- Khi đào móng xây tòa nhà làm việc của Viettel Ninh Thuận (trên đường 21-8, phường Phước Mỹ, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), đến độ sâu hơn 3m, nhóm công nhân xây dựng phát hiện một chiếc giếng Chăm cổ.

TIN BÀI KHÁC

Ông Nguyễn Quốc Văn - Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ, TP. Phan Rang - Tháp Chàm cho PV VietNamNet biết, vào chiều ngày 13/5 vừa qua, khi đào móng xây tòa nhà làm việc của Viettel Ninh Thuận (trên đường 21-8, phường Phước Mỹ, TP. Phan Rang - Tháp Chàm), đến độ sâu hơn 3m, nhóm công nhân xây dựng phát hiện một chiếc giếng vuông.


Hiện trường khu vực khai quật chiếc giếng Chăm cổ ở phường Phước Mỹ, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: Thanh niên)

Chiếc giếng này có diện tích khoảng 2 m2, sâu khoảng 3,5 m. Thành giếng được xây đều, liền mạch bằng loại gạch Chăm truyền thống. Tường thành giếng được xây dày 40-50cm. Phần dưới cùng của thành giếng được ghép bằng các tấm gỗ dày, cao hơn 1m.

Trao đổi với PV VietNamNet vào chiều 17/5, ông Bá Văn Bổn - Trưởng phòng Bảo tồn, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận - cho biết, theo nhận định ban đầu, nhiều khả năng đây là giếng Chăm cổ. Hiện các nhà chuyên môn vẫn đang tiến hành nghiên cứu về chiếc giếng cổ này.

Hầu hết giếng Chăm tồn tại đến nay dù trải qua hàng trăm năm (nhiều giếng có trước năm 1471 - khi những lưu dân người Việt đến định cư trên vùng đất này) nhưng nước vẫn trong ngọt, không phèn, mạch không cạn.

Đây quả là điều bí ẩn về cách chọn nguồn mạch của người Chăm xưa. Về kiểu dáng “miệng tròn đáy vuông” đã phản ánh rõ nét tâm thức của người Chăm xưa về tín ngưỡng phồn thực mà chúng ta vẫn thường bắt gặp thông qua việc thờ cúng ngẫu tượng linga - yoni (linga tròn, yoni vuông). Và trên hết, ở đây dường như đã có sự tương đồng về tín ngưỡng tâm linh với người Việt, đó là quan niệm về vũ trụ, trời đất, âm dương “trời tròn đất vuông”, “dương tròn âm vuông”... Cùng với sự tiếp nhận những yếu tố văn hóa phi vật thể (lễ hội, ẩm thực, ngành nghề…) thì các lưu dân Việt cũng biết tiếp nhận những yếu tố văn hóa vật thể để phục vụ cho chính mình mà sự hiện diện của các giếng Chăm trong cộng đồng người Việt đã minh chứng rõ nét cho sự giao thoa văn hóa của hai dân tộc (Theo báo Quảng Nam).


Thu Hằng