Cũng là nghệ sĩ biểu diễn, nhưng dường như người
mẫu, các đạo diễn thời trang... vẫn thiệt thòi hơn so với các lĩnh vực
nghệ thuật khác. Liệu có “cơ may” nào cho họ trong việc được xét tặng
các danh hiệu của nhà nước trao tặng, như NSND, NSƯT?
Theo Thông tư số 06/2010/TT – BVHTTDL, đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm những người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn gồm diễn viên, đạo diễn, họa sĩ, quay phim, biên đạo múa, chỉ huy dàn nhạc... mà không hề đề cập đến những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang, cụ thể là người mẫu, nhà thiết kế, đạo diễn các chương trình thời trang...
Người mẫu Thúy Hằng, Thúy Hạnh trong một show trình diễn
Khó như... hái sao trên trời
Người mẫu Thúy Hằng cho biết chị chưa từng nghĩ đến điều này, bởi các
danh hiệu của nghề từ trước tới nay đều dựa trên các cuộc thi và quá
trình cống hiến của người mẫu.
Một trong những căn cứ để xét tặng
danh hiệu này là giải thưởng các cuộc thi, thì hiện nay đã có tương đối
nhiều cuộc thi siêu mẫu, tuy nhiên, chưa có sự kiện chính thống nào do
Bộ VH-TT-DL hay Hiệp hội Người mẫu đứng ra tổ chức.
Còn xét theo tiêu chuẩn về thời gian cống hiến của
hai danh hiệu trên, với giới người mẫu thì khó như hái sao trên trời. Cụ
thể, để đạt danh hiệu NSƯT, người đó phải có thời gian hoạt động nghệ
thuật từ 15 năm trở lên, còn danh hiệu NSND đòi hỏi 20 năm cống hiến cho
nghề. Với người mẫu, kì cựu lắm cũng chỉ có thể bước trên sàn diễn
không quá 10 năm.
Cựu người mẫu Thúy Hằng tâm sự: “Tuổi nghề của
người mẫu không dài, các em thường chỉ biểu diễn 5-10 năm, lập gia đình
rồi chuyển nghề”. Như vậy, nếu theo con số 15 – 20 năm của Thông tư, hầu
như việc nghĩ đến danh hiệu nói trên là điều không tưởng, hoặc nếu
trong thời gian tới, nghề người mẫu có được xét bình đẳng như các lĩnh
vực biểu diễn khác, thì các “chân dài” cũng bước vào tuổi xế chiều của
nghề. Dẫn chứng là các siêu mẫu một thời hiện nay đều đã rẽ sang hướng
khác, hoặc lùi vào hậu trường, như Đức Hải, Vũ Cẩm Nhung, Trần Bảo Ngọc,
Thúy Hằng, Thúy Hạnh, Tôn Hiếu Anh...
Hãy chờ thêm thời gian
Một trong
những cái “vướng” khác, đó là sau những scandal đình đám của một số cá
nhân, phần đông công chúng chưa thực sự có cái nhìn thiện cảm về nghề
người mẫu, không ít cho rằng đó là chốn “thị phi”, là giới chân dài, chỉ
thích “khoe thân”...
Theo Thúy Hằng, quả thực hiện nay có những
bạn trẻ chỉ mượn tên của nghề nhằm đánh bóng tên tuổi bản thân để đi làm
những việc khác như đóng phim, ca hát, kinh doanh... khiến nghề người
mẫu không vững chắc. Nếu có được sự công nhận chính thức từ phía Nhà
nước, đó cũng là một cách tạo cơ hội cho thế hệ người mẫu trẻ cố gắng
phát huy, rèn nghề và để công việc này phát triển theo đúng tên gọi của
nó, không bị mai một, ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài.
Các người mẫu của công ty người mẫu New Talent trong màn trình diễn tại đêm nghệ thuật từ thiện Be strong Japan do Báo VietNamNet tổ chức (31/3/2011 tại Hà Nội) quyên tiền ủng hộ nạn nhân động đất sóng thần Nhật Bản
Là một người mẫu kì cựu, hiện lại ở cương vị quản lý một công ty người mẫu, phụ trách mảng đào tạo của Hiệp hội người mẫu, người mẫu Quang Tú lại cho rằng anh không mảy may băn khoăn vì cho tới thời điểm hiện tại, người mẫu vẫn chưa chính thức được coi là một nghề và thực tế, nghề này vẫn là “áo gấm đi đêm”.
Quang Tú cho rằng việc người mẫu có được một danh hiệu như NSƯT của Bộ Văn hóa trao tặng là điều rất đáng quý, tuy nhiên, "Chúng ta phải khiêm tốn, chưa nên đòi hỏi nhiều. Tôi nghĩ, ngành biểu diễn của chúng tôi còn non trẻ, nên hãy chờ thêm thời gian. Còn hiện tại, tôi cho rằng Nhà nước đang cân đối cho những ngành nghề khác, điều ấy là hợp lý”.
Theo Đất Việt