-
Quyết định vội vã khi chưa đủ điều kiện để nghiên cứu kỹ lưỡng liệu có bị đánh
giá là rỗi hơi, vô tích sự như giới chuyên môn lên tiếng?
Có thực cần không – Quốc hoa?
Lễ hội Hoa Xuân và đồ uống Tết 2011 đã khai mạc chiều qua tại Triển lãm Vân Hồ cùng với cuộc trưng cầu ý kiến nhân dân để bầu chọn “Quốc phục”, “Quốc hoa” và “Quốc tửu” Việt Nam.
Từ hồi tháng 4/2010, Bộ VH,TT&DL đã thành lập Ban chỉ đạo và Ban Biên soạn đề án “Quốc hoa” Việt Nam. Tháng 6/2010 - Hội thảo về Quốc hoa đã được tổ chức.
Cho đến hiện tại, sau nhiều cuộc thăm dò trên mạng, hoa Sen vẫn là ứng viên cao nhất cho quốc hoa Việt.
Hoa Lan, hoa Hồng cũng có tới 9-10 nước trên thế giới “đụng hàng” nhau. Rất nhiều lý do để lựa chọn các loài hoa khác như Mai, Đào, cây Tre, bông Lúa… Nếu số đông suy nghĩ kỹ một chút, biết đâu họ sẽ nghi ngờ tự hỏi phải chăng hoa Sen đẹp thật, nhiều ý nghĩa thật, nhưng chỉ là vẻ đẹp đơn thuần, trong sáng. Nếu số đông suy nghĩ lại một chút, biết đâu họ sẽ nhận ra vẻ đẹp cứng cỏi vươn dậy hào hùng của cây Tre giữ nước, vẻ đẹp yêu lao động, mồ hôi sương gió sớm hôm nhưng tràn đầy niềm kiêu hãnh của bông Lúa khiêm tốn trĩu nặng cúi đầu. Biểu tượng đẹp của bông lúa còn liên quan đến lịch sử canh tác lâu dài của cha ông ta, cho đến ngày nay, nền nông nghiệp phát triển vẫn luôn đưa cái tên Việt Nam lên là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Vả chăng không phải lúc nào ý kiến của số đông cũng là đúng đắn nhất. Thế nên, trong mọi cuộc thi, giải thưởng do bình chọn của khán giả bao giờ cũng đứng sau giải thưởng do hội đồng chuyên môn trao tặng. Và nhiều vấn đề xã hội thì không nên - không thể hỏi ý kiến số đông.
Kèm theo triển lãm Sen là đêm hội Hồn sen Việt sẽ diễn ra lúc 20h00 ngày 29/1 tới, dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng Đài TH VN, tiền hô hậu ủng cho đề cử Sen làm quốc hoa Việt. Trong chương trình này sẽ công bố kết quả bình chọn “Quốc hoa” và phát động tiếp tục bình chọn “Quốc tửu”, “Quốc phục” Việt Nam.
Không biết, kết quả bình chọn của số đông có nghiễm nhiên vượt qua ý kiến của các nhà chuyên môn, ngoạn mục tiến lên xác lập, ấn định một quốc hoa trùng lặp?
Quốc phục - chưa thấy chiều sâu
Quốc phục mang tính thực tế hơn Quốc hoa, bởi có quá nhiều dịp phải dùng đến bộ lễ phục. Mỗi lần tổ chức các cuộc hội nghị, hội kiến quan trọng, có mặt nhiều quốc gia trên thế giới tại Việt Nam, các nhà thiết kế lại được dịp cuống lên phác thảo những bộ lễ phục tự nghiên cứu, tự chọn, tự vẽ kiểu, sao cho vừa đẹp lại vừa có tính á đông.
Các cháu sinh viên sau
khi tốt nghiệp đại học, trong ngày làm lễ ra trường thì mặc áo thụng theo kiểu
Âu, Mỹ. Còn cưới hỏi, hội hè, gặp gỡ, liên hoan… đa phần đều chọn nửa nọ nửa
kia: “mặc mượn” comple (nam) và “mặc cảm tính” áo dài (nữ).
Nói như vậy không
phải hai trang phục này là xấu, ngược lại, cả hai đều rất đẹp nhưng nó hoàn toàn
mang tính “ngẫu hứng” và sự thực là nếu không mặc hai trang phục đó thì chả biết
mặc gì trong những lúc cần phải long trọng, trang nghiêm.
Việc nghiên cứu cẩn thận và tìm ra Quốc phục là cần thiết, nhưng sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức chứ không chỉ là chuyện một sớm một chiều.
Quốc tửu – “lịch sử” quá ngắn?
Về Quốc tửu, BTC trưng bày các thương hiệu đoạt giải rượu ngon tại các kỳ liên hoan tuyển chọn rượu liên tục trong ba năm: 2007, 2008, 2009 của 2 dòng rượu công nghiệp và truyền thống. Đây là cơ sở để Bộ VH,TT&DL, Bộ Công thương, Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam tiếp tục hoàn thiện đề án, quy chế tuyển chọn, Hội đồng Thẩm định với sự tham gia của các cơ quan hữu quan để tuyển chọn “Quốc tửu” Việt Nam.
Tại sao Quốc tửu lại chỉ được lựa chọn bởi mấy công ty sản xuất rượu và được thử thách qua một thời gian xây dựng và khẳng định ngắn ngủi như thế? Trong khi các quốc gia nổi tiếng về rượu đều tôn vinh những dòng rượu có tuổi thọ cả mấy trăm năm.
Chúng ta có loại rượu
dân tộc nào nổi tiếng đến mức nhắc tên là mọi người đều gật đầu đồng tình về giá
trị của nó? Như thể Tequila của Mehico, Vodka của Nga hay rượu vang của Ý, Pháp,
Chile? Nếu không có những loại rượu nổi tiếng và khẳng định được giá trị vượt
thời gian như vậy, thì có cần không một Quốc tửu, khi mà Việt Nam không phải xứ
sở của rượu và ma men đã làm hại biết bao nhiêu thân phận con người?
Vẻ đẹp yêu lao động, mồ hôi sương gió sớm hôm nhưng tràn đầy niềm kiêu hãnh của bông Lúa khiêm tốn trĩu nặng cúi đầu. |
Hàng ngày tại Lễ hội, BTC sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua mạng máy tính, website và phiếu bình chọn “Quốc phục”, “Quốc hoa” và “Quốc tửu”. Liệu sẽ có bao nhiêu người dân tới bình chọn khi mà triển lãm vắng tanh, gần như chỉ có BTC “ngắm” nhau?
Thêm nữa, ngay cả khi những cuộc bình chọn từ internet hoặc điều tra xã hội học có thu hút được toàn dân Việt tham gia, người người bầu chọn, nhà nhà click chuột, thì như trên đã nói, kết quả bình chọn của số đông không nên và không thể thay thế sự cân nhắc bằng kiến thức, kinh nghiệm và tầm cỡ của hội đồng chuyên môn.
Quốc hoa thì băn khoăn, Quốc phục chưa rõ ràng, Quốc tửu thì ngay từ khi khởi xướng, ý tưởng đã bị công chúng trên nhiều diễn đàn đồng loạt phản ứng. Quyết định vội vã khi chưa đủ điều kiện để nghiên cứu kỹ lưỡng liệu có bị đánh giá là rỗi hơi, vô tích sự như giới chuyên môn đã nóng mặt lên tiếng thời gian qua?
Hòa Bình (Ảnh sưu tầm)