Một người phụ nữ mặc quần áo của người anh đã mất để đi làm việc trong nhiều tháng sau 11/9. Người khác lại bắt đầu một sự nghiệp rực rỡ khi trở thành bác sĩ trị liệu. Hãy xem cuộc sống của họ bị ảnh hưởng thế nào từ những vụ tấn công làm chấn động thế giới cách đây một thập niên.

Margaret Chin

Chính khách

Trong những năm qua, Margaret Chin đã cố gắng giúp đỡ khu vực và những người dân ở quanh Trung tâm thương mại thế giới hồi phục sau thảm họa.

Margaret Chin nhớ như in buổi sáng ngày 11/9/2001. Đó là ngày bầu cử và bà đang là ứng viên Dân chủ đại diện cho vùng Hạ Manhattan vào hội đồng thành phố. Bà thức dậy lúc 5h sáng và tự bỏ phiếu cho mình tại khu vực bầu cử ở góc phố nơi bà ở, gần Trung tâm thương mại thế giới. Sau đó bà đi taxi tới phố Trung Quốc, qua tòa tháp đôi. Ngay khi tới điểm bỏ phiếu, bà nghe thấy tiếng nổ lớn. Chiếc máy bay đầu tiên lao vào tòa tháp. "Chúng tôi nghĩ có chiếc xe tải lớn bị nổ lốp. Sau đó mọi người lao ra từ Vùng số không, người kín bụi trắng".

Sau đó, bà tìm cách trở lại nhà của mình, con đường kín bụi. "Chúng tôi mở cửa sổ buổi sáng hôm ấy, một ngày đẹp trời. Điều gì đã xảy ra, thật khác lạ?".

Suốt 10 năm qua, Chin đã cố gắng trả lời câu hỏi ấy, làm việc hết mình để giúp đỡ khu vực và người dân quanh tòa tháp đôi hồi sinh sớm nhất có thể. Trong mắt bà, 11/9 là thảm họa của con người, mất mạng, mất nhà, mất việc và cuộc sống bị đảo lộn. "Cuộc sống hàng ngày trở nên cực nhọc vì đường bị phong tỏa, an ninh thắt chặt, khách du lịch cũng biến mất".

Chin từ Trung Quốc đến New York khi chín tuổi, lớn lên ở phố Trung Quốc trước khi chuyển tới quảng trường Hanover, khá gần với Vùng số không.

Cuộc bầu cử hôm đó phải hoãn lại giữa hỗn loạn và được tổ chức lại sau hai tuần. Bà thất bại, cho dù vẫn tự hỏi liệu những sự kiện xảy ra nhấn chìm thành phố hôm ấy có tác động tới cuộc tranh cử. Tám năm tiếp theo, bà dùng năng lượng của mình để làm việc cho một quỹ từ thiện mà bà làm giám đốc với nỗ lực tái thiết cộng đồng. Tới 2009, bà đã thành công khi được bầu làm đại diện vùng Hạ Manhattan trong hội đồng thành phố.

Công việc của bà tiếp tục bị ảnh hưởng bởi 11/9. Ví dụ như sức khỏe của người dân địa phương khiến bà quan tâm. Bà cũng bị chứng dị ứng ngoài da và gặp vấn đề về hô hấp. Bà giúp người khác tiếp cận được quỹ liên bang cho chăm sóc y tế cho dù vẫn đang đấu tranh để chính quyền công nhận ung thư cũng nằm trong số các bệnh gây ra bởi 11/9. Chin nói, mỗi ngày, những người bà gặp vẫn chịu đựng những vết thương thể xác hay tinh thần. Nhưng một số yếu tố tích cực đã xuất hiện từ thảm họa. Giờ đây có 56.000 người sống ở Hạ Manhattan - gấp đôi so với năm 2001. "Vấn đề đau đầu nhất của chúng tôi bây giờ là cần thêm nhiều trường học", bà mỉm cười và nói.

Marian Fontana  và con trai Aidan

Người phụ nữ mất chồng

Sau khi chồng của Marian Fontana, người lính cứu hỏa Dave tử nạn ngày 11/9, cuộc sống của cô hoàn toàn đảo lộn, nhưng vượt qua nó, cô luôn thề không bao giờ quên. Cô kể:

"Không bao giờ quên!" trở thành khẩu hiệu của vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới, một lời kêu gọi người Mỹ đoàn kết và nhớ về sinh mạng của gần 3.000 người. "Không bao giờ quên" được in ở khắp nơi. Và nỗi đau với cả quốc gia, cá nhân mỗi người cần phải quên, và làm thế nào để một người tiến lên được phía trước và luôn luôn tưởng nhớ? Với tôi, đó là cuộc tìm kiếm cả một thập niên câu trả lời.

