Trừ phi có thay đổi vào phút cuối, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Asean tại Bali vào tuần này. Chuyến đi của ông diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở châu Âu, nơi số phận đồng euro và sự thống nhất của EU bị nghi ngờ hơn bao giờ hết.

Bài viết của tác giả Brad Nelson và Yohanes Sulaiman đăng trên thejakartaglobe.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời Washington, bắt đầu chuyến công du 9 ngày tới châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters

Với nền kinh tế Mỹ còn đang trong tình trạng lộn xộn, châu Âu giờ đây buộc phải đề nghị Trung Quốc trợ giúp kinh tế. Quả thực, những dự đoán cho kinh tế Mỹ vẫn khá tồi tệ, và người ta ngày càng hoài nghi rằng, Mỹ có thể làm điều gì đó để đưa thế giới thoát khỏi sự trì trệ kinh tế.

Nhấn mạnh tính phức tạp của tình hình, sẽ còn có một cuộc gặp gặp Asean cộng ba (Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc) đúng vào thời điểm Asean - Mỹ gặp gỡ. Có nghĩa là, ông Obama sẽ được đặt trực tiếp vào con đường của "cỗ xe lu" kinh tế Trung Quốc. Có một số tin tức tốt với Mỹ, như sự tỉnh giấc của một số quốc gia châu Á, trong đó có sự trỗi dậy của người khổng lồ Ấn Độ, hướng về Trung Quốc. Nhưng thông điệp ẩn chứa trong thỏa thuận của hội nghị thượng đỉnh rõ ràng là: ông Obama không thể rời mắt khỏi cuộc chơi ở châu Á.

Thực tế là, bản thân Trung Quốc đang trải qua một số vấn đề kinh tế của chính mình. Trong khi tăng trưởng nước này vẫn ở mức cao trên thế giới, thì có nhiều dự đoán con số ấy sẽ giảm 0,5% năm nay và tương tự như thế vào năm 2012. Một số nhà kinh tế học còn e ngại sự sụt giảm kinh tế nhanh chóng sẽ diễn ra vào 2013. Thị trường bất động sản của Trung Quốc đang trên đà tụt dốc. Nhu cầu toàn cầu với hàng hóa Trung Quốc suy giảm và tình hình trở nên tệ hại hơn khi người tiêu dùng Trung Quốc không thể thế chỗ cho sụt giảm xuất khẩu.

Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là nhận thức của các nước châu Á rằng, Trung Quốc dù có những vấn đề kinh tế, vẫn ở đà tăng trưởng trong khi Mỹ thì sụt giảm cả về kinh tế lẫn quân sự. Cho dù có lời khẳng định của Bắc Kinh rằng, những hành động của họ là vô hại thì một số nước Đông Nam Á lại nhìn nhận tình hình một cách khác biệt. Với họ, ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tiêu cực với khu vực.

Trong khi Washington tăng cường quan hệ với châu Á suốt năm qua, thì vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra về sự tồn tại của lãnh đạo Mỹ. Đối mặt với thách thức hiện hữu từ Trung Quốc, khu vực mong muốn có được sự chú tâm toàn vẹn của Mỹ. Vấn đề ở chỗ, họ lại thấy ông Obama bị phân tâm bởi những sự kiện khác, trong đó có cả "trận chiến" trong nước với Quốc hội. Ví dụ như tranh luận về luật chăm sóc sức khỏe đã làm chệch hướng chuyến công du của ông tới Indonesia trong tháng 3/2010 và nhấn chìm những cuộc thảo luận công khai về các vấn đề quan trọng khác trong nhiều tháng.

Thêm vào đó, cho dù một số học gia am hiểu về Nhà Trắng, như nhà báo Fareed Zakaria, từng nhấn mạnh rằng, ông Obama muốn tập trung vào châu Á ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, thì cũng phải mất hơn hai năm để ông thay đổi sự chú tâm của mình theo cách này. Ông phải chú ý vào hai cuộc chiến ở Trung Đông, nhưng đó không phải là lý do biện hộ. Khi thời gian qua đi, và khi Mỹ vẫn sa lầy ở Trung Đông, thì các sự kiện tiếp tục diễn ra ở châu Á và Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy.

Có thể cho rằng, mối quan tâm này cũng như những mục đích có chủ ý khác của Obama đã khơi nguồn để Nhà Trắng thay đổi mối quan tâm hướng về châu Á. Tổng thống Mỹ đã phái Ngoại trưởng Hillary Clinton, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và gần đây nhất là người kế nhiệm ông Gates - Leon Panetta - tới châu Á với nỗ lực trấn an các quốc gia khu vực đang lo lắng về cam kết của Mỹ.

Vả lại, học thuyết "lãnh đạo từ phía sau" của Obama tại Libya đã càng gây nên sự bối rối về cam kết của Mỹ ở châu Á. Nhiều người tự hỏi, liệu Mỹ có áp dụng chính sách đối ngoại này với châu Á? Rằng Washington có cố gắng trao vai trò hiện tại cho các nước thân thiện khác? Bằng cách ủy quyền hỗ trợ quân sự và kinh tế cho một hay một số đại diện, Mỹ có thể giảm bớt gánh nặng ở nước ngoài. Với những người mệt mỏi với sự thống trị của Mỹ, đó có thể là điều tốt đẹp. Nhưng ở đây có một vấn đề lớn, hay nói một cách khác, với nhiều nước ở châu Á, Mỹ được xem là đối tác hay thay đổi với những phản ứng bảo thủ trong vấn đề nhân quyền.

Indonesia, cũng giống như những nước khác trong khu vực, công nhận một điều rằng, cần có sự hiện diện chính trị, kinh tế và an ninh của Mỹ để cân bằng với Trung Quốc nếu cần thiết. Dù muốn hay không, Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định của châu Á. Nếu thiếu sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ, không một quốc gia hay một nhóm nước nào sẽ thay thế được vị trí ấy, và chỉ khiến các nước thêm lo lắng về chỗ đứng của mình trong một trật tự địa chính trị đang thay đổi.

Brad Nelson là Chủ tịch và người đồng sáng lập của Trung tâm Xung đột và Hòa bình thế giới - một tổ chức nghiên cứu có văn phòng tại Ohio và Jakarta. Yohanes Sulaiman, Phó chủ tịch và người đồng sáng lập tổ chức, là giảng viên Đại học Quốc phòng Indonesia.

Thái An (theo thejakartaglobe)

Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương
Chính quyền Obama sẽ mở rộng các hoạt động kinh tế, quân sự và đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton trong Hội nghị thượng đỉnh APEC đang diễn ra tại Hawaii.
 
Mỹ muốn nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với VN
Ngày 10/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới Honolulu, bang Hawaii, Mỹ, nơi diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19.
 
Bài 3: Bùng nổ mậu dịch tự do liên khu vực
Thiết lập thị trường mậu dịch tự do và chính sách phát triển cân bằng không còn là khẩu hiệu. Thượng đỉnh APEC 19 là cột mốc quan trọng trên con đường hội nhập liên khu vực giữa hai bờ Thái Bình Dương.
 
Bài 2: APEC 19 - Cơ hội nào cho Việt Nam?
Không chỉ là các lợi ích cụ thể về kinh tế, mà thông qua tiến trình APEC 19, doanh nghiệp VN sẽ nắm bắt được những xu thế lớn. Tự do hóa thương mại dưới sự bảo vệ của WTO, NAFTA, ASEAN dường như đang lỗi thời...