- Ngày 5/5 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc đánh giá công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2011.

Tham gia hội nghị có gần 500 đại biểu, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo các cơ quan báo chí. Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã đến dự và chỉ đạo.

Góp phần thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội

Đánh giá hoạt động báo chí năm 2010, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhận định: báo chí đã thông tin kịp thời, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và quốc tế. Tuyên truyền hiệu quả các sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của đất nước và quốc tế như Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc, tuyên truyền sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thông tin báo chí đã tạo được không khí phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tạo đồng thuận trong xã hội.

Nhiều cơ quan báo chí đã năng động, tích cực trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác…

Theo Thứ trưởng Doãn, tất cả các loại hình báo chí đã chủ động tích cực tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, ngăn chặn suy giảm, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. “Báo chí đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, kịp thời phát hiện và biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến”, ông nhấn mạnh.


Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, hoạt động báo chí năm qua cũng bộc lộ một số khuyết điểm, thiếu sót, như thông tin sai sự thật, chạy theo thị hiếu kém lành mạnh, đưa đậm thông tin về mặt trái, tạo tư liệu để các thế lực thù địch lợi dụng bôi nhọ chế độ.

Về công tác quản lý báo chí, đáng chú ý là cơ quan quản lý báo chí ở TƯ đã chủ động trong công tác định hướng thông tin, nhất là đối với các sự kiện lớn, sự kiện đột xuất, sự kiện phức tạp, nhạy cảm.

Hội nghị đã tập trung thảo luận phân tích nguyên nhân thành tựu cũng như khuyết điểm, yếu kém, xác định phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2011.

Sửa Luật Báo chí

Phát biểu chỉ đạo, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2011. Đó là, tuyên truyền việc học tập, quán triệt những nội dung cơ bản quan trọng của nghị quyết đại hội XI, các văn kiện chủ yếu của đại hội XI của Đảng, đưa văn kiện vào cuộc sống.

Tập trung tuyên truyền cho hai tuần vận động bầu cử, cũng là chặng quan trọng nhất của cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND sắp tới, động viên nhân dân thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị và Chính phủ về kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài ra, báo chí cần tuyên truyền cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, 70 năm người trở về lãnh đạo cách mạng. Nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của những người làm báo, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ động, tích cực, kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch,

Trước đó, trong báo cáo đọc tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng lưu ý, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm nay là bảo đảm chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng báo chí thiếu nguồn thông tin chính xác.

Đi liền với đó, nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của báo chí. Thông tin báo chí phải góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận về tư tưởng, nhận thức và hành động, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Để công tác quản lý báo chí và hoạt động báo chí đảm bảo các yêu cầu đặt ra, báo cáo kiến nghị Chính phủ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo về một số định hướng lớn để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, vì sau 12 năm thực hiện, Luật Báo chí hiện hành có một số điều chưa phù hợp với sự phát triển báo chí hiện nay và những năm tới.

Đặc biệt, cho phép tổng kết Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm cho báo chí được cung cấp đầy đủ các thông tin chính xác, chính thống. Đồng thời, đề nghị Ban Bí thư chỉ đạo việc sơ kết, đánh giá thực hiện Quyết định 75 ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư để có sự điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm phù hợp với các quy định trong các văn bản của Nhà nước.

  • Ngọc Lê