- "Vận động gia đình thuê xe ôm cho con tới trường, cho con đi xe bus, hay gia đình nào có điều kiện đưa đón có thể ngồi lại với nhau để giúp đưa đón HS cho trường hợp khó khăn. Ngoài ra, cần đặt ra chỉ tiêu để các trường thực hiện, cùng phấn đấu sẽ hiệu quả hơn”.

Ông Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an Hà Nội đề xuất giải pháp gỡ chuyện học sinh đi xe máy phân khối lớn tới trường trong buổi họp đánh giá 2 tháng
triển khai mở rộng mô hình điểm thực hiện biện pháp giáo dục an toàn giao thông (ATGT) và sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) đúng mục đích, quy định.

TIN LIÊN QUAN


Sau khi thí điểm ghi hình, quay camera chụp những HS vi phạm luật giao thông, sử dụng ĐTDĐ sai quy định, không đúng mục đích ở 5 trường THPT từ tháng 3/2010, năm học 2011-2102, Hà Nội đã mở rộng thí điểm mô hình ở 42 cơ sở là các trường THPT, TCCN, trung tâm GDTX thuộc 4 quận nội thành. Ảnh: Văn Chung

Khó ở...người trông xe


Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Trưởng phòng Công tác Học sinh - Sinh viên (Sở GD- ĐT Hà Nội) cho biết, chỉ riêng số liệu của 20/42 trường (chưa tính số bị CSGT ghi hình) số HS vi phạm ATGT và sử dụng điện thoại di động không đúng quy định là 554 vụ.

Trong đó chỉ 5% trong tổng số 20.102 HS có giấy phép lái xe mô tô, xe gắn máy; sử dụng ĐTDĐ là 14.529 em (72,3%).

“Đa số các em khi được sử dụng mô tô, xe gắn máy lại rất thích thể hiện” – ông Tuấn nói.


L
à đơn vị tham mưu và cùng tổ chức thực hiện, ông Vũ Minh Chính, Phó Trưởng phòng PA83, Công an Hà Nội cho biết: “Còn nhiều đơn vị cách làm tùy tiện. Sự khác biệt là ở sự đầu tư, quan tâm chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường. Có trường còn không biết kế hoạch thực hiện,  không khảo sát các điểm trông giữ xe".

"Chúng ta đi bằng nhiều chân, thiếu một chân sẽ dẫn tới khập khiễng”. Để xảy ra tình trạng này, theo ông Chính là trách nhiệm của CA và phía ngành giáo dục.

Phó trưởng phòng CA phường Đống Đa Lê Hữu Cường bổ sungn: “Dù biết nhiều điểm trông giữ xe là bất cập, nhưng nhiều nơi chủ giữ xe là các bác về hưu, không biết làm gì để kiếm sống, nhà lại gần trường, nhận trông xe là nguồn sống của họ nên cũng khó xử lí”.

Hay như  ở phường Tràng Tiền, theo lãnh đạo CA, HS để né không bị phát hiện gửi xe máy ở phường bên cạnh. Hoặc các chủ trông giữ xe trái phép không hợp tác, theo phản ánh của đại diện Trường THPT BC Đống Đa (quận Đống Đa).

Trước thực trạng đó, trường này đã xây dựng hòm thư tố  giác, quay ghi hình HS vi phạm để có minh chứng cụ thể. Đồng thời trường cũng đề ra tiêu chí thi đua cụ thể (có khen thưởng, kỷ  luật) với các nhân, tập thể trong thực hiện ATGT và ĐTDĐ.

Trường THPT Phan Huy Chú cũng được biểu dương khi ban chỉ đạo có sự phân công cụ thể, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của HS rất sát sao. Riêng trường đã xử lí 74 HS vi phạm ATGT, 111 em sử dụng ĐTDĐ (nhiều nhất trong số các báo cáo).

Giải pháp  “lạ” ngăn HS lái xe máy tới trường

Phó trưởng phòng PA83, CA thành phố Hà Nội, Vũ Minh Chính cho rằng: “Không thể lấy giải pháp chủ yếu là xử phạt, các lực lượng không thể suốt ngày theo bắt hay quay phim HS vi phạm. Phải lấy vận động, tuyên truyền làm nòng cốt, xây dựng”.

Về việc HS lái xe máy có vi phạm, theo Phó GĐ CA thành phố Hà Nội Phạm Xuân Bình: “Trừ một số trường hợp ăn chơi đua đòi, tôi nghĩ đa phần các em có lí do chính đáng nhiều hơn: đường xa, gia đình neo đơn,..Cần tìm hiểu cặn kẽ lí do, phân tích từng trường hợp để có phương pháp giải quyết cụ thể, tận gốc”.

Ông Phạm Xuân Bình cũng đề xuất một số giải pháp như vận động gia đình thuê xe ôm cho con tới trường, cho con đi xe bus, hay gia đình nào có điều kiện đưa đón con có thể ngồi lại với nhau để giúp đưa đón HS cho trường hợp khó khăn. Ngoài thống kê, theo ông Bình: “Cũng cần đặt ra chỉ tiêu để các trường thực hiện, cùng phấn đấu sẽ hiệu quả hơn”.

Nhắc tới vai trò quyết định tới thành công của kế  hoạch là cha mẹ, phụ huynh HS theo Phó GĐ  Sở GD-ĐT Hà Nội, Đoàn Hoài Vĩnh: “Nhiều phụ huynh vẫn còn mua xe máy, điện thoại đắt tiền cho con. Muốn HS làm tốt thì người lớn cần phải gương mẫu”.

Những lần họp giao ban sau, ông Vĩnh nói sẽ mời đại diện phụ huynh các điểm trường lên lắng nghe, phát biểu ý kiến. Việc phối hợp với từng tổ dân phố cũng được vị lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô nhắc tới.

Về công tác tự kiểm tra của các trường theo ông Vĩnh: “Mỗi buổi sáng hay chiều trường đều có giáo viên trực. Chỉ cần mình ra đứng quan sát ở cổng trường hay các điểm xung quanh, HS nhìn thấy cũng đã hạn chế việc các em lái xe máy tới trường rất nhiều”.

Một giải pháp khác được ông Vĩnh nêu ra: “Nếu gia đình xin chuyển trường cho con (trường mới gần nhà hơn trường cũ) thì hiệu trưởng nhà trường (cũ) cần cho ký cam kết nếu để con lái xe máy, vi phạm giao thông thì phải về học ở trường cũ”.

  • Văn Chung