-  Sau khi đọc bài “Đường bay thẳng: Thực tế không cho phép”, nhiều bạn đọc đã gửi  email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC

TS Trần Đình Bá trình bày" Dự án hạch toán
kinh doanh có lãi cho Hàng không quốc gia VN thep phương pháp Trần
Đình Bá" tại cuộc họp do Bộ GTVT tổ chức

Hàng đầu là: An toàn và kiểm soát sự an toàn

Bạn đọc Anh Quý (email quyanhnguyen47@yahoo.com) viết: “Chuyện này hấp dẫn, khoa học nên mới  mở hội nghị để bàn luận. Tuy nhiên có lẽ không có một thí nghiệm nào được đưa ra  bởi vì an toàn là hàng đầu, sinh mạng con người là tất cả. Về đường bay thẳng có ích cho kinh tế mà các yếu tố an toàn thì còn thấp.”

Theo email tonglaithach@yahoo.com thì: “Thực tế các đường bay trong nước là tối ưu rồi, không thể hơn được nữa. Bài viết có nêu: Với máy bay A320, ‘đường bay vàng’ do ông Bá đề xuất Hà Nội -TP. HCM sẽ tiết kiệm được 1.229kg nhiên liệu. Con số rất vu vơ! Ông Bá có biết muốn tiết kiệm nhiên liệu bay phải phụ thuộc nhiều yếu tố như thời gian bay, độ cao bay, trọng tải máy bay, trọng tâm máy bay,vv….Đề nghị chấm dứt tranh luận vô bổ.”

Giọng email boxthongtin@yahoo.com ‘nóng nảy’: “Ông nào đòi bay theo đường bằng cách kẻ đường thẳng giữa hai thành phố là không biết gì về chuyên môn hoặc kiến thức phiến diện.”

Bạn đọc Mạnh Đức (email zung010@yahoo.com.vn) cho rằng: “Bầu trời không phải là vô chủ, hoặc là của chung. Mỗi quốc gia đều có không phận, chủ quyền, thương quyền riêng. ‘Đường bay vàng’ (bay thẳng) chỉ là những dòng công thức toán học khô khan và ấu trĩ, bài toán các vị đề xuất chỉ nên và chỉ có thể áp dụng cho các tuyến xe buýt, taxi nội địa thôi.

Cần tôn trọng ý kiến của các vị bên Bộ quốc phòng và Cục hàng không. Đường bay của một quốc gia không thuần túy là các chuyến xe đò khai thác cước lưu thông, phía sau nó còn là an ninh quốc phòng, kinh tế và cả chính trị nữa.  Ví thử ông Trần Đình Bá chạy tim nhân tạo, để tiết kiệm chi phí, ông có dám găm dắc cắm điện sang nhà hàng xóm không?


Hãy tuân thủ kết luận của Thủ tướng Chính phủ: dừng các cuộc nghiên cứu.”


Đây là ý kiến của email namtran_162@gmail.com: “Bác Trần Đình Bá có tham khảo công thức tính khác để con góp thêm. Ta gọi:
1). Az + By = C1hh (là công thức đang áp dụng)
2). Az + By = C2hh (là công thức tính theo cách của bác Bá)

Chỉ dùng (2) khi và chỉ khi C2hh >> C1hh

** Với C1hh và C2hh là tổng lợi ích:Từ việc lợi nhuận xăng dầu, nhân công, hoa hồng môi giới ...”


Email thuanphong34@yahoo.com tỏ ra hài hước: “Nếu nói an toàn được đặt lên hàng đầu thì bay trong đất liền có thể an toàn hơn, chẳng may máy bay bị trục trặc kỹ thuật còn… có đất  mà hạ cánh, chứ hạ cánh xuống biển thì… mất tăm luôn như chiếc tàu chở Niken đấy.

"Có lợi hay không thì cho bay thử là biết ngay thôi.”

Email viet_thanh1968@yahoo.com phụ họa: “Bộ Giao thông vận tải nên cho thử nghiệm vì thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm định lý thuyết.”

Ý kiến của email nmkien243@yahoo.com: “Ngành hàng không hoàn toàn có thể đánh giá tính khả thi của đề xuất này. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ:

1. Số liệu đầu vào (về cự ly giữa các sân bay và đường bay hiện tại, có thể kiểm tra tương đối bằng google earth) không có thực tiễn, thậm chí thiếu những yếu tố căn bản nhất trong khai thác bay. Vậy mà không hiểu tại sao lại được đưa ra tranh cãi quá nhiều, tương tự như chúng ta tranh cãi (không cần ý kiến các nhà chuyên môn) về đường nào lên Mặt Trăng gần nhất?