Chồng tôi là một người lính cứu hỏa tử nạn vào ngày 11/9. Gần đây, tôi đã kể cho bác sĩ trị liệu về câu chuyện 11/9, người đã lắc đầu khi tôi hỏi làm thế nào khi tôi thấy chồng mình thiệt mạng qua tivi và cảnh hỗn loạn hiện hữu khắp nơi. Tôi kể cho bác sĩ về bạn bè, gia đình, về những người lính cứu hỏa đã tới chật nhà tôi, về đám tang, về cuộc viếng thăm Vùng số không, về cuộc gặp với Rudy Giuliani, Hillary Clinton, Eliot Spitzer và Thống đốc George Patak. Có những chuyến đi đến Nhà Trắng, tới Hawaii, tới Ireland để rắc tro của Dave khi một phần thi thể anh được tìm thấy. Không bao giờ quên!

Trong 10 năm kể từ khi mất Dave, tôi đã tham gia một tổ chức phi lợi nhuận, viết hai cuốn sách, làm người tình nguyện, gặp hai tổng thống, tập yoga, mua một ngôi nhà, sống sót sau bệnh ung thư vú, góp phần mở một bảo tàng ở Vùng số không... và nuôi con trai tôi Aidan.

Bác sĩ trị liệu nói tôi hãy cố gắng bận rộn để quên đi những đau đớn về cái chết của Dave. Không bao giờ quên!

Tôi gặp Dave trong năm đầu tiên học đại học nơi cả hai chúng tôi sống trong khu ký túc xá trường nghệ thuật. Anh ấy là nhà điêu khắc sống ở tầng trên, còn tôi là một nghệ sĩ sống ở tầng dưới. Chúng tôi kết hôn 10 năm sau đó, ngày 11/9/1993, hai năm sau khi Dave trở thành lính cứu hỏa. Anh ấy chọn ngày này vì thích nói với mọi người rằng, chúng tôi cưới nhau vào ngày 9-1-1. Con trai của chúng tôi sinh ra ba năm sau đó, và tôi hiểu rằng Dave là người cha tốt nhất của Aidan. Tình yêu của anh dành cho con vượt qua mọi sự mong chờ của tôi. Mỗi khi Aidan thức giấc là lúc Dave thì thầm vào tai con "Cha yêu con". Không bao giờ quên!

Tôi đã cố gắng chăm chỉ để trở lại con người như tôi trước đây. Khi nỗi cô đơn trở nên quá sâu sắc, tôi đã cố gắng hò hẹn, nhưng cảm giác "Không bao giờ quên" lại tràn ngập. Tôi đã cố không đề cập tới Dave nhưng cảm thấy rất khó khăn. Cho dù vậy, tôi vẫn tin rằng, cuộc sống khi nào đó sẽ dễ dàng hơn.

Aidan 5 tuổi khi Dave tử nạn, và tôi ngạc nhiên khi con vẫn giữ tinh thần sau tất cả những gì xảy ra. Con thông minh và vui nhộn, chọc tôi cười kể cả khi tôi không muốn. Giống như cha, con là một nghệ sĩ tài năng và rất thành thực. Vài năm qua, con có những thiên hướng chính trị, bắt đầu đưa ra những câu hỏi phức tạp về cái chết của Dave và những hoạt động chính trị vô tận quanh 11/9. Tháng 5, con khiến tôi lo lắng khi gọi cho tôi từ trường học. Đó là khi tin tức bùng nổ về việc Bin Laden đã chết. Con thấy buồn khi bạn bè phấn khích và chúc mừng con. Con không muốn nói về điều đó và nói rằng con cảm thấy buồn. Tôi biết chính xác điều con muốn nói. Không bao giờ quên.

Tôi sẽ Không bao giờ quên. Làm thế nào để có thể quên tình yêu trong cuộc sống của bạn. Nhưng Dave sống trong tim tôi một cách khác, như một sự hiện diện yêu thương nhắc nhở tôi rằng, dù cuộc sống có nhiều thách thức, nhưng tôi thực sự may mắn!

(Còn tiếp)

Thái An (theo Guardian)


Chuyến bay 93 và Shanksville: Phần bị lãng quên của 11/9
Chiều 11/9/2001, Scott Goldsmith là một trong những phóng viên đầu tiên được phép tới nơi gặp nạn của chuyến bay số 93, nơi chỉ cách mục tiêu bọn khủng bố định tấn công khoảng 20 phút bay.
 
Bộ sậu của George W. Bush, 10 năm sau 11/9
Những câu nói nổi tiếng của họ, các phản ứng muộn màng từ một nhóm các nhân vật đã lấy được thiện ý của thế giới sau sự kiện 11/9 và làm tiêu tan nó bởi cuộc chiến Iraq.
 
Người Australia học được gì từ 11/9
Đó là vào cuối đêm ở Australia và rất nhiều người không biết về sự kiện kinh hoàng xảy ra ở Mỹ cho tới hôm sau.