấu độc, gấp 5 lần so với năm 2022.

Động thái mạnh mẽ của Bộ TT&TT khiến thị trường quảng cáo Việt Nam lành mạnh hơn và nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ từ các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành quảng cáo. 

Chia sẻ với VietNamNet, quản lý một mạng quảng cáo (ad network) lớn tại Việt Nam cho biết, cộng đồng người làm quảng cáo nói chung rất đồng ý với quan điểm cần phải đấu tranh, xử lý các nền tảng, đại lý quảng cáo trực tuyến có hành vi vi phạm pháp luật.  

Các nền tảng, đại lý quảng cáo, dù của Việt Nam hay nước ngoài đều phải có trách nhiệm tuân thủ đúng quy định luật pháp khi kinh doanh. Việc Bộ TT&TT mạnh tay xử lý vấn nạn vi phạm pháp luật của các nền tảng, đại lý quảng cáo là điều chính xác và nên làm”, vị đại diện này chia sẻ. 

Ứng xử sao với vi phạm của các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới?

Theo đại diện một mạng quảng cáo lớn trong nước, các nền tảng xuyên biên giới khi đến Việt Nam đều có mong muốn tuân thủ tốt nhất luật pháp nước sở tại. Tuy nhiên, trong câu chuyện phối hợp xử lý các nội dung vi phạm pháp luật, chúng ta cần phải có định nghĩa, quy định rõ ràng để chỉ ra đâu là những nội dung vi phạm bản quyền hay vi phạm pháp luật Việt Nam. 

"Các nền tảng quảng cáo nước ngoài là những tập đoàn toàn cầu, với những tiêu chuẩn khác Việt Nam. Có thể với chúng ta đó là những nội dung vi phạm nhưng dưới góc độ của họ, điều này chưa hẳn. Trong quá trình làm việc với các nền tảng nước ngoài, cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo ra một định nghĩa rõ ràng về hành vi vi phạm, tránh việc ấn định nội dung vi phạm theo kiểu mơ hồ, chung chung, cảm tính”, đại diện một mạng quảng cáo lớn tại Việt Nam nhận định. 

Các mạng quảng cáo xuyên biên giới như Google, Facebook hiện chiếm phần lớn thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Góp ý thêm cho câu chuyện này, một đại lý quảng cáo trong nước cho rằng, các mạng quảng cáo xuyên biên giới thường xử lý công việc theo quy trình. Với nhiều vấn đề, ngay cả người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của các nền tảng này cũng không quyết được. Do vậy, khi làm việc với những “Big Tech” như Google, Facebook,... cơ quan chức năng cần phải xử lý đúng luồng, gặp đúng người có quyền ra quyết định mới giải quyết được vấn đề.

Trong trường hợp nền tảng nước ngoài đặt quảng cáo không đúng chỗ, tiếp tay cho các nội dung xấu độc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội nhưng có thái độ bất hợp tác, lúc ấy, cơ quan quản lý cần phải xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật.