- Trong khi không ít giáo viên phải tìm đến các trung tâm luyện chữ, nhiều phụ huynh lại cương quyết không cho con theo học.

Đồng tình với quan điểm chữ viết không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn thể hiện tính cách của người viết, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho rằng không nhất thiết phải cho con … luyện chữ.


Dĩ nhiên, họ có lý lẽ riêng.


Nhiều phụ huynh không cho con vào Trung tâm luyện chữ vì sợ nét chữ của con mất cá tính. (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)

Con mình, chữ người


“Con trai tôi là học sinh lớp 1 nhưng tôi không cho cháu học luyện chữ ở các trung tâm như bạn bè cùng lớp”, chị N.T. Phượng (nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM), cho biết.


Theo chị Phượng, nguyên do là vì chị thấy những đứa trẻ học ở Trung tâm luyện chữ, đứa nào cũng viết chữ nghiêng nghiêng giống nhau như đúc trong khi đó chị muốn con mình viết chữ tự nhiên theo tính cách của cháu.


“Tôi chỉ dạy cháu cách cầm bút và cho cháu viết bút mực để nét chữ không bị cùn, còn nét chữ thì để cho cháu viết tự nhiên. Chữ đẹp - xấu là do năng khiếu của con, mình không nên gò ép từng ly từng tí. Làm sao để cháu viết chữ rõ ràng, sạch sẽ là được”, chị Phượng, nói.


Anh Bùi Quang Tiến, Hội trưởng Hội phụ huynh trường THCS Trường Thọ (Quận Thủ Đức), cũng cho rằng không nhất thiết phải cho con luyện chữ theo kiểu gò ép theo những nét chữ khuôn mẫu nào đó. Vì thế anh Tiến cũng chỉ dạy con cách cầm bút và cách viết những nét chữ cơ bản chứ, còn nét chữ thì để phát triển tự nhiên.


Theo anh Tiến, hiện nay, quan điểm về độ tuổi cần luyện chữ cho con của phụ huynh cũng không giống nhau. Nhiều phụ huynh con chưa vào lớp một đã bắt luyện chữ nhưng cũng có phụ huynh chỉ cho con luyện chữ khi học đến bậc THCS.


Các học sinh ngồi đúng tư thế để luyện chứ. Nhiều học sinh ngồi viết sai tư thế nên chữ xấu. (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)

Chữ đẹp là phải “rùa bò”?


“Con lớn của tôi lúc nhỏ gò ép nên cháu viết chữ rất đẹp nhưng lên Đại học do phải ghi chép nhanh nên nét chữ của cháu xấu dần.Vì thế lúc nhỏ mình cố gò ép thì lớn lên chữ viết của cháu cũng thay đổi”, anh Tiến nói.


Cùng suy nghĩ, anh Thắng (nhà ở Quận 10) cho rằng, đặc điểm chung của học sinh được cho là viết chữ đẹp hiện nay là tốc độ ghi chép rất chậm.


Anh Thắng, ưu tư: “Quan trọng nhất là việc tiếp thu kiến thức của các cháu. Còn chữ viết đẹp kiểu “rùa bò” thì không nên. Nhà trường phải dạy sao để các cháu vừa hiểu bài mà vẫn chép kịp. Cứ dạy kiểu đọc - chép ê a mãi thì thì chữ chỉ đi vào vở chứ không đi vào đầu học sinh”.

Dù khá bận rộn với việc kinh doanh thiết bị điện thoại nhưng chị Tạ Thị Uyên vẫn tranh thủ thời gian theo học ở Trung tâm luyện chữ, Quận 1. “Tôi học để về dạy lại cho hai con nhỏ đang học bậc Tiểu học. Nếu chỉ để các cháu viết chữ theo cách dạy ở nhà trường thì chữ không thể đẹp được”, Chị Uyên cho biết.


Theo chị Uyên, ngày nay do thói quen dùng điện thoại, internet để trao đổi thông tin nên rất nhiều người làm việc trong lĩnh vực với chị có xu hướng lười viết. Đối với những người này, tốc độ viết sẽ chậm dần và chữ viết cũng sẽ xấu đi.


“Nếu để các em học sinh sớm bị “nhiễm” thói quen lười viết thì dứt khoát chữ viết của các cháu sẽ rất kinh khủng”, chị Uyên, nói.


Cô Trần Thị Thúy, giáo viên dạy luyện chữ cho rằng, tốc độ viết của học sinh hiện nay chậm là do cách viết không đúng. Nếu viết đúng, chữ không chỉ đẹp mà tốc độ viết cũng sẽ nhanh hơn.


Theo cô Thúy, chữ viết không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn thể hiện tính cách, năng lực của mỗi người.


”Vì sao các công ty nước ngoài khi tuyển người họ thường yêu cầu viết đơn xin việc bằng chữ viết tay? Không phải họ muốn xem chữ đẹp hay chữ xấu mà họ muốn xem nét chữ để biết tính cách, năng lực của người đó” - cô Thúy, giải thích.


  • Trung Thanh

Một số mẫu chữ của giáo viên, học sinh viết chữ đẹp