- Bài “Nói và làm: Khi lãi suất không thèm chấp lạm phát” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:
Giải thưởng cho 'Tình yêu và những đồng tiền lấp lánh'
Rút tiền Tết "chết" vì… máy ATM
6 triệu đồng đến với cậu bé bỏ học nuôi mẹ liệt giường


Vay lãi suất cao: Trả nợ thay người không trả được nợ?

Email tvgtqt@gmai.com viết: “Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tuyên bố ‘đối với các doanh nghiệp lành mạnh thì lãi suất 25% là bình thường’. Xin hỏi Thống đốc: Doanh nghiệp kinh doanh cái gì có được lãi 30% để trả lãi ngân hàng?”

Theo ý kiến email alibaba@yahoo.com thì: “Lãi suất cho vay của ngân hàng ở ta gấp 10 lần so với Mỹ. Vậy các giám đốc ở ta phải giỏi gấp 10 lần thì mới kham nổi lãi suất khủng này. Nhưng thực tế giám đốc ở ta không thể giỏi hơn giám đốc ở Mỹ, vậy làm sao họ tồn tại được trong điều kiện này? Quả là bí ẩn?”

Ảnh minh họa
Đồng cảm với các ý kiến trên, email abcdefg12345678@gmail.com viết: “Ông Nguyễn Văn Bình nói như vậy, thiết nghĩ doanh nghiệp vay ngân hàng lãi suất 25% thì mọi chi phí sẽ dồn lên đầu ai? Chắc chắn người dân sẽ phải gánh chịu hết tất cả.”

Email hqt8864@gmail.com tiếp cận theo góc độ khác: “Ông Thống đốc NHNN nói ‘không có lợi ích nhóm trong điều hành của NHNN’! Chẳng lẽ ông lại nói là ‘có’? Vấn đề là ông đang điều hành như thế nào?”

Đây là ý kiến của email hoa9055@yahoo.com.vn: “Tôi không nghĩ ông thống đốc lại có thể nói như vậy. Mấy ông ngân hàng đang lột dần dần túi của các doanh nghiệp.”

Còn đây là những phân tích của bạn đọc Phan Bảo Lâm (email phan_lam15@yahoo.com): “Lãi suất cao để đảm bảo tính thanh khoản". Thế thì ngân hàng tốt và xấu như nhau, chả ai phá sản. Nợ BĐS, nợ chứng khoán không thu hồi đúng hạn, lẽ ra là ngân hàng phá sản ầm ầm rồi. Để đảm bảo thanh khoản thì nâng lãi suất cho vay lên bù vào các khoản nợ xấu. Điều đó có nghĩa là người vay tiền lãi suất cao phải trả nợ thay cho người vay tiền không trả được nợ, ngân hàng chỉ là bên trung gian đứng giữa huy động và cho vay không chịu trách nhiệm gì cả. Nói trắng ra, ai vay tiền chịu lãi suất cao là đồng thời trả lãi thay cho các ông chủ BĐS đang bị đóng băng, trả nợ thay cho các công ty chứng khoán đã, đang và sẽ sụp tiệm. Với sự bao che, bao cấp, bao biện của NHNN như thế thì hệ thống ngân hàng của Việt Nam, dù chủ sở hữu là ai, Nhà nước, tư nhân, cổ phần, .....đều như nhau n trong 1, không có cạnh tranh, không có hạch toán độc lập, tất cả là 1 tập đoàn dây mơ rễ má với nhau thành 1 cục, "sống chết mặc…doanh nghiệp, ngân hàng vẫn lãi.”

Email dothanhdvs@yahoo.com.vn tán đồng: “Phan Bảo Lâm phân tích chí lý, tôi theo dõi và rất tâm đắc. Tôi xin thêm đôi lời: Lúc này người làm giả cũng ‘chết’, làm thật cũng ‘chết’ và không làm gì cũng ‘chết’. Thật chẳng còn gì bình luận nữa.”

Nhưng ý kiến của email han@yahoo.com hoàn toàn khác: “Thống đốc NHNN nói đúng. Doanh nghiệp mà chỉ kinh doanh toàn bộ trên vốn vay là có vấn đề. Nếu họ chỉ vay khoảng 30% trong tổng nguồn vốn với lãi suất 25% thì không đến nỗi mệt vì lãi suất. Chỉ có những doanh nghiệp ‘sống’ bằng tiền vay thì mới phải ‘chết’ vì lãi suất.”

Nền kinh tế không thể để hệ thống NHTM bắt làm ‘con tin’?

Bạn Phạm Ngọc Phú (email phuibs@yahoo.com) viết: “Lãi suất là giá của vốn; tuy nhiên vốn lại là một hàng hóa đặc biệt bậc nhất quyết định đầu vào sản xuất kinh doanh. Bởi vậy Chính phủ nhiều nước đã dùng luật pháp can thiệp vào lãi suất, ví dụ như Trunng Quốc luật pháp quy định trần lãi suất tiền gửi không vượt quá 3%/năm, từ đó khống chế lãi suất cho vay của Ngân hàng; ngay cả Hoa Kỳ, mặc dù lãi suất rất thấp so với Việt Nam, nhưng dư luận kinh tế cũng vẫn trách Nhà nước Hoa Kỳ đã sớm dỡ bỏ luật khống chế lãi suất tiền gửi. Để sớm giải quyết vấn đề lãi suất cần phải sớm cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại; nền kinh tế Việt Nam không thể để hệ thống ngân hàng thương mại bắt làm ‘con tin’ được.”

Đây là phân tích của email hongoogle@yahoo.com: “Nhìn trên bình diện tổng quát, các biện pháp can thiệp của Ngân hàng nhà nước vừa qua đã gây hệ lụy: Cấm giao dịch vàng và USD, trong tức thời thì người dân và DN sẽ phải dùng VNĐ. Nhưng lượng VNĐ trong dân lại không đủ để chuyển đổi các giao dịch từ vàng và USD, thì tất nhiên gây ra tình trạng mất thanh khoản VNĐ trên toàn thị trường, bao gồm cả ngân hàng.
Cách đảm bảo tính thanh khoản trong lúc này là tung thêm tiền ra thị trường. Nhưng nếu làm thế, mục tiêu chống lạm phát coi như không còn ý nghĩa! Hay nói đúng hơn, đạt
được mục tiêu giảm lạm phát theo cách này chỉ là một giá trị ‘ảo’!

Mà hễ cứ giảm tính thanh khoản tài chính trên diện rộng, là đặt một chân vào quá trình co cụm kinh tế. Sản xuất bị tác động mạnh nhất của quá trình co cụm; thất nghiệp tăng, các ngành sản xuất thiếu hiệu quả, người lao động phải làm nhiều hơn, trong khi phải tiêu dùng ít đi, phải sống trong cảnh thắt lưng buộc bụng. Nhưng các thể chế tài chính thì không, vì họ có công cụ lãi suất trong tay và được nuông chiều!”

Chia sẻ với các ý kiến trên, email quangabc123@gmail.com viết: “Từ đầu năm 2007 đến nay, sau mấy đợt lạm phát kỷ lục, doanh nghiệp sản xuất, thương mại cần ít nhất lượng VNĐ gấp đôi cách đây 5 năm chỉ để duy trì một công việc như cũ. Giá cả cao vọt làm tiền tiết kiệm của người tiêu dùng bị hao tổn đáng kể, không còn dư giả để gửi ngân hàng thoải mái nữa. Từ đó có thể thấy chênh lệch giữa cầu và cung tiền lớn đến mức nào. Thêm vào đó chính sách điều chỉnh lãi suất bằng mệnh lệnh của NHNN phần nào cũng hạn chế lượng tiền gửi làm cho tiền trong hệ thống ngân hàng ngày càng khan cả VNĐ lẫn ngoại tệ."Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng" ngày càng trở nên một nhiệm vụ khó khăn nếu vẫn sử dụng cách cũ-tăng đầu tư thông qua bơm tiền-một biện pháp đắt đỏ và gây hại nhiều hơn đem lại lợi ích. Thực tế đòi hỏi rát rao cải cách phương pháp điều hành của từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế: Phải tạo ra hàng hóa và dịch vụ có khả năng cạnh tranh hơn nữa. Phải thoát ra cái vòng CK-BĐS-NH luẩn quẩn đã lỗi thời.”


Theo email dothanhdvs@yahoo.com.vn thì: “Câu chuyện lãi suất và doanh nghiệp trực tiếp sản suất tạo ra của cải vật chất cho xã hội hiện nay là vấn đề không nhỏ mà là rất lớn. Với lãi suất này đã ăn vào vốn chủ với tốc độ rất nhanh ví như di căn, nếu không xử lý kịp thì đến 80 % doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sẽ phải bàn giao nhà máy cho các chủ nợ là ngân hàng không còn cách nào khác, đó là sự thực và ngân hàng liệu ôm đống tài sản này có trở thành nợ xấu hay không? Liệu ngân hàng có vận hành nó để tiếp tục sản xuất hay không? Vì nhà máy nó không giống BĐS.”

Giọng email hungquoctruong@gmail.com như tiếng thở dài: “Tất cả là qui luật cung cầu. Tiền vốn thì có hạn mà ai thì cũng muốn vay thì lãi suất tăng là tất yếu! NHNN không thể tùy tiện ‘in’ tiền vì sẽ làm cán cân tỷ giá bị biến động mạnh (một căn nguyên của lạm phát).”

Email dothanhdvs@yahoo.com.vn lo ngại: “Nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài chừng nửa năm nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ ‘chết thật’ chứ không chỉ là ‘chết lâm sàng’. Mức lãi suất 21-23%/năm là con đường ngắn nhất dẫn các doanh nghiệp sản xuất đến chỗ ‘tự sát’. Nhưng liệu ngân hàng có chịu hy sinh món lời ‘khủng’ do huy động 14% và cho vay 22%, hay không?”

“Rõ ràng NHNN đang có động thái cứu các NHTM, điều này cũng là hợp lý thôi bởi nền kinh tế ổn định thì mới phát triển được. Nhưng ...những NHTM vừa được cứu lại chia nhau mức thưởng ‘khủng’ trong khi nền kinh tế hết sức khó khăn thì đúng là một điều xã hội không thể chấp nhận được”, đó là ý kiến của email thanhthao912000@yahoo.com.

Ban Bạn đọc