2. Bên cạnh tính chất lý tưởng mà ai cũng biết, còn rất nhiều yếu tố mà đa số chúng ta không biết, phải tính đến khi thiết lập đường hàng không. Nên để cơ quan có chức năng và chuyên môn làm việc.”


Bạn đọc Phan Bảo Lâm (email phan_lam15@yahoo.com) phân tích: “Nếu nói đường thẳng tiết kiệm về kinh tế thì tại sao người ta không bay thẳng hay vận chuyển hàng hải xuyên đại dương mà cứ nhất định phải bay từ sân bay đến sân bay hoặc đi dọc bờ biển, vừa mất thời gian vừa lãng phí nhiên liệu? Rõ ràng vấn đề an toàn và kiểm soát sự an toàn được đặt lên hàng đầu. Máy bay hoặc con tàu đi xuyên đại dương, chẳng may gặp tai nạn thì giải quyết thế nào? Chả lẽ đợi đến khi máy bay rơi, chìm tàu thì mới có cứu hộ đến giải quyết?

Muốn cho ‘đường bay vàng’ thực sự là vàng thì phải xây hàng loạt sân bay tạm dọc theo đường bay này, ai chịu chi phí xây sân bay, ai chịu chi phí đào tạo nhân viên kiểm soát không lưu, ai chịu đến những sân bay đó làm nhiệm vụ (3 phần tư số sân bay này xây trên miền cao ở những vùng hẻo lánh ít người dân cư thưa thớt). ‘Đường bay vàng’ này chưa hẳn là kinh tế, vì phải nâng độ cao lên thêm nữa (vì mặt đất phía dưới đã có độ cao có nới đến cả nghìn mét so với mực nước biển). Việc nâng độ cao này lại chả tốn nhiên liệu à? Không khí càng lên cao càng loãng, áp suất không khí càng giảm, liệu hành khách bình thường (chưa từng trải qua huấn luyện nghiêm khắc của phi công quân sự) có thể chịu đựng được không?

Chở người chớ có phải chở hàng hóa máy móc đâu mà tính bằng công thức toán học với lại công thức vật lý?”


Lời cho VNA có đủ bù lỗ của quốc gia không?


Chưa ‘bị thuyết phục’ bởi ý kiến trên, email ndthangndt@yahoo.com viết: “Những lập luận về an toàn, chủ quyền và an ninh đường bay để từ đó bác bỏ những phân tích về hiệu quả kinh tế và bác bỏ một ý tưởng mới theo tôi là chưa đủ thuyết phục công luận. Nếu thế tại sao hàng ngày trên thế giới có hàng nghìn, hàng vạn chuyến bay quốc tế xuyên qua nước này, nước khác để làm gì? Đề xuất của ông Bá cũng là đề xuất về ‘đường bay vàng’ của một phi công dày kinh nghiệm trước đây. Còn nếu viện dẫn ý kiến trước đây của Thủ tướng để bác bỏ một đề xuất khoa học có lợi cho quốc gia, cho nhiều triệu khách hàng, cũng không phải là một căn cứ khoa học. Vì quyết định của Thủ tướng cũng là do những cơ quan hiện đang liên quan đến vấn đề này chắp bút, soạn thảo. Tại sao ta không mời một đơn vị tư vấn nước ngoài đến để đánh giá cho khách quan? Tại sao ta lại không thực hiện bay thử nghiệm để đánh giá cho khách quan hơn, có tính thuyết phục hơn?”

Bạn đọc Phan Bảo Lâm (email phan_lam15@yahoo.com) một lần nữa ‘lên tiếng’: “Người ta có thể mở đường bay xuyên quốc gia vì đó là tuyến bay dài, mỗi nước kiểm soát 1 đoạn xuyên qua lãnh thổ nước họ. Còn cái gọi là ‘đường bay vàng’ bắt đầu từ Việt Nam qua Lào, Campuchia lại trở về Việt Nam với cự ly chỉ hơn nghìn cây số (trong đó đoạn xuyên qua Campuchia rất ngắn chỉ hơn trăm cây số) phải bỏ tiền ra thuê kiểm soát viên không lưu của họ, liệu có đáng không? Họ không có người thì ta lại phải đào tạo miễn phí cho họ, có đáng không? Sân bay tạm để bảo đảm tính an toàn cũng phải xây trên lãnh thổ nước ngoài, làm lợi cho mình thì ít, cho họ thì nhiều, có đáng không? Bình thường thì chả ai tranh chấp, khi có chuyện, họ trưng dụng những sân bay này vì chúng được xây trên lãnh thổ của họ, chả phải ‘cốc mò cho cò xơi’ à? Việt Nam mình chả giàu đến mức có thể bao cấp cho nước khác.

