- Ngay sau khi Ban Dân nguyện đưa ra 33 khoản thu ngoài học phí, ông Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, nếu không thu thêm các khoản đó thì nhà trường không hoạt động được. Nếu cấm thu thì cực khó khăn cho các cơ sở giáo dục nên chúng tôi đành phải "núp" bóng Ban phụ huynh.


33 khoản thu ngoài học phí
Quốc hội vào cuộc chuyện lạm thu tiền trường
Phụ huynh suýt ngất vì tiền trường

Không có nhà vệ sinh vì thiếu tiền

 


GS Văn Như Cương. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) vừa đưa ra bảng tập hợp 33 khoản thu ngoài học phí, lệ phí trong một số cơ sở giáo dục. Nhìn vào bảng thống kê này cho thấy hoạt động của các cơ sở giáo dục hiện rất khó khăn về vấn đề kinh phí. Làm quản lí lâu năm PGS có cho rằng thiếu các khoản thu này thì các trường khó lòng hoạt động?

 

Có thể chắc chắn rằng nếu không thu gì thêm ngoài “học phí và lệ phí tuyển sinh”  (theo Luật Giáo dục) thì các trường khó lòng hoạt động được. Chính xác hơn là: hoạt động được nhưng không bảo đảm chất luợng. Tập hợp gồm  33 khoản thu ngoài học phí do Ban Dân nguyện tổng kết (chưa đầy đủ) có thể phân loại như:

 

Các khoản thu không hợp lí  và không hợp pháp như: tiền đóng góp xây dựng trường , tiền mua ghế cho học sinh ngồi chào cờ, tiền mua cây cảnh tặng nhà trường , tiền điện, tiền ôn thi tốt nghiệp …

 

Các khoản thu hoàn toàn hợp lí và hợp pháp như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể , tiền ăn bán trú và chăm sóc bán trú, quỹ Đoàn  Đội, quỹ hội cha mẹ học sinh, tiền học tăng buổi (2buổi/ngày),tiền mua sắm đồng phực, tiền nước uống…. Không thể nói thu các khoản như thế là “lạm thu”. Vấn đề là thu bao nhiêu thì chấp nhận được, còn thu quá thì mới là lạm thu.

 

Các khoản thu hợp lí nhưng không hợp pháp (trái quy định) như: tiền gửi xe, tiền vệ sinh (để nộp cho Công ty vệ sinh), tiền bảo vệ an ninh , tiền học thêm (nói đúng ra là tiền học phụ đạo cho học sinh yếu kém).

 

Nếu cho rằng 33 khoản trên đều là lạm thu và do đó cấm thu thì cực kỳ khó khăn cho các cơ sở giáo dục .

 

Bản chất các khoản thu do nhà trường đưa ra nhưng lại “núp” dưới bóng của Ban phụ huynh để khi có vấn đề gì thì ông hiệu trưởng không phải chịu trách nhiệm. Theo ông Ban phụ huynh nên hoạt động như thế nào để phản ảnh được tâm tư và nguyện vọng của số đông phụ huynh trong lớp?

 

Tôi đọc báo thấy có trường  tiểu học ở Bạc Liêu không có nhà vệ sinh, học sinh phải đi nhờ nhà dân hoặc đi ra các bờ bụi sau trường. Ở một trường mẫu giáo ở Hà Nội học sinh đi “ị”  vào bô rồi đổ vào túi ni lông, buộc túm lại và vứt xuống hố đã đào sẵn …

 

Có thể xây một nhà vệ sinh khoảng dăm triệu đồng, nhưng kinh phí không có hoặc sang năm mới có. Nếu thu khoảng 10.000 đồng/ học sinh thì có thể giải quyết vấn đề nhưng lại phạm luật. Vậy ông, bà hiệu trưởng phải làm gì để phụ huynh học sinh khỏi kêu ca?

 

Nếu tôi là hiệu trưởng thì tôi sẽ nói: “Tôi không được cấp kinh phí nên không xây nhà vệ sinh được. Nhưng nếu các vị phụ huynh muốn xây thì tôi không cấm !” Thế là xong. Trong trường hợp này tôi đành phải “núp” bóng các vị cha mẹ học sinh vậy. Vấn đề rất minh bạch, rõ ràng vì tôi không nhúng tay vào vụ này để lạm thu. Một hoạt động như thế của Ban đại diện cha mẹ học sinh là rất hợp lí, vì họ chỉ mong tạo điều kiện cho con em mình học tập tốt hơn.  Mục tiêu hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh rất rõ ràng: phối hợp chặt chẽ với nhà trường để nâng cao chất luợng của việc dạy và học.

 

Cách bầu ban phụ huynh ở trong các nhà trường hiện nay có gì bất cập và cần điều chỉnh như thế nào?

 

Đầu năm học các bậc cha mẹ học sinh mỗi lớp được mời họp. Họ chẳng quen biết gì nhau cả thì làm sao có thể bầu ra ban đại diện có năng lực để phối hợp với nhà trường? Bởi vậy cô giáo chủ nhiệm lớp phải nghiên cứu hồ sơ của học sinh (phần cha mẹ của họ) để có thể giới thiệu một số người cho hội nghị bầu. Và nếu trong số phụ huynh có người quen thân với cô thì cố nhiên cô sẽ giới thiệu người ấy, bầu hay không tùy hội nghị .Điều đó cũng dễ hiểu.

 

Tình hình tương tự khi họp các vị đại diện của các lớp để bầu ra ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường. Tuy nhiên nói chung không thể nói Ban đại diện Cha mẹ học là do nhà trường áp đặt.

 


Ảnh: Lê Anh Dũng  


 

Nên biết "nhịn" đi một số dự án vô bổ

 

Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định tất cả các cơ sở giáo dục đều phải dành 40% học phí để bảo đảm nguồn chi tiền lương tối thiểu chung không phân biệt cơ sở giáo dục phổ thông hay giáo dục thường xuyên, giáo dục ĐH cũng còn nhiều bất cập. Trong khi cơ sở giáo dục phổ thông do phải thực hiện quy định này dẫn đến thiếu kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên thì ở một số cơ sở giáo dục khác, khoản kinh phí 40% này còn dư nhưng lại không được chi cho các hoạt động khác . Bất cập này dẫn đến lạm thu. Vậy phải điều chỉnh thế nào cho phù hợp thưa ông?

 

Quy định như thế là cào bằng, đồng nghĩa với không công bằng. Nhà nước cần phải trả lương đủ cho thầy giáo mà không cần lấy thêm 40% học phí vào quỹ lương. Tất cả học phí nên để cho các cơ sở giáo dục được tự chủ điều hành phục vụ cho nhiều mặt hoạt động giáo dục. Ngoài ra nhà nước cần hộ trợ thêm kinh phí cho những trường còn có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là những trường ở miền núi, vùng sâu vùng xa….

 

Phòng học xuống cấp, thậm chí sắp sập thì nhà nước phải lo chứ không thể để phụ huynh học sinh phải gánh vác mặc dầu là tự nguyện vì phụ huynh đã đóng thuế để nhà nước lo những việc như vậy.. Ngân sách dành cho giáo dục có thể làm tốt điều đó nếu chúng ta biết “nhịn” đi một số dự án giáo dục rất tốn tiền và vô bổ.

 

Hiện Bộ GD-ĐT đang lúng túng không tìm được giải pháp để ngăn chặn vấn đề lạm thu. Ông có thể hiến kế giúp Bộ làm tốt công tác này?

 

Tôi đề nghị cần thực hiện nguyên tắc “người đi học chỉ phải đóng học phí và lệ phí tuyển sinh, ngoài ra không phải đóng thêm bất kì khoản nào khác” ( đối với bậc phổ thông thì cũng nên bỏ luôn cả khoản lệ phí tuyển sinh nữa ). Nhưng muốn làm được như vậy thì phải tăng mức học phí một cách hợp lí. Mức học phí hiện hành đã tồn tại hàng chục năm nay,đã trở nên lỗi thời do sự trượt giá.

 

Nếu chúng ta cứ để nguyên mức học phí như cũ mà phụ huynh phải đóng “chui” nhiều khoản mà tổng cộng lại còn cao hơn học phí gấp nhiều lần thì quả là vô lí. Hãy nói với phụ huynh rằng các vị hãy đóng học phí cao hơn, nhưng chúng tôi bảo đảm rằng sẽ không thu thêm một đồng nào nữa. Tôi tin rằng mọi phụ huynh sẽ nhiệt liệt tán thành.
 

Cảm ơn ông!

  • Kiều Oanh (thực hiện)