- Năm 2010, ngành giáo dục có những dự án nghìn tỉ, thay đổi nhân sự đầu ngành, hay hút giấy mực với những sự kiện nóng bỏng của xã hội, thì ở trên mặt báo, bạn đọc cũng có những mối quan tâm của riêng mình. Các bài viết dưới đây không chỉ lọt danh sách "được đọc nhiều nhất" mà còn là những bài viết có lượng ý kiến phản hồi của độc giả lớn, có những chủ đề kéo dài nhiều tháng như tâm tư của giảng viên là tiến sĩ, hay đầu tư cho con đi học ở nước ngoài từ bé...

1- Nhân sự trẻ nhảy việc khỏi Bộ Giáo dục


Đầu năm 2010, đang "bù đầu" với cải tổ, đổi mới, Bộ GD-ĐT cũng liên tục thông báo tuyển nhân lực cho 11 vụ, cục. Nhiều công chức trẻ ở các vụ đã "nhảy việc". Bộ GD- ĐT đang vướng bài toán nhân sự vì mức lương "vênh" khá nhiều so với bên ngoài. Nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại thực tế, để vào được cơ quan nhà nước, cụ thể ở Bộ GD-ĐT, vẫn là "trong mơ" của nhiều người.


2- Chuyện 13 tuổi vào đại học ở Việt Nam


Thông tin về nhiều học sinh nhỏ tuổi ở các nước trở thành sinh viên  hoặc tốt nghiệp các trường ĐH ở độ tuổi vị thành niên, từ 11 đến 16 tuổi xuất hiện ở nhiều nước. Khi đặt vấn đề “13 tuổi có thể dự thi vào ĐH ở Việt Nam”, cả cô giáo cũng như phụ huynh đều cho rằng, họ ủng hộ việc đó và không lo ngại gì về việc có theo được kiến thức hay không. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có trường hợp nào bỏ qua một vài năm học phổ thông để theo học chương trình ĐH, dù quy chế thi tuyển sinh không giới hạn độ tuổi. Chỉ ra nước ngoài, HS Việt Nam mới có cơ hội học vượt.



3- Tự sự nhức lòng của tiến sĩ "ngoại" về đại học lớn


2010 là năm đầu tiên trong "cuộc cải tổ 3 năm ở bậc đại học" được Chính phủ ra chỉ thị, ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT thảo nghị quyết. Trên diễn đàn chính thống, lãnh đạo các trường ĐH sôi nổi nói chuyện "đổi mới". Với giáo giới, phóng viên Sơn Khê đã lắng nghe một tâm tư. Từ câu chuyện của người giảng viên này, bạn đọc tranh cãi gay gắt xung quanh các về chủ đề mục đích học tập, đào tạo tiến sĩ và cách sử dụng con người trong môi trường ĐH...


4 - Bản nháp, lỗi kỹ thuật và trách nhiệm của Bộ Giáo dục


Ngày 23/2/2010, Bộ GD-ĐT công bố bản dự thảo về một số điều kiện và hồ sơ mở ngành đại học, cao đẳng với mục đích là siết chặt hơn nữa các điều kiện mở ngành. Quy định về điều kiện giảng viên khá cụ thể và chặt chẽ. Tuy nhiên, "lạc" vào bản quy định có nhiều tiến bộ này lại là một điều khoản vừa không logic, vừa gây ngỡ ngàng: "không cho phép các trường ngoài công lập đào tạo luật, báo chí, sư phạm".


5 - "Đường lên đỉnh Olympia" có phải có hủy kết quả?


Mặc dù xuất hiện đã 10 năm, sân chơi trí tuệ dành cho học sinh phổ thông - cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" vẫn thu hút sự quan tâm của người xem. Năm nay, cuộc thi diễn ra đầy kịch tính ở phút chót và mọi chuyện vẫn chưa dừng khi vòng nguyệt quế đã được trao cho người chiến thắng. Nhiều bạn đọc phản ánh về sự chưa rõ ràng trong phát âm chữ “plumber” và đề nghị nên thi lại bằng câu hỏi phụ. Trước những thắc mắc này, ban tổ chức quyết định vẫn giữ nguyên kết quả. Với người chiến thắng - 1 học sinh lớp 12, sự kiện này là một áp lực quá sức, nhưng nhìn ở tổng thể, phần lớn bạn đọc cho rằng, chiến thắng của Nguyễn Minh Đức là xứng đáng.



6 -Bức thư rơi lệ trong lễ trưởng thành


Tổ chức lễ tri ân và trưởng thành trong ngày bế giảng năm học là một sáng kiến của phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" mà Bộ GD-ĐT phát động. Sáng 26/5, tại lễ tri ân và trưởng thành ở Trường THPT Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương, một học sinh chuyên Toán đã đọc bức thư gửi mẹ làm nhiều thầy cô rơi nước mắt. Bức thư đã được cô giáo của trường gửi tới VietNamNet chia sẻ với bạn đọc.


7- Sốt du học từ trong bụng mẹ


Nuôi con thành những “siêu nhân” đội vòng nguyệt quế du học từ lúc còn trong bụng mẹ đang trở thành một xu hướng phổ biến của nhiều gia đình tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay. Trên một diễn đàn nổi tiếng về trẻ thơ của Việt Nam lưu truyền câu chuyện về một gia đình đã mừng phát khóc khi đứa con 14 tuổi được nhận học ở Singapore. Trong cơn phấn khích, ông bà thốt lên: “Cháu tôi đã được làm người rồi”. Phóng viên Phù Sa đã có loạt bài về chủ đề này.



8- Chuyện bây giờ mới kể về thời đi học của GS Ngô Bảo Châu


Trong ngày GS. Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields ở Đại hội Toán học thế giới, một người bạn thuở nhỏ của GS, anh Nguyễn Hoàng Anh, đã gửi tới VietNamNet bài viết với nhiều kỷ niệm và tình tiết đáng nhớ lại và suy nghĩ về thời học phổ thông của GS. Dù cho nhân vật chính, GS.Ngô Bảo Châu bày tỏ nỗi buồn vì "những chuyện lương khô" bạn bè đưa lên mặt báo, nhưng bài viết nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc, đồng cảm với những câu chuyện đẹp đẽ về thời đi học của nhân vật mà họ yêu mến.


9- Cậu bé đánh giầy 10 năm đỗ đại học báo chí


Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 không còn hiện tượng "nở rộ" thủ khoa điểm 30, nhưng những thí sinh đặc biệt thì năm nào cũng xuất hiện. Vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, khu vực gần Đài Truyền hình Hà Nội từ hơn một năm đã trở thành “lãnh địa” đánh giầy của em Nguyễn Văn Phúc (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Phúc đỗ vào Học viện Báo chí Tuyên truyền. Để theo đuổi việc học, Phúc đã có thâm niên 10 năm kiếm sống bằng nghề đánh giầy. Cộng tác viên Nguyễn Hường đã gặp nhân vật từ khi chưa thi ĐH và gửi bài viết tới VietNamNet khi biết kết quả thi của Phúc.


  • Ban Giáo dục