Khi chặng vượt vũ môn vừa kết thúc, các sĩ tử lại tiếp tục đối mặt với ải… về quê. Thoạt nghe tưởng chuyện đơn giản, nhưng trên hành trình đó đã có không ít nữ sinh bị yêu râu xanh sàm sỡ, bao sĩ tử bị rượt đánh, hất ngửa giữa đường.

TIN BÀI KHÁC


Nữ sinh hết hồn vì bị sàm sỡ

Sau khoảng thời gian dài căng thẳng vì thi cử, phần lớn các sĩ tử có tâm lý bằng giá nào cũng phải về được quê ngay trong ngày, vừa bớt tiền trọ, tiền ăn vừa được về nhà dưỡng sức, nghỉ ngơi.

Với tâm lý nhanh nhanh về quê, nhiều bậc phụ huynh và sĩ tử cứ hễ thấy xe là lên mà không hay biết rằng giữa chốn đông đúc, chen lấn có bao hệ lụy có thể xảy ra, nhẹ thì bị ép giá, mất đồ, nặng thì bị sàm sỡ, có to tiếng là bị hất khỏi xe…

Những chuyến xe đông đúc tạo điều kiện cho yêu râu xanh có cơ hội “hành nghề” (Ảnh: BĐVN)

Điển hình như trường hợp của một nữ sinh tên V. (Vinh, Nghệ An). Trên chuyến xe từ Huế về Vinh sau khi môn thi thứ 3 kết thúc, V. đã bị sàm sỡ khi đang cố chen chúc lên xe. V. cho biết khi đang ổn định chỗ ngồi trên xe thì bất chợt có bàn tay sờ soạng khắp người, V. hốt hoảng hô hoán lên và được đưa vào văn phòng tổ bảo vệ.

Tuy nhiên khi hỏi có biết người đó là ai thì V. lắc đầu líu ríu “vì quá đông nên không biết ai là kẻ giở trò”.

Nữ sinh N.T.H (Vũ Thư, Thái Bình) cũng gặp trường hợp tương tự. Giọng cô bé vẫn còn chưa hết hốt hoảng, sợ hãi khi kể lại “Vì ngày mùa, bố mẹ em bận việc ở quê nên em tự lên Hà Nội thi một mình. Lúc chen chân được lên xe thì không còn chỗ ngồi, phải cố len đứng giữa 2 hàng ghế hơn 2 tiếng đồng hồ.

Khi xe chạy được chừng 30 phút, em cảm nhận rõ có bàn tay nào đó đặt lên vòng 3, sau đó còn lướt lên cạnh sườn. Vì quá đông, đến chỗ nhích chân còn khó nên em chỉ có thể né người. Giữa trời nóng mà người em nổi hết da gà, nhưng phần vì không rõ ai, phần sợ bị cho là cố tình “gây rối” nên em không dám kêu la”.

Mất tiền mà vẫn bị đánh, “tống cổ” xuống xe

Vì muốn nhanh chóng về quê, nên nhiều gia đình đã nhờ người quen mua vé xe đò từ trước để tránh cảnh xếp hàng, chen lấn. Tuy nhiên trên thực tế, có không ít phụ huynh, sĩ tử đứng tần ngần giữa bến xe, tay cầm vé mà xe đã chạy từ bao giờ.

Chị Hà (Lục Nam, Bắc Giang) cho biết, con gái chị thi ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội. Ngay khi thi được 2 môn ngày đầu, chị đã gọi điện cho một người quen gần bến xe Gia Lâm nhờ đặt mua giúp 2 vé để sáng mai thi môn cuối xong, 2 mẹ con ra bến xe rồi về luôn, không phải đứng ngồi, đợi xe. Theo lịch trình ghi trên vé, xe sẽ chạy chuyến lúc 11h30, tuy nhiên khi đến nơi, hỏi thăm thì được biết xe đã chạy trước đó gần nửa tiếng rồi.

Thấy 2 mẹ con ngậm ngùi, ngẩn ngơ, mấy bác xe ôm nói với ra “Những ngày này người đông như kiến cỏ, làm gì có xe nào tuân thủ đúng lịch trình mà đợi với chờ. Chúng nó cũng tranh thủ nhồi nhét ghê lắm. Cả năm mới được mấy ngày mà”.

Cũng liên quan đến chuyện xe cộ, mới đây vào ngày 9/7, ông Trần Huỳnh Khâm và con trai Trần Huỳnh Nhật Nguyên (phường Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn, Bình Định) đã bị nhà xe Lộc Hương đuổi đánh đến ngất xỉu.

Vợ chồng ông Khâm kể lại vụ rượt đuổi kinh hoàng (Ảnh: Tiền Phong)

Theo lời ông Khâm, vào hôm 30/6, ông đặt 4 vé xe Lộc Hương cho con trai là Trần Huỳnh Nhật Nguyên cùng 3 người bạn của Nguyên vào TP.HCM dự thi Cao Đẳng và đã thỏa thuận với nhà xe giá mỗi vé là 270.000 đồng. Thế nhưng trước giờ xe chạy, nhà xe tự ý nâng giá lên 350.000 đồng/vé.

Có mặt tại bến xé khách Quy Nhơn, ông Khâm không khỏi bất bình, nên đôi bên đã xảy ra cự cãi. Nhà xe Lộc Hương gọi thêm con trai và 2 phụ xe đến đuổi đánh ông Khâm. Thấy vậy, Nguyên cũng chạy xuống bênh bố. Hậu quả Nguyên bị đánh vào mặt, cổ, đến ngất xỉu tại chỗ, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Mẹ của Nguyên vì bênh con nên cũng bị đội quân nhà xe đánh thâm tím nhiều chỗ trên cơ thể.

Sau vụ việc, cả gia đình Nguyên sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị nhà xe trả thù. Tiền mất mà tật mang…

Đè đầu, cưỡi cổ “nai tơ”

Theo kinh nghiệm xương máu của một số bạn sinh viên, các sĩ tử dễ bị bắt nạt là vì lơ ngơ, nhất là những bạn nào “tự thân vận động” đi thi một mình. Lợi dụng điểm này, nhiều xe ôm chèo kéo khách, dù đường gần nhưng cố chạy lòng vòng để kiếm thêm thu nhập. Nhà xe giở bài “độc”, đến giữa đường mới thu tiền, hét vé trên trời khiến các thí sinh và phụ huynh không kịp trở tay, đành nín nhịn để đi tiếp nếu không muốn bị xuống xe giữa đường. Do đó, trước khi lên xe phải hỏi giá cả rõ ràng, tránh trường hợp há miệng mắc quai.

Còn đối với trường hợp bị yêu râu xanh sàm sỡ trên xe đò, nín nhịn, nhẹ nhàng đổi được chỗ khác là cách hay nhất, tuy nhiên trường hợp này khó khả thi, nhất là vào những thời điểm đông đúc như mùa thi hay nghỉ Tết.

Nhiều bạn chọn cách làm toáng lên, mắng vào mặt “dê xồm”, cách này có thể khiến “con dê” ngại ngùng chạy mất nhưng đôi khi khó tránh khỏi những cái nhìn tò mò hay những lời châm chọc của một số đối tượng thiếu văn hóa. Trong trường hợp đó, chính nạn nhân lại bị tổn thương hơn.

Do vậy theo mách nước, cách tốt nhất là các nữ sinh trước khi lên xe nên chọn chỗ ngồi, chỗ đứng gần người cùng giới. Như thế sẽ an toàn hơn.

Minh Anh (tổng hợp)