- Có những công chức quyết giữ chân chuyên viên xây dựng cơ bản, quản lý đất đai... chức danh không cao nhưng lại “có màu”.
Bài viết của độc giả Diệp Dân Hùng gửi đến diễn đàn góp ý cho Đề án cải cách chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2012 - 2020.
>> ‘Không tin 9 năm nữa, lương công chức nuôi được cả nhà’
>> Khi sếp 'hi sinh' thu nhập
>> Lương không đủ sống, công chức tìm cách 'xoay'
Chuyện “từ chối lên chức” thoạt nghe khó tin nhưng lại có thật. Đó không phải là chuyện cá biệt, mà có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi. Những người “né chức to, ham chức bé” đa phần vì lý do thu nhập. Tất nhiên, đó là “thu nhập ngoài lương”.
Nói một cách dân dã, họ muốn yên vị ở chức danh không cao nhưng lại “có màu”, hơn đứt chức danh cao, trách nhiệm nhiều nhưng thu nhập chủ yếu chỉ nhờ đồng lương công chức. Đối với những người này, không thể gắn cho họ cái mác “không màng danh vọng” nhưng lại hợp với cụm từ “ham tiền bạc, bổng lộc”.
Ảnh minh họa: Danh Lam |
Có những công chức quyết giữ bằng được cái chân chuyên viên phụ trách về kinh tế, về xây dựng cơ bản, quản lý đất đai… chứ quyết không chịu chuyển công tác khác, dù cho được lên chức trưởng phòng, thậm chí là trưởng một cơ quan đoàn thể hay phó giám đốc một cơ quan hành chính sự nghiệp nào đó.
Họ bày tỏ mình là người không ham chức quyền, hoặc năng lực có hạn, trình độ cùng lắm cũng chỉ tới hàng chuyên viên chính là cùng... Nhưng những người am hiểu có thể nắm khá rõ “bổng lộc” của họ khi chỉ là chuyên viên lại cao gấp nhiều lần những cái chức trưởng, phó kia.
Cũng có người kiên quyết “chung thủy” với chức danh trưởng phòng một phòng hay “có đồng vào đồng ra” để “nói không” với chức giám đốc của một trung tâm, có chức năng chủ yếu là lưu trữ, bảo quản công văn giấy tờ, quanh năm vắng bóng người tới “thăm hỏi sẻ chia”.
Một số vị đã chấp nhận suốt đời chỉ làm đến chuyên viên phụ trách về tài chính, mặc dù năng lực hoàn toàn có thể phù hợp với chức danh cao hơn. Cũng có trường hợp chấp nhận làm công chức “quèn” ở một cơ quan có thế lực, có nhiều khoản chi ngoài lương, kiên quyết không chịu chuyển qua làm cán bộ ở một cơ quan về văn hóa - xã hội. Họ cho rằng, làm ở nơi nào có “tương lai” hơn thì mới yên tâm công tác, vợ con được nhờ. Nhưng phải hiểu rằng “tương lai” ở đây là tương lai về thu nhập chứ không phải tương lai về công danh.
Người ta thường nói “quyền đi với lợi”, điều đó không sai lắm nhưng đối với những trường hợp nêu trên, quyền chưa chắc đi với lợi mà là “chỗ ngồi đi đôi với lợi”.
Chung quy, tất cả là do công chức trong các cơ quan nhà nước của chúng ta hiện nay, nhất là cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan đoàn thể … không mấy ai sống được nhờ đồng lương thuần túy. Vì tương lai con cái mà họ phải “hy sinh đời bố” (chấp nhận không có chức vị cao) để “sống vui, sống khỏe” với vị trí, dù nghe không “kêu” lắm nhưng phong bì, quà cáp thì có thường xuyên! Đó là sự thật không thể né tránh trong bộ máy nhà nước hiện nay.
Việc “chạy chức, chạy quyền” là quá rõ, đích hướng đến là những cái chức có “lợi” về nhiều nghĩa. Bên cạnh đó, cũng có khi người ta “chạy” để được giữ lại cái “chức bé” hòng né cái “chức to” nhưng “hữu danh vô thực”, “có tiếng mà không có miếng”.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc lên án, ngăn chặn, xử lý nạn “chạy chức, chạy quyền”, cũng phải kiên quyết phê phán, không dung túng cho những biểu hiện “né chức ham lợi” của một số người trong bộ máy nhà nước. Đã đến lúc Nhà nước cần sớm nghiên cứu có một chế độ lương hợp lý, để mọi cán bộ, công chức đều thật sự yên tâm sống được nhờ lương.
Diệp Dân Hùng
Kết quả khảo sát lần trước: