- Người đi đường gặp tai nạn, hàng hóa bị đổ lênh láng giữa lòng đường. Thay vì thu gom hàng hóa, giúp đỡ người bị nạn thì một số bộ phận người dân lại tranh nhau, giành giật hàng hóa trước sự bất lực của kẻ không may mắn.
TIN BÀI KHÁC

Trục lợi trên sự đau khổ của người khác
Vụ việc “hôi của” gây bức xúc mới đây nhất là sự kiện xe hoa quả lật nhào ở Quảng Bình. Nhân cơ hội đó, hàng trăm người dân đã đua nhau “hôi của”, mạnh ai nấy nhặt đã khiến người đọc cảm thấy xấu hổi thay cho một bộ phận người Việt.
Vụ việc xảy ra khoảng 5h30 sáng ngày 28/7, trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua xã Đại Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), chiếc xe tải mang BKS 47P-2149 chở chôm chôm đang lưu thông hướng Nam - Bắc bất ngờ bị lật. Vụ lật xe khiến toàn bộ thùng hàng chứa hoa quả bị đổ tung tóe giữa đường. Tranh thủ lúc chiếc xe tải chở hoa quả bị lật, hàng trăm người dân đã tranh nhau lượm chôm chôm “từ trên trời rơi xuống”. Sự việc này khiến tuyến quốc lộ 1A rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng. Hàng trăm người đã chen lấn, giành giật nhau số chôm chôm “của chùa” lăn lóc trên đường mặc cho người lái xe thẫn thờ, bất lực.
Những người đi xe máy và xe đạp chung quanh tranh nhau “hôi tiền” ở TP HCM (Nguồn: Tuổi trẻ)

Trước đó, vào đầu năm 2011, tại Nghệ An cũng xảy ra một vụ việc tương tự. Khoảng 4h30 sáng ngày 26/1, chiếc xe chở bia khi đi qua địa phận cầu Bến Thủy (Nghệ An) đột nhiên bị lật. Trong chốc lát, hàng trăm người dân đổ ra “hôi” bia khiến giao thông tê liệt cục bộ.
Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe đang chở hàng trăm thùng bia 333. Khi chiếc xe bị lật, hàng nghìn lon bia đã đổ tràn trên đường quốc lộ 1 và cầu Bến Thủy. Những người dân quanh đó và người qua đường thấy vậy đã ùa lại để nhặt bia, tạo ra một cảnh tượng nhốn nháo và gây tắc đường cục bộ khoảng 4km, kéo dài từ đầu cầu Bến Thủy đến thị trấn Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Đây không phải là chuyện hiếm gặp hay chỉ xảy ra ở một vài địa phương mà nó đã trở thành một thói xấu đáng buồn của một bộ phận người Việt.
“Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”
Vào chiều 16/6/2011, tại TP HCM cũng xảy ra một vụ “hôi của” đầy bức xúc. Tại thời điểm trên, một người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay ngã năm An Dương Vương, Quận 5, TP HCM thì bị hai tên cướp đi xe máy từ phía sau giật giỏ xách. Vì sự giằng co quá mạnh nên giỏ xách của người đàn ông bị rách toạc và số tiền để trong giỏ bị bay ra đường. Lợi dụng tình cảnh trên, những người đi xe máy gần đó cùng một số người dân trong khu vực xảy ra vụ cướp đã ào ra giữa đường tranh nhau nhặt tiền. Chỉ trong vòng vài phút, số tiền của người đàn ông ấy đã “không cánh mà bay”.
Cảnh xót xa nhất là hình ảnh người đàn ông đứng nhìn bất lực, anh vừa thoát được lũ cướp tiền đi đường, thì tiền lại rơi vào một vụ cướp khác. Đúng là tránh vỏ dưa gặp phải vỏ dừa.
“Đó cũng là một kiểu cướp đường”
Về vấn nạn “hôi của”, bạn đọc Nguyễn Minh đã chia sẻ với báo VietNamNet: “Đây là hành động chiếm đoạt tài sản người khác. Giá trị những lon bia, hoa quả… không lớn nhưng hành động ăn cướp giữa ban ngày này gây tổn hại đến hình ảnh và giá trị đạo đức, văn hóa của địa phương và đất nước cũng như tính nghiêm minh của xã hội.
Hiện trường vụ “hôi của” khi xe hoa quả bị lật ngày 28/7 vừa qua tại Quảng Bình (Nguồn: Người lao động)

Bạn đọc Nguyễn Thành Tâm lại thấy bất bình thay cho những người lái xe gặp nạn: “Thấy buồn quá, người ta đã xui xẻo bị tai nạn giao thông rồi còn phải đối phó với nạn cướp bóc giữa ban ngày ban mặt nữa”. Độc giả Hoàng Cường cũng đồng tình khi cho rằng: “Cha ông ta đã dạy "đói cho sạch, rách cho thơm", không giúp người gặp nạn thì thôi lại còn “hôi của”. Thật đáng xấu hổ!”.
Trên diễn đàn của báo Tuổi trẻ, một độc giả khác cũng tỏ ra bức xúc về vụ “hôi tiền” ở TP HCM: “Xét cho cùng, nếu so sánh với những tên cướp đã bỏ chạy kia, thì hành động của những người này có khác gì ăn cướp của người ta một cách trắng trợn, hơn cả những tên cướp kia”.
Không chỉ bày tỏ cảm xúc của mình trước một vấn nạn của xã hội. Nhiều độc giả còn kể những câu chuyện khi mà chính họ cũng đã gặp những tình huống tương tự.
“Đọc bài này, tôi nhớ đến vụ việc cũng xảy ra tương tự với vợ chồng tôi cách đây khá lâu tại giao lộ Nguyễn Văn Công và Nguyễn Kiệm (Gò Vấp, TP HCM). Hôm đấy tôi chở vợ đi khám thai đã gần ngày sinh nở, bà xã tôi bỏ xếp tiền polymer trong túi áo bầu đi đến đây thì rơi ra, lúc ấy có hai cha con một người đàn ông tốt bụng phía sau la lên và dừng xe lấy chân đè lên để tiền khỏi bay và kêu tôi quay lại. Lúc đấy một nhóm người từ 2 bên đường lao ra nhấc chân người đàn ông kia lên và thay nhau giành giật tiền trước sự bất lực của vợ chồng tôi và cha con người đi đường tốt bụng nọ. Lúc đó trong lòng hai vợ chồng tôi thật ngao ngán, họ nỡ vì đồng tiền mà chà đạp lên đạo đức, nỡ cướp đồng tiền của một phụ nữ đang mang thai rồi bình thản nhìn “con mồi” với khuôn mặt trâng tráo”. Bạn đọc Nguyễn Tú sau khi chia sẻ câu chuyện của mình trên diễn đàn báo Tuổi trẻ đã cho biết, đó là một kỉ niệm buồn của vợ chồng anh.
“Hôi của”, hành vi trục lợi trên nỗi buồn của người khác, đã rơi vào tình trạng đáng báo động. Người viết muốn kết thúc bài viết này bằng một ý kiến của một bạn đọc thuộc thế hệ 9x. Em đã có những lo lắng rất đáng trân trọng khi cho rằng những hành động này sẽ là tấm gương không tốt cho thế hệ trẻ. “Tôi là sinh viên, là thế hệ trẻ 9x. Những người lớn tuổi làm những chuyện xấu này liệu có thể dạy được con, cháu chúng tôi lớn lên và trở thành một công tốt? Liệu có thể tạo ra một người tốt nếu như bản thân họ lại có những hành vi đáng trách như vậy?
Lan Châu (Tổng hợp)