Geoffrey Canada là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng toàn nước Mỹ, đồng thời cũng là nhà cải cách giáo dục phi thường. Với khả năng nhìn xa trông rộng đáng nể, ông đã chứng minh thành công con đường đúng đắn nhất để thoát khỏi nghèo đói chính là giáo dục. Mới đây, tạp chí Time đã bình chọn ông là là một trong số 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2011.

TIN BÀI KHÁC

Geoffrey Canada

Tổ chức cho trẻ em nghèo vùng Harlem (HCZ) do ông sáng lập và điều hành là chiếc nôi hướng nghiệp, liên tục hỗ trợ và giúp trẻ em nghèo được đào tạo và sinh hoạt trong môi trường chất lượng cao.  

Tổng thống Mỹ Obama đã sử dụng HCZ làm hình mẫu hoạt động ở nhiều thành phố khác. Tổng thống đã chú ý đến chương trình HCZ từ khi còn là một thượng nghị sĩ, và tán dương thành quả lãnh đạo của Canada. Chính phủ Anh cũng đánh giá cao mô hình hoạt động của HCZ và coi đây là một hình mẫu lí tưởng của nền giáo dục tiên tiến.

Geoffrey Canada còn là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu rất thành công: “Waiting For Superman” (Chờ đợi vị Siêu nhân) và là thạc sĩ ngành Sư phạm của ĐH Havard danh tiếng.

Geoffrey Canada
Ông bắt đầu dự án HCZ  cách đây 14 năm. Khi đó, đây chỉ là một chương trình thí điểm quy mô nhỏ.

Ngày nay, HCZ đã được mở rộng ở hơn 100 thành phố, không chỉ đào tạo, giáo dục cho hơn 8.000 trẻ em mà còn có những chương trình hỗ trợ cho cuộc sống hàng ngày, hướng dẫn các bậc phụ huynh cách quan tâm và chỉ bảo việc học hành của con cái họ.

Ông luôn luôn có niềm tin sâu sắc rằng tất cả mọi trẻ em có thể thành công, không phân biệt chủng tộc, quốc gia và tầng lớp xã hội.

Geoffrey Canada hiện đang điều hành 2 hệ thống trường từ mẫu giáo đến trung học với nhiều giờ ngoại khoá và không hề có hợp đồng lao động.

Các lớp học trong hệ thống HCZ  được xây dứng theo hướng mở rộng, một năm học có 11 tháng và nhiều hoạt động ngoại khoá, với phần thưởng là những chuyến du lịch thú vị đến đảo Galápagos hoặc công viên Disney dành cho các em học sinh khá giỏi.

Ngoài ra, ông còn tổ chức khoá học 9 tuần cho phụ huynh, giúp họ tìm ra phương pháp giáo dục con trẻ hiệu quả bằng cách tâm sự và trao đổi với con cái, giảm thiểu bạo lực và đòn roi.  

Tại HCZ, mọi trẻ em nghèo đều được sinh hoạt và học tập trong môi trường đầy đủ thiết bị, tiện nghi, từ trường học đến phòng y tế, công viên đều là những mô hình mô phỏng cuộc sống của tầng lớp trung lưu.

Mục đích cuối cùng của những nỗ lực này chính là mang lại cho trẻ em nghèo một tuổi thơ tốt đẹp, giúp các em bước qua tuổi dậy thì khó khăn và tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện trí lực để bước chân vào giảng đường đại học.

Hoạt động của HCZ hầu như được duy trì bởi đóng góp từ những nhà hảo tâm của phố Wall. Ước tính, tổ chức phải chi trả khoảng 16 nghìn đô la trên mỗi học sinh cùng hàng nghìn đô la cho những hoạt động ngoại khoá. Con số này đã dấy lên mối lo ngại, liệu đây có phải hình mẫu mô hình trường học lý tưởng để mở rộng lên tầm quốc gia? Trong năm 2009, tài sản  được huy động của HCZ là gần 200 triệu USD, và ngân sách hoạt động trong năm 2010 là 84 triệu đô la, trong đó hai phần ba số tiền từ các nhà tài trợ tư nhân.

Mặc dù vậy, nhà cải cách giáo dục không hề có ý định dừng lại mà còn muốn tiến xa hơn  Ông cho biết mục tiêu của HCZ không dừng lại và rộng hơn con số 1 hoặc 2 trường học.

Theo ông, nếu tiền được chi tiêu một cách tập trung và hiệu quả, xây dựng cho trẻ em nghèo một cuộc sống cơ bản với trường học chất lượng cao, khu phố an toàn, sự quan tâm từ cha mẹ và dịch vụ y tế đảm bảo, chúng sẽ không bị cái nghèo đeo đuổi từ thế hệ này qua thế hệ khác nữa.

  • Hạnh Lê  (tổng hợp từ The Times và NYT)