Trong buổi họp với Tổng công ty vận tải Hà Nội chiều 17/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm của nhiều cơ quan trên địa bàn Hà Nội. Thông tin này đã thu hút khá nhiều luồng dư luận.

TIN BÀI KHÁC

Theo đề xuất của Bộ trưởng Đinh La Thăng, các cơ quan Trung ương có thể làm việc từ 8h30 hoặc 9h sáng đến 6h chiều. “Những cái gì ít liên quan đến tiền thì chúng ta làm trước nên cần đề xuất cho điều chỉnh giờ làm việc. Giờ nào HSSV bắt đầu học, giờ nào cơ quan nhà nước, cơ quan Trung ương làm việc để giảm ùn tắc thì nên đề xuất” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Ai sẽ đón con tôi?

Với đề xuất này, nhiều bậc phụ huynh đã không khỏi nghi ngại, việc điều chỉnh giờ học giờ làm về mặt tích cực, tạm thời có thể giải quyết được “bài toán” ùn tắc giao thông hiện nay. Nhưng về lâu dài, liệu có ảnh hưởng và gây khó khăn cho việc đón con trẻ của người dân?

Nếu đổi giờ làm việc thế này, thì ai đón con em, con em đi học về ở nhà với ai? Vì các trường học sẽ được tan sớm hơn. Bình thường, trước khi đi làm, em tranh thủ đưa con tới trường, chiều đến khi tan sở, em lại đón con. Với đề xuất đổi giờ như thế này, chẳng nhẽ bắt con em đứng chờ ngoài đường 1 tiếng hay sao. Thế thì nguy hiểm quá” - bạn Havykute than vãn trên webtretho.

Ai sẽ đưa đón con nếu thay đổi giờ học giờ làm? (Ảnh: Dân Trí)

Trên báo Tuổi trẻ, một bạn đọc cho rằng: “Người Hà Nội đi làm còn kiêm đủ thứ, và việc bất cứ một ông bố bà mẹ nào sáng đi làm đèo thêm con cái đằng sau là điều thường thấy. Với cách đổi giờ học, giờ làm lệch pha, một bộ phận người Hà Nội vẫn phải đi làm từ 7h và có lẽ họ sẽ phải ngồi…uống cà phê đến 9h thì vào cơ quan. Lúc đó, quán cà phê có khi còn tắc chứ đừng nói gì đến đường xá”.

Trên báo VietNamNet, một bạn đọc phân trần: “Nếu điều chỉnh giờ làm việc đến 9h cũng không thể xoay chuyển được tình hình. Thay vì bình thường tắc đường từ 7-9h thì bây giờ sẽ tắc từ 6-10 giờ. Hiện nay, người dân ở chồng chéo, ở một nơi đi làm một nơi, đưa đón con đi học một nơi, nhiều khi xe buýt không phải là lựa chọn tối ưu của họ. Nếu con cái học tiểu học, việc đưa đón là đương nhiên, với việc đổi giờ như hiện nay, một nửa ngày làm việc của công chức nhà nước sẽ ở… ngoài đường. Và như thế, tắc vẫn hoàn tắc. Nên tìm giải pháp khác thôi”.

Đồng tình với ý kiến trên, bạn Haanh cũng cho rằng: “Nếu cứ làm việc lệch giờ như vậy, một bộ phận công chức cũng sẽ tranh thủ trốn cơ quan để về đón con sau đó lại quay lại cơ quan, như thế hoá ra lại càng tắc đường hơn ấy chứ”.

Trên diễn đàn này, cũng có một vài phụ huynh “có điều kiện” đưa ra giải pháp là nhờ ôsin đi đón con nhưng ngay lập tức cũng bị các mẹ khác ầm ầm phản đối.

Lương công chức ba cọc ba đồng, tiền đâu mà thuê ôsin. Mà có tiền thuê thì cũng chả dám giao con mình cho họ, nhà xa trường còn phải đi bằng xe máy mới đón con mình được. Với tình hình ôsin như bây giờ, có khi họ lấy xe và bắt cóc con mình luôn ấy chứ” - bạn hippi chia sẻ.

Vấn đề ai sẽ đón con khi giờ làm giờ học lệch pha, trả lời trên báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ rằng, ông sẽ nhờ ông bà ngoại của bọn trẻ đón. Tuy nhiên, đó là chỉ là riêng với điều kiện của ông Đông và đây không phải là giải pháp cho toàn bộ người dân nội đô.

Giao dịch công việc sẽ ra sao?

Các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đều có mỗi liên hệ mật thiết với nhau. Với đề xuất thay đổi giờ làm này, quá trình giao dịch công việc sẽ gặp bất tiện bởi người đến trước kẻ đến sau” - bạn lahoan chia sẻ trên diễn đàn lamchame.

