- Tôi hẹn Lê Minh Sơn một chiều cuối năm rét mướt. Rất đúng hẹn, khi tôi đến gã nhạc sĩ tóc dài đã ngồi đó - trong quán cà phê thân thuộc mà ngày nào anh cũng ghé vào để khi thì nhâm nhi tách cà phê đen khi thì lép bép cắn hạt hướng dương và uống những chén trà đặc...
Lê Minh Sơn: Lùm xùm là do 1 bộ phận khán giả!
Lê Minh Sơn: Nổi tiếng khác hẳn với nhớ mặt
Hất mái tóc dài trễ nải ra sau gáy, Lê Minh Sơn đan hai bàn tay xoa vần vào nhau rồi giọng xuýt xoa: "Eo ơi, Hà Nội lạnh thế này mà em hẹn gặp anh... Ngồi gọi nước uống đi rồi hỏi anh gì thì hỏi nhưng đừng có nhắc đến mấy chuyện làm giám khảo, đàn bà hay showbiz gì nữa nhé... Anh chả trải lòng nữa đâu, nhàm rồi, chán nữa...".
Để trấn an Lê Minh Sơn, tôi nói rằng sẽ hỏi anh những thứ liên quan đến Tết. Cười ha hả, gã tóc dài vỗ đùi đen đét: "Hay thế! Đề tài này anh khoái đấy". Rồi Lê Minh Sơn hớn hở trải lòng về những ký ức Tết hồi bé khi ấy Lê Minh Sơn - cậu con trai duy nhất trong một gia đình mà có tới 4 chị gái rất được cưng chiều.
Tết đến là kiểu gì "cu Sơn" này (nick gọi ở nhà hồi còn nhỏ của Lê Minh Sơn - PV) cũng có một thứ mới, khi thì được bộ quần áo đỏ choa đỏ choét, khi lại được những cái kẹo xanh đỏ giữ khư khư trong túi áo để dành chả dám ăn cũng có khi là một kiểu đầu mới mà bố kéo vội ra hiệu nhờ cắt vào ngày giáp Tết.
Lê Minh Sơn trên sân khấu |
Lê Minh Sơn khoe anh biết gói bánh chưng từ khi lên 9 tuổi. Và lạ ở chỗ cái bánh chưng anh gói bao giờ cũng ngon nhất nhà vì nó hình thang và có rất nhiều thứ bên trong, thịt nhiều hơn một tý, nhân đậu hơn một tý, tiêu cũng hơn một tý. Anh thích cảm giác trầu trực canh bánh chín vì nó vừa thử lòng kiên trì vừa được ngửi mùi thơm từ bánh tỏa ra mà không phải lúc nào cũng được tận hưởng.
Với Lê Minh Sơn, mẹ anh là người đàn bà gói bánh chưng đẹp nhất Việt Nam. Vì sao ư? Vì với anh, mẹ anh làm gì cũng nhất. Anh chàng nhạc sĩ hồn nhiên chia sẻ rằng vẫn thích một cái Tết truyền thống, với sự đoàn tụ của cả gia đình quanh nồi bánh chưng xanh, ngọn lửa đỏ rực và những chén rượu ấm nồng đôi môi trong cái rét đậm đà của mùa xuân.
Vì thế mấy năm nay dù đã có gia đình riêng nhưng năm nào anh cùng vợ và con trai cũng trở về trang trại của gia đình ở khu Láng Hòa Lạc vào ngày 23 Tết. Ở đó, cả nhà cùng thịt một con lợn, rồi người giã giò, người gói bánh chưng. Lê Minh Sơn thích nhất hai việc ấy.
Sau đó ngày 29 Tết, cả gia đình anh lại quay về tổ ấm riêng nằm trên phố Pháo Đài Láng và còn những công việc gì chưa làm xong, vợ chồng con cái sẽ giải quyết "nhanh, gọn" cho bằng hết để chiều 30 Tết, Lê Minh Sơn được đi chợ hoa tàn - một thói quen mà anh giữ từ mấy năm nay.
Lê Minh Sơn - một góc nhìn. |
Sơn bảo đi chẳng phải để mua hoa cho rẻ mà thích ngắm cảnh ấy. Không còn sự đông vui ồn ã, sắc hoa rực rỡ của ngày xuân. Chỉ còn lại những cánh hoa rơi, một cái chợ tan hoang, người bán mê mải nhặt nhạnh, dọn dẹp để về nhà sau những ngày cuối năm, cố công kiếm thêm một chút cho năm mới thêm đầy đủ.
Vả lại, Sơn thích ngắm tâm trạng của họ. Nếu họ kiếm được, khuôn mặt hân hoan, anh nhìn vui lây vì nghĩ chắc chắn bữa ăn chiều cuối năm của những đứa trẻ từ những người nông dân vất vả ấy sẽ rôm rả lắm. Còn nếu thua lỗ, ánh mắt họ đìu hiu, thoáng u buồn, Sơn cũng buồn lây...
Tết năm nay, Sơn khoe sẽ dành ít ngày đưa vợ và các con về một "dinh cơ" nằm trên một bãi biển ở Thanh Hóa để nghỉ ngơi. Hỏi Lê Minh Sơn có phải vì vợ chồng anh mới đón thêm 1 thành viên mới nên muốn có một cái Tết khác đi?, cười tươi anh nói: "Căn nhà đó tôi mua lâu rồi chỉ không khoe thôi".
Cuộc trò chuyện giữa tôi và Lê Minh Sơn phải ngừng lại bởi đã đến giờ gã nhạc sĩ tóc dài phải đi đón con học về. Hớt hải ra chiếc xe máy phân khối lớn, trông rất phủi, Lê Minh Sơn cười tít mắt nói với lại: "Làm gì thì làm, nghệ sĩ gì thì nghệ sĩ, với các con vẫn phải là một người bố đúng hẹn và chân chính em ạ".
Bài và ảnh: Sơn Hà