Sau một quá trình đấu tranh khai thác, về cơ bản, bà Trần Thị Nga  (SN 1952, có HKTT ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) đã nhận tội.

 
Bà Trần Thị Nga bị coi là nghi can trong vụ ôsin bị sát hại tại căn hộ 1203 – CT1 Linh Đàm, thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai vào chiều ngày 15/11/2011. Ngay lập tức, Công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với bà Trần Thị Nga. Qua thu thập tài liệu và bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã có được các chứng cứ chứng minh bà Trần Thị Nga có hành vi giết hại bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1965, quê tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Căn hộ nơi xảy ra sự việc (Ảnh: VietNamNet)
Theo tường trình của bà Nga tại cơ quan điều tra, sáng 15/11 sau khi đưa cháu ngoại đi học, đến khoảng 9h cùng ngày bà quay lại nhà con gái. Lúc đó, bà Thủy đi ra khỏi nhà và có nhờ bà Nga nấu cơm hộ nếu về muộn. Khoảng 12 giờ 45, bà Thủy mới về và hai người cùng ngồi xem tivi. Đến 13g cùng ngày, bà Nga đi về nhà mình và đến khoảng 17h cùng ngày thì nhận được điện của chị Hương báo tin bà Thủy bị sát hại.

Tuy nhiên, lời khai của bà Nga lại mâu thuẫn với nhân chứng là một đồng hương của bà Thuỷ. Nhân chứng này khai, khoảng 10h ngày 15/11 sau khi gọi điện thoại cho bà Thuỷ, thấy giọng bà Thuỷ ú ớ bất thường nên đã chạy sang ngay (nhân chứng này giúp việc cho một nhà ở cạnh toà nhà CT1). Tại thời điểm này, nhân chứng đã gọi cửa nhưng bà Nga ra và nói bà Thuỷ đi xuống dưới chưa về.

Ngoài ra, cơ quan công an còn thu thập được nhiều dấu vết của bà Trần Thị Nga để lại tại hiện trường vụ án, nơi nạn nhân gục chết. Theo báo Công an nhân dân đưa tin, sau một quá trình đấu tranh khai thác, về cơ bản, bà Trần Thị Nga cũng đã nhận tội.

Trước đó, chị Trần Thanh Hương, 36 tuổi, chủ căn hộ 1203 – CT1 Linh Đàm, vợ giám đốc một doanh nghiệp, bàng hoàng phát hiện người giúp việc của gia đình là chị Nguyễn Thị Thủy, 46 tuổi, quê tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, bị sát hại ngay tại phòng ngủ của gia đình. Tại hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện chị Thủy bị đa chấn thương ở vùng đầu, cổ quấn dây điện. Chiếc két sắt của gia chủ có dấu hiệu bị cậy phá nhưng chưa mất tài sản, chỉ có chiếc điện thoại di động nạn nhân vẫn thường dùng thì không thấy đâu.

Mẫn Chi (tổng hợp)