- Ngày 14/12, đại hội cổ đông VPF sẽ diễn ra và câu trả lời cuối cùng về các vị trí lãnh đạo sẽ được công bố. Liệu đây có phải là một ngày trọng đại của bóng đá nước nhà?

TIN BÀI KHÁC


Rất nhiều người hi vọng như thế khi nhìn vào những tuyên bố mạnh mẽ của những ông bầu khởi xướng việc sáng lập VPF. Mô hình mới được mong đợi sẽ là bước ngoặt mang đến bầu không khí trong sạch hơn cho bóng đá Việt Nam. Ít nhất, việc hướng đến mục tiêu này đã là đủ để VPF chinh phục cảm tình của đông đảo dư luận.

Nhưng vẫn phải nhắc lại, là từ lời nói đến hành động luôn tồn tại một khoảng cách rất dài. Cứ nhìn vào việc bầu Kiên, bầu Đức - những gương mặt quyền lực nhất và có tiếng nói nhất của nhóm ủng hộ cải cách bóng đá nước nhà, tuyên bố bận việc và vắng mặt trong ngày đại hội cổ đông sẽ thấy vấn đề thực sự là không đơn giản.

Bầu Kiên vắng mặt trong ngày công bố lãnh đạo VPF

Có thể, hai vị đại gia này cho rằng kế hoạch thành lập VPF đã đi vào “đường băng”, chỉ còn đợi ngày “cất cánh” nên việc có mặt hay không cũng không quá quan trọng. Nhưng họ quên mất rằng, chỉ cần hình ảnh của mình hiện diện trong ngày mai thôi thì lễ khai sinh của VPF mới thực sự đạt được mức độ cộng hưởng như mọi người hằng mong đợi. Đằng này, sự vắng mặt của ông Kiên và ông Đức dù có thể là chuẩn xác vì lý do “bận việc” nhưng cũng gợi nên không ít đồn đoán trong dư luận. Dù sao, cũng chỉ người trong cuộc mới có thể trả lời nhưng để cho những dị nghị nảy sinh một cách không cần thiết vào lúc này chẳng đáng chút nào.

Hay khi nhìn vào động thái lắc đầu từ chối ngồi vào các cương vị cao trong ban điều hành VPF của các vị lãnh đạo khác, người hâm mộ bóng đá nước nhà lại phải thêm một lần nữa chau mày nghĩ ngợi. Ông Phạm Phú Hòa (giám đốc điều hành CLB ĐTLA) bảo sẽ phải suy nghĩ khi được đề cử vào vị trí phó tổng giám đốc VPF. Ông Lê Hùng Dũng (phó chủ tịch tài chính VFF) thì từng nhắc đến chuyện từ chối ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT VPF.

Có nhiều lý do để giải thích cho những động thái nhường nhịn kể trên. Ông Hòa thì không muốn làm lãnh đạo ở VPF bởi điều đó đồng nghĩa với việc phải bỏ rơi một ĐTLA đang rất cần ông. Trong khi đó, ông Dũng không mạnh dạn ngồi ghế chủ tịch HĐQT VPF vì sợ bị đồn đoán là “ngọn cờ đầu” đấu lại nơi ông đang làm phó chủ tịch phụ trách tài chính.

Tất cả những động thái đó, dẫn tới viễn cảnh những gương mặt nắm quyền điều hành ở VPF thời gian đầu hoạt động sẽ chính là những người “có liên hệ” với VFF và trong quá khứ từng bị thất thế ở chính cơ quan này. Đó là ông Phạm Ngọc Viễn, ông Trần Duy Ly…

Thôi thì cứ để cho thiên hạ thoải mái bàn luận vì dù thế nào đi nữa cũng chẳng tìm được ai xứng đáng hơn và “liều” hơn để ngồi ghế lãnh đạo VPF thời điểm này. Chỉ có người hâm mộ là ngày càng nhận thấy cảnh “bình mới, rượu cũ” mà thôi…

Mai Hương