Ngay sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố Bin Laden đã bị tiêu diệt, ảnh cũng như video giả về sự tồn vong của trùm khủng bố khét tiếng thế giới đã tràn ngập khắp nơi.
TIN LIÊN QUAN:

Những hình ảnh máu me, biến dạng và có sức thuyết phục: Osama bin Laden nằm chết, phía đầu trái bị trúng đạn. Tuy nhiên, đều là ảnh giả. Thậm chí, đoạn phim giả mạo về cái chết của Bin Laden có gắn mã độc, được lưu hành từ 2004, cũng đã xuất hiện đầy trên mạng xã hội Facebook và nhiều nơi khác.

Các tấm ảnh giả mạo về xác chết Bin Laden xuất hiện nhanh như tên bắn khắp thế giới, trên truyền hình, qua báo in, qua truyền thông xã hội, ngay sau khi thông báo của Nhà Trắng được ban bố. Các tấm ảnh được truyền đi khắp nơi bất kể nguồn gốc hay ảnh có phải là thật không. Trong khi đó, những kẻ bất lương lợi dụng sự phổ biến của các tấm ảnh để gắn virus vào đó.

Công chúng và các hãng tin rất khó khăn khi quyết định liệu tấm ảnh xác chết Bin Laden mà họ nhìn thấy là giả hay thật khi phần mềm có thể tạo ra ảnh giả dễ hơn bao giờ hết. Các tấm ảnh trên Internet không được những người triển khai chiến dịch tiêu diệt Bin Laden tiết lộ, một quan chức quốc phòng Mỹ đề nghị giấu tên nói vì chiến dịch này là mật.

Tuy vậy, nhiều người vẫn tò mò tìm xem ảnh. Hiện nay, bức ảnh được lưu hành rộng nhất có lẽ là tấm ảnh Bin Laden nhuốm máu, mất mắt trái và dường như chết trong đau đớn. Nhà Trắng cho biết, Bin Laden bị bắn vào phía trên mắt trái.

Hãng tin Reuters cho biết, miệng, mắt và râu trong bức ảnh phù hợp với ảnh mà hãng này chụp Bin Laden tại một cuộc họp báo năm 1998. Tuy nhiên, phần nửa trên của khuôn mặt dường như là của một xác chết khác.

Một tấm ảnh khác được đăng trên trang web liveleak.com cho thấy, Bin Laden nằm ngửa với một vết thương phía trên mắt và một người lính cầm cờ Mỹ đứng gần thi thể. Tấm ảnh màu xanh và đen, như thể được chụp với một thấu kính nhìn được vào ban đêm. Tuy nhiên, sau đó, liveleak đã rút bức ảnh và cho biết, đó là ảnh được lấy từ phim Black Hawk Down năm 2001.

Một tấm ảnh khác, cho tới giờ là ghê rợn nhất, cho thấy một bộ mặt nhuốm máu giống Bin Laden, bị mất xương sọ và não lộ ra ngoài.

Sự lan truyền của các tấm ảnh giả và việc làm ra các tấm ảnh giả dễ dàng đến mức các hãng tin buộc phải cẩn trọng hơn bao giờ hết. "Thách thức ở đây là kỹ thuật hiện giờ khá tinh vi. Một người giỏi Photoshop có thể tạo ra ảnh giả, khiến những người khác khó phát hiện đó là thật hay giả khi mới nhìn", Santiago Lyon giám đốc bộ phận ảnh của AP cho biết. Các biên tập viên ảnh có kinh nghiệm thường phát hiện được những điểm không phù hợp trong ảnh giả như sự thay đổi màu sắc, nguồn sáng.

Dù rất cẩn thận, AP cũng không thoát khỏi các tấm ảnh giả. Hãng này phải rút bỏ tổng số 6 bức ảnh giả về xác chết của Bin Laden, một của truyền hình Pakistan, 3 của truyền hình Afghanistan và 2 của một tờ báo Bulgaria.

Ít nhất 3 thượng nghị sĩ Mỹ cũng phải rút lại tuyên bố rằng đã nhìn thấy ảnh xác chết của Bin Laden khi biết mình là nạn nhân của ảnh giả. Đó là thượng nghị sĩ Saxby Chambliss - đảng viên Cộng hòa thuộc Ủy ban tình báo Thượng viện, Kelly Ayotte và Scott Brown

Các tấm ảnh giả không chỉ khiến các hãng tin đau đầu mà nó còn khiến nhiều người hoang mang về tình trạng thật giả quanh cái chết của Bin Laden. Virus lan khắp nơi qua các đường dẫn trên Facebook. Trong khi một số chính trị gia chỉ trích Obama không đưa ra ảnh xác chết của Bin Laden, nhiều người dùng internet đã vào một trang Facebook có tên gọi "Osama bin Laden CHƯA CHẾT" và nói rằng những tấm ảnh giả là bằng chứng về một sự che giấu. Trang web này có hơn 1.300 người hâm mộ cho rằng chính quyền Obama đã giả mạo tin Bin Laden đã chết.

Công ty an ninh Sophos cho biết, video giả về cái chết của Bin Laden trên Facebook khiến bạn phải điền thông tin vào một khảo sát rồi đánh cắp danh sách liên lạc của bạn.

Hoài Linh (Theo AP, HuffingtonPost)