Bình thường, nếu có công việc gì liên quan tới đối tác khác, chẳng hạn công chứng giấy tờ. Buổi sáng khi đi làm, tôi đến thẳng phòng công chứng, xong xuôi tôi mới quay trở lại công ty. Nếu thay đổi lịch làm việc, tôi đến cơ quan, ngồi tí rồi lại đi công chứng, vậy hoá ra, cả buổi tôi làm việc chủ yếu.. trên đường” - bạn Hami làm việc cho một công ty TNHH chia sẻ.

Trên diễn đàn webtretho, bạn Lyly bày tỏ: “TP HCM đã làm chuyện này mấy năm rồi nhưng vẫn kẹt xe vì đông người quá. Trường học thì vào lúc 6h45, cơ quan nhà nước làm lúc 7h, cty tư nhân hoặc nước ngoài thì 8h. Nhưng hiện tại bất kể giờ nào từ 6h sáng tới 11h khuya đều đông nghẹt xe, khói bui mịt mù không thở nổi. Tôi nghĩ là đề xuất thay đổi giờ làm việc chỉ là một giải pháp tình thế, về lâu dài, các nhà lãnh đạo phải có kế sách hay hơn”.

Điều chỉnh giờ làm việc, suy cho cùng chỉ thay đổi thời điểm mọi người ra đường được vài chục phút. Thực tế, thời gian tắc đường (giờ cao điểm) thường kéo dài khoảng 2 tiếng buổi sáng và 2 tiếng buổi chiều. Như vậy, với mật độ người vẫn đông như hiện tại, với diện tích đường vẫn ít như hiện tại, việc điều chỉnh giờ làm việc sẽ có rất ít tác dụng” - bạn dice chia sẻ trên linkhay.

Được biết, đề xuất điều chỉnh thời gian làm việc mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra là không mới. Cách đây vài năm, đề xuất này cũng được đưa ra, nhưng chưa phù hợp với thời gian học tập của học sinh và nhiều điều kiện khác của Việt Nam, nên chưa được áp dụng.

Điều chỉnh giờ làm, giờ học cần làm ngay

Một bộ phận không nhỏ người dân không phản đối đề xuất thay đổi giờ học giờ làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng nhưng họ vẫn “lăn tăn” vài điều trong đề xuất này.

Thay đổi giờ học, giờ làm sẽ tránh được tình trạng ùn tắc giao thông? (Ảnh: VietNamNet)

Trên báo VietNamNet, độc giả Hoàng Quốc Thắng chia sẻ: "Tôi đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng, nhưng nếu đổi giờ học và giờ làm không chuẩn thì con đi học mẫu giáo hoặc tiểu học ai đón. Các cháu lớn hơn thì có thể yên tâm hơn về việc đi lại, nhưng các cháu nhỏ thì... chịu. Nên chăng đổi như thế này, sinh viên đại học, học sinh cấp 3 (có thể chủ động đi học) bắt đầu học từ 9h sáng đến 13h30, ca chiều từ 14h00 đến 17h30. Học sinh mẫu giáo, cấp 1, 2 đi học cùng giờ người lớn đi làm (vì cần bố mẹ đưa đón). Cán bộ công chức đi làm lệch giờ cao điểm".

Điều chỉnh giờ học giờ làm cần phải được thực hiện ngay lập tức. Hy vọng với lịch làm việc chéo và sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương Hà Nội, chúng ta sẽ có một Hà Nội thoáng hơn, đi lại thuận tiện hơn”- độc giả minhanh chia sẻ.

Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đưa ra đề xuất giảm ùn tắc giao thông như hiện nay là phân làn đường. Tiêu chí lựa chọn các tuyến đường phân làn giao thông, theo Sở GTVT chủ yếu tập trung vào các tuyến phố có đủ điều kiện về hạ tầng giao thông và ý thức của người dân tương đối cao; những tuyến đường phố có mặt cắt ngang mỗi chiều có đủ chiều rộng từ tối thiểu 10m trở lên; tuyến phố có các khoảng cách giữa các nút giao thông tối thiểu trên 300m...
Tuy nhiên, giải pháp này rất khó thực hiện bởi theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện tại TP có 8.489km đường giao thông. Xét theo tiêu chí mà Sở này đưa ra thì 70% không đủ điều kiện để thực hiện phân làn do có mặt cắt ngang dưới 10m.

Như vậy, với rất nhiều “lời giải” cho “bài toán” giao thông gần đây, chúng ta vẫn chưa đi đến quyết định và tìm cho được một lời giải nào thật phù hợp với tình hình của Việt Nam hiện nay.

Mẫn Chi
(tổng hợp)