Đã nói đến lợi ích kinh tế thì đừng chen những chuyện khác vào. VNA lời mà quốc gia lỗ thì còn gì gọi là kinh tế. Lời cho VNA có đủ bù lỗ của quốc gia không? Nếu đủ thì mời các vị cứ tự nhiên mà làm, chả ai ý kiến ý cò gì cho mệt. Ông Bá khi nêu ra ý kiến chỉ nhằm vào lời lỗ của VNA không nói rõ quốc gia được lợi gì? VNA là 1 doanh nghiệp, chỉ vì chống lỗ cho VNA mà phải bỏ tiền thuế của dân ra thì có khác gì bù lỗ cho xăng dầu, điện nước. DNNN to mà không tự đứng được, tìm mọi cách bòn rút ngân sách tạo lợi ích cục bộ là loại kinh tế gì?

Mặc dù nhiên liệu chiếm 1 phần 3 chi phí vận chuyển, việc tiết kiệm nhiên liệu là rất khó khăn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan (độ dài đường bay, độ cao, thời gian chờ hạ cánh, điều kiện thời tiết, trình độ tay nghề của phi công, tuổi thọ của máy bay...), lấy lý do này ra để giảm lỗ là khó khả thi. 2 phần 3 chi phí còn lại là chi phí mặt đất, chi phí quản lý VNA đã làm tốt chưa? Bộ máy cồng kềnh, lương lậu cao quá đáng sao không tinh giản, rút gọn đi mà cứ nại vào chi phí nhiên liệu? Chừng nào mà VNA được 1 tổ chức quốc tế có uy tín nào đó xếp hạng là 1 trong 10 hãng hàng không hàng đầu (chỉ cần châu Á thôi, khỏi cần phải ở mức thế giới) về mọi mặt, thì lúc ấy bàn đến ‘đường bay vàng’ cũng không muộn. VNA còn mất lòng khách trong nước thì nói gì đến hạng top. Tiền thuế của dân bỏ ra phải mang lại lợi ích cho dân chớ không phải cho riêng VNA. Doanh nghiệp không tự xây dựng được uy tín thương hiệu, luôn ỷ lại vào Nhà nước, cớ gì phải nuông chiều?”

Ý kiến của email hoangtaibmt@yahoo.com: “VNA thua lỗ một phần do lạm phát tăng cao làm giá cả xăng, dầu, lương chi trả tăng, kéo theo đời sống nhân dân khó khăn, nên đi máy bay được xem là thứ xa xỉ, nhiều đường bay khai thác không hiệu quả. Thua lỗ là đúng.”

Theo bạn đọc Lê Hữu Hải (email lantungbua@yahoo.com) thì: “TS Trần Đình Bá đưa ra vấn đề này thì không thể không nghiên cứu cẩn thận. Nếu không có cơ sở thì không bao giờ có đại diện này nọ trả lời đâu. Tất nhiên phải bình tĩnh, thật là cầu thị của cơ quan chức năng nghiên cứu tiếp chứ chưa gì đã bị những bộ não tuy có quyền nhưng bảo thủ đè ngang rồi, thì ‘chết non’ là cái chắc. Tôi ủng hộ TS Bá”

Đồng tình với ý kiến trên, email nguyenvanduc6688@yahoo.com.vn viết: “Tôi thiết nghĩ chúng ta cần thật nhiều những đóng góp của mọi người như tiến sĩ Trần Đình Bá.”

“Ngành hàng không nói có  nhiều yếu tố chưa thể đánh giá, đó là những yếu tố gì vậy? Theo tôi sử dụng không phận nước ngoài  trên cơ sở nếu hạch toán đạt lợi ích kinh tế cao thì vẫn tốt. Nếu cho rằng vì lý do an ninh thì tôi mong rằng hàng không dân dụng Việt Nam tham gia giám sát vùng biển Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển
”, đó là ý kiến của email vanminh@yahoo.com.


Ban Bạn